Hoạt động gắn kết doanh nghiệp

Sinh viên Khoa Kinh tế được cập nhật thông tin về tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam 2021 – 2022

11/06/2022
Chiều ngày 8/6/2022, tại Hội trường tầng 15 trụ sở chính Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. HCM đã diễn ra buổi báo cáo chuyên đề môn học Nghiệp vụ Ngoại thương với chủ đề: “Một số điểm về xuất nhập khẩu Việt Nam 2021 – 2022” do Bà Trần Xuân Trang - Trưởng Phòng Huấn Luyện, Trung Tâm Xúc Tiến Thương Mại Đầu Tư TP. HCM (ITPC) trình bày. Buổi báo cáo chuyên đề còn có sự tham dự của TS. Nguyễn Anh Duy – Trưởng ngành Kinh doanh quốc tế và ThS. Nguyễn Lê Đông Xuân – Giảng viên ngành Kinh doanh quốc tế cùng hơn 200 sinh viên đến từ Khoa Kinh tế. 

TS. Nguyễn Anh Duy – Trưởng ngành Kinh doanh quốc tế trao thư cám ơn cho Bà Trần Xuân Trang - Trưởng Phòng Huấn Luyện, Trung Tâm Xúc Tiến Thương Mại Đầu Tư TP. HCM (ITPC)
 Theo Bà Trần Xuân Trang, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 336.25 tỷ USD mức tăng 19% và nhập khẩu đạt mức 332.25 tỷ USD tăng 26.5%. Thông qua phần mini game tương tác, Bà Trần Xuân Trang đã giao lưu với sinh viên bằng những câu hỏi như quốc gia nào Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất? Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ quốc gia nào?. 




Các bạn sinh viên liên tục giơ tay phát biểu và tương tác thông qua phần minigame hỏi đáp

Bà Trần Xuân Trang cũng cho biết Việt Nam xuất siêu chủ yếu sang thị trường Hoa Kỳ, nhập siêu nhiều nhất từ Trung Quốc do vị trí địa lý gần, giá cả sản phẩm tương đối rẻ, sản phẩm đa dạng về chủng loại. Một số thị trường có xuất nhập khẩu lớn với Việt Nam bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Hà Lan, Đức, Ấn Độ, Thái Lan và thị trường Anh. Tỷ trọng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam ở các thị trường chủ yếu năm 2021 bao gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, ASEAN, EU,... Theo Tổng Cục Thống kê, 8 mặt hàng xuất khẩu hàng đầu bao gồm điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; hàng dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; sắt thép; phương tiện vận tải và phụ tùng. Về kim ngạch xuất nhập khẩu dịch vụ như dịch vụ tài chính, logistics, bảo hiểm,… xuất khẩu giảm đến 51,7% do tác động của đại dịch Covid-19, nhập khẩu dịch vụ có xu hướng tăng. Giữa khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp cao nhất trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Liên quan đến các thị trường xuất khẩu cạnh tranh, Bà Trần Xuân Trang đã lấy ví dụ về một số thị trường điển hình như thị trường Ấn Độ và thị trường Thái Lan. Cụ thể với thị trường Ấn Độ, giá trị xuất khẩu top 10 mặt hàng xuất khẩu của Ấn Độ có giá trị 26,634.46 triệu USD, thị phần chiếm 78,19% và mức tăng trưởng tăng 25.23% so với cùng kỳ năm ngoái. Bằng những ví dụ thực tiễn về độ ngọt của bánh tại thị trường Pháp, các loại trái cây khi xuất khẩu như sầu riêng của Thái Lan và Malaysia, bưởi Năm Roi của Việt Nam, Bà Trần Xuân Trang đã chứng minh tầm quan trọng của việc tìm hiểu kỹ lưỡng về thị hiếu người tiêu dùng. 
Thông qua buổi báo cáo chuyên đề, Bà Trần Xuân Trang cũng giới thiệu về các thông tin về yêu cầu thị trường nhập khẩu, thông tin nhà nhập khẩu, kênh phân phối, giá cả,… mà các sinh viên có thể tìm kiếm thông qua trang thông tin của Trung Tâm Xúc Tiến Thương Mại Đầu Tư TP. HCM (ITPC) tại địa chỉ website: www.itpc.hochiminhcity.gov.vn

Báo cáo chuyên đề là một trong hoạt động được diễn ra định kỳ vào mỗi học kỳ dành cho sinh viên UEF; qua đó, ngoài các tiết học lý thuyết trên lớp, sinh viên sẽ có cơ hội gặp gỡ và lắng nghe chia sẻ từ các chuyên gia đến từ khu vực doanh nghiệp. Hoạt động này giúp sinh viên nâng cao kiến thức chuyên môn, kết hợp kiến thức lý thuyết và thực tiễn, từ đó hình thành quan điểm/nhận định đa dạng đối với một vấn đề. 
Nguồn: Khoa K T

 
TIN LIÊN QUAN