Tin tức sự kiện

Sinh viên UEF tìm hiểu văn hóa làm việc và trau dồi tác phong chuyên nghiệp của người Nhật

24/09/2021
Với mong muốn trang bị cho các bạn sinh viên năm 3, năm 4 vốn kiến thức về phong cách làm việc của người Nhật cũng như tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm thực tế cho nghề nghiệp sau này, khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế tổ chức buổi workshop “Văn hóa làm việc của người Nhật dưới góc nhìn của người Việt Nam”. Sự kiện diễn ra sáng ngày 14/9 trên Microsoft Teams. 
 
Hoạt động thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật
 
Tham dự chương trình có TS. Võ Văn Thành Thân – Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế, cô Igeta Miyuki, thầy Kamata Masashi cùng các giảng viên ngành Ngôn ngữ Nhật và hơn 100 UEFers. Diễn giả chia sẻ là TS. Lê Duy Hưng – Phó Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế. 
 
 
Các thầy cô đã lan tỏa nguồn năng lượng tích cực vào sáng thứ 3 cho UEFers
 
Trước khi bắt đầu chương trình, TS. Võ Văn Thành Thân đã nhắn nhủ đến sinh viên: “Đây là hành trang cần thiết cho cho các bạn trước khi bước vào năm 4 - giai đoạn học tập sâu hơn với giảng viên người Nhật. Thông qua chương trình hôm nay, hy vọng các bạn sẽ có được sự chuẩn bị tốt và đầy đủ về kiến thức, tác phong, nắm được các hành vi văn hóa để có thể thực tập, làm việc hiệu quả ở môi trường Nhật Bản”.
Từng du học tại Xứ sở hoa Anh Đào và trải qua các môi trường làm việc mang yếu tố Nhật Bản, trong hơn 3 giờ đồng hồ, TS. Lê Duy Hưng đã mang đến cho UEFers nhiều lưu ý quan trọng trong nét văn hóa lao động của người Nhật. 
Diễn giả mở đầu phần chia sẻ bằng câu chuyện ngụ ngôn về 2 chú ngựa. Từ đó rút ra bài học về giá trị của một cá nhân trong tổ chức: nếu cứ lười nhác và không thể hiện được giá trị của mình, bạn sẽ bị đào thải. 
 
 

Một số nội dung trong văn hóa ứng xử của người Nhật sinh viên cần lưu ý
 
Tiếp đó, những quy tắc trong văn hóa ứng xử nơi công cộng, nơi làm việc của người Nhật được thầy chia sẻ cặn kẽ với những ví dụ thực tế. Trong đó liên quan đến các vấn đề như: Chủ động chào hỏi, tác phong lịch thiệp, cách ăn mặc phù hợp với môi trường, tóc tai gọn gàng, giày dép chỉn chu, đúng giờ, giữ lời hứa, ngăn nắp, không lãng phí, tránh làm phiền, cách trình bày vấn đề, đặt ra những câu hỏi trước khi thực hiện một công việc, hành động dựa trên những quy phạm xã hội, nghị lực trong giải quyết khó khăn, độ chính xác quan trọng hơn tốc độ hoàn thành, sơ đồ làm việc P. D. C. A (Plan – Do – Check – Act),…
 
 
Vòng tuần hoàn P. D. C. A để giải quyết một công việc hiệu quả
 
Trước khi kết thúc chương trình, thầy đã đưa ra câu hỏi: “Tại sao bạn muốn làm việc với người Nhật?”. Ngay sau đó, diễn giả đã hướng sinh viên xây dựng câu trả lời để có thể gây ấn tượng mạnh, đánh vào 3 yếu tố: chữ tín (đúng giờ, giữ lời hứa), sự tập trung trong công việc và xem trọng hiệu suất hơn số lượng. 
UEFers đã liên tục đặt ra nhiều câu hỏi liên quan ở cuối chương trình và được TS. Lê Duy Hưng giải đáp tận tình. Sắp tới, khoa cũng sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động khác, chuẩn bị cho sinh viên hành trang tốt nhất trước khi chính thức cọ xát với công việc nơi công sở. 
  Quy Nguyễn 
 
 
TIN LIÊN QUAN