Học thuật

Vấn đề tự học của sinh viên ngành Quan hệ quốc tế

06/11/2017
“Đại học” chính là “tự học”. Nói cách khác, “tự học” là phương pháp, cách học chủ đạo ở bậc đại hoc. Việc “tự học” góp phần khẳng định vai trò trung tâm của người học - xu hướng chung của một nền giáo dục tiên tiến trong thế kỷ 21. Một cách thiết thực và quan trọng hơn, “tự học” là một trong những tiêu chí nhằm phân biệt sinh viên đại học và học sinh phổ thông: sinh viên là người học có vai trò chủ động hơn, tích cực hơn trong việc tìm kiếm tri thức. Thêm vào đó, trong một thế giới toàn cầu hóa, một kỹ năng mềm không thể thiếu của sinh viên chính là kỹ năng tự học. Bất kỳ nền kinh tế nào cũng nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc tự tìm tòi và chiếm lĩnh tri thức. Với tốc dộ phát triển vũ bão của Internet trong thời đại kỷ nguyên số, thông tin và kiến thức mới luôn được cập nhật từng phút từng giây, sinh viên ngành Quan hệ quốc tế– chủ thể của quá trình học, nếu không được trang bị kỹ năng tự học hiệu quả sẽ không thể nào nắm bắt được tri thức mới, sẽ trở nên thụ động, gặp khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề với nguồn tri thức và tư duy mới. Do đó, ngoài thời gian học tập ở trường, làm các công việc part time, check-in Facebook, post hình chụp choẹt lên Instagram, chúng ta nên dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để:
Đọc sách
“Người đọc sách sống một nghìn cuộc sống trước khi anh ta chết, còn người không đọc sống chỉ một đời” (George R.R. Martin). Có thể nói, sách là cả thế giới. Những con người vĩ đại như Bill Gates, Warren Buffet dù bận rộn đến đâu đều dành rất nhiều thời gian cho việc đọc sách hàng ngày. Thực trạng ngày nay, nhiều người chỉ đọc các tin tức, các bài viết “mì ăn liền” trên các trang web báo mạng và mạng xã hội. Các bài viết kiểu này đa phần là tin rác, sử dụng chủ yếu những từ ngữ, hình ảnh giật gân để thu hút lượng view. Trái ngược lại, bên cạnh kiến thức, nhiều quyển sách hay, có giá trị thật sự đã giúp nhiều người thay đổi cuộc đời, thay đổi nhận thức về cuộc sống, hình thành các thói quen sống lành mạnh, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, xã hội. Nếu không có điều kiện mua sách giấy, với “Mr Google”, chúng ta có thể tìm đến các trang web đọc ebook miễn phí. Với các sách tác giả là người nước ngoài, tốt nhất là chúng ta tìm đọc các sách hoặc ebook nguyên bản tiếng Anh, vì vừa có kiến thức vừa tăng thêm vốn từ vựng, cũng như nắm cách hành văn của các tác giả người bản ngữ. Hãy đặt một mục tiêu cụ thể cho mình: bắt đầu là một tháng đọc một quyển sách, rồi mỗi tuần một quyển. Sau một khoảng thời gian nhìn lại, chắc chắn chúng ta sẽ thấy kiến thức và vốn sống của mình đã thực sự tăng lên nhiều thế nào.



Học trực tuyến trên mạng
Hình thức học trực tuyến qua MOOC( viết tắt của từ Massive Open Online Course – Khoá học trực tuyến đại trà) đang ngàng càng phổ biến trên toàn thế giới. Nó được dự đoán sẽ trở thành loại hình giáo dục của tương lai, vì người học chỉ cần một thiết bị có thể kết nối mạng (máy vi tính, smartphone), có thể học vào bất kỳ thời gian nào trong ngày, tự do lựa chọn học các kiến thức, kỹ năng không được dạy ở các trường đại học. Một số trang MOOC hoàn toàn miễn phí như: Coursera, Edx, Khan Academy, Alison, Future Learn….

Chương trình học được thiết kế bởi những trường đại học danh tiếng, các tổ chức giáo dục uy tín của Mỹ, Anh và được giảng bởi các giáo sư nổi tiếng, các chuyên gia đầu ngành về các đề tài khác nhau: nghệ thuật, lịch sử, thuật lãnh đạo, kinh tế học, ngoại ngữ, thiết kế đồ hoạ, phát triển bản thân v.v. Người học có thể tham gia thảo luận với bạn bè đến từ khắp các châu lục, đặt các câu hỏi với giảng viên và trợ giảng môn học, làm bài tập và thi kết thúc môn để nhận chứng chỉ hoàn thành khoá học (với một khoản phí rất nhẹ). Những chứng chỉ này sẽ góp phần không nhỏ làm đẹp CV của mình sau này trong mắt các nhà tuyển dụng, khi chúng ta nộp đơn làm việc cho các công ty, tổ chức trong và ngoài nước tại Việt Nam.
 
Người đưa tin: Trần Minh Nhân
TIN LIÊN QUAN