Tin tức sự kiện

Nghiên cứu khoa học và những điều sinh viên theo đuổi lĩnh vực truyền thông cần lưu ý

09/11/2021
Tối ngày 7/11 vừa qua, trong khuôn khổ chương trình đưa thực tiễn vào môn học “Phân tích dữ liệu và truyển thông”, khoa Quan hệ công chúng và truyền thông đã tổ chức buổi webinar với chủ đề “Cách viết bài nghiên cứu trong lĩnh vực truyền thông”. Chương trình diễn ra trực tuyến với sự đồng hành của ThS. Hoàng Mi – Trưởng ngành Quan hệ công chúng. Diễn giả là ông Trần Đức Sự - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và công nghệ Trẻ. 
 

Hoạt động đã trang bị cho sinh viên nhiều kiến thức thực tế về bài nghiên cứu khoa học
 
Mở đầu chương trình, diễn giả đã nhắn nhủ đến sinh viên: “Điều khó nhất trong nghiên cứu khoa học không phải viết bài mà là tìm ý tưởng”. Cụ thể hóa nhận định này, khách mời cho biết một ý tưởng đề tài tốt cần đáp ứng các yếu tố sau: Có tính thực tiễn (vấn đề đang đặt ra trong xã hội, đặc biệt lĩnh vực truyền thông là luôn luôn cập nhật và đổi mới); phải có sự nhất quán giữa việc đặt mục tiêu và kết luận; kết cấu bố cục các chương phải có sự cân bằng (đây là lỗi sinh viên hay gặp); trích dẫn đủ, không phóng đại nguồn tài liệu tham khảo; sắp xếp theo văn phong và cấu trúc theo logic, khoa học; không có hoặc rất ít lỗi chính tả. 
 

Diễn giả Trần Đức Sự là gương mặt quen thuộc trong các hoạt động gắn với nghiên cứu khoa học của UEFers
 
Theo đó, để thực hiện một bài nghiên cứu, người viết cần có kiến thức ở 3 mảng: Kiến thức khoa học về vấn đề mình sẽ thực hiện, phương pháp nghiên cứu và kỹ năng, kinh nghiệm nghiên cứu (đối với các bạn chưa từng nghiên cứu thì học hỏi kinh nghiệm từ các anh, chị đi trước, các buổi webinar, thầy, cô,…). Khi nghiên cứu, các bạn có thể định hướng sản phẩm của mình theo 1 trong 3 loại hình: Cơ bản, là việc khám phá quy luật và tạo ra các lý thuyết; ứng dụng, là việc vận dụng lý thuyết để mô tả, giải thích, dự báo, đề xuất các giải pháp và triển khai là sự phát triển.
 

Bạn Đặng Ngọc Minh Thư - Sinh viên năm cuối của khoa vừa có đề tài nghiên cứu vào Chung kết Euréka đã có phần giao lưu cùng khách mời và các bạn sinh viên 
 
Diễn giả còn cho biết, để có một bài nghiên cứu khoa học phải trải qua 3 giai đoạn chính: Tìm hiểu các nghiên cứu đã được thực hiện trước liên quan đến đề tài của mình (đọc tài liệu, tìm thông tin từ các từ khóa liên quan để tổng hợp được nội dung các nghiên cứu và đưa ra những vấn đề mà các nghiên cứu trước chưa có hoặc phát triển thêm từ nền tảng của các nghiên cứu trước. Tình hình nghiên cứu của đề tài này ở Việt Nam và thế giới như thế nào), giai đoạn này góp phần lớn tạo nên giá trị khoa học cho đề tài; tổ chức lấy số liệu, tư liệu và rút ra quy luật từ các con số khảo sát, bước này sẽ làm tăng giá trị của nội dung khảo sát trong nghiên cứu giúp người đọc hiểu được các con số trình bày thể hiện điều gì trong đề tài này. Cuối cùng là công bố kết quả nghiên cứu (viết bài hoàn chỉnh). 
 

4 bước để thực hiện nghiên cứu khoa học
 
Một điều quan trọng được diễn giả nhấn mạnh là mục tiêu trong bài nghiên cứu, thường có 3 điểm chính, theo cấp độ tăng dần từ mô tả, phân tích đánh giá rồi đến lý giải, đề xuất giải pháp. Mỗi mục tiêu được đặt ra càng rõ ràng, cụ thể càng nhận được sự đánh giá cao. Ngoài ra, diễn giả cũng trình bày một số vấn đề khác trong nghiên cứu như: trình tự, cách đặt tiêu đề, nhiệm vụ nghiên cứu, phạm vui, đối tượng, khách thể, mẫu khảo sát, quy trình, cấu trúc,….
 



Quy trình, cấu trúc, thứ tự của một bài nghiên cứu khoa học
 
Những chia sẻ từ kinh nghiệm thực tiễn của người làm nghiên cứu và tham gia đánh giá các nghiên cứu của sinh viên giúp UEFers nhận ra nhiều điểm tưởng chừng như rất nhỏ nhưng cũng cần phải "nằm lòng". Với khả năng, tư duy của các bạn, việc thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học lĩnh vực truyền thông không hề khó. Song, để có sản phẩm dự thi hoàn chỉnh theo đúng chuẩn mực thì bài học từ chuyên gia là cơ sở để các bạn tiến hành thuận lợi và gặt hái nhiều thành quả.
 
Quy Nguyễn (TT.TT-TT)
TIN LIÊN QUAN