Tin tức sự kiện

​Trước khó khăn chung, các thành viên Nhà UEF cùng nhau cố gắng để thích ứng

23/06/2021
Tình hình dịch bệnh đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Việc dạy và học phải chuyển đổi từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến. Cảm xúc của mọi người ngay thời điểm này phần nào bị chi phối, lo lắng có, an tâm có, ngột ngạt có, bằng lòng có, nhưng chắc hẳn ai cũng tồn tại suy nghĩ rằng chúng ta phải cố gắng vượt qua biến động chung.
Tại Nhà UEF, tập thể lãnh đạo, nhân viên, giảng viên, sinh viên đều luôn duy trì tinh thần ấy vì tất cả đều biết mình đang cố gắng vì điều gì. 
Với các thầy cô quản lý khoa cũng như trực tiếp giảng dạy, việc chuyển đổi hình thức dạy học chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề cần lưu tâm. Chia sẻ về điều này, PGS. TS. Hoàng Thị Hồng Hà - Trường khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông cho biết: “Điều tốt nhất mà tôi thấy là cô trò chúng tôi chia sẻ những mục tiêu cụ thể trong giai đoạn đặc biệt này: cần đúng giờ lên lớp, cần hiểu bài, cần nắm chắc những yêu cầu của các bài tập. Các thầy cô đã được chuẩn bị trước, qua nhiều lớp tập huấn của nhà trường về giảng dạy online trong suốt năm qua, nên khi vào giảng dạy thật sự cũng không gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi kiên trì giữ kết nối với từng sinh viên bằng tất cả các hoạt động, bằng tất cả các phương tiện. Các ý kiến của sinh viên được lắng nghe, trao đổi và hỗ trợ kịp thời nhất trong khả năng của Khoa”. 
Mỗi giờ lên lớp là mỗi kỷ niệm đẹp, cô thấy vui nhất là lúc lớp nghiêm túc và tương tác thường xuyên với nhau. Các bạn thường hỏi thăm cô rằng cô ăn chưa, cô mệt không, lâu lâu giải lao là các bạn cũng tranh thủ tâm sự với cô thời gian giãn cách làm gì. Có kỷ niệm khiến cô rất ấn tượng đó là cô cho các bạn phản biện một số đề tài liên quan đến môn học bằng Tiếng Anh, bình thường nếu học trực tiếp đôi lúc các bạn có chút e dè nhưng khi học online các bạn thể hiện quan điểm của mình rất tốt”, những buổi học online đã để lại cho ThS. Nguyễn Vương Hoài Thảo - Phó Trưởng khoa Quản trị du lịch - Khách sạn nhiều ấn tượng.
Đối với các ngành ngôn ngữ, việc học tập trực tuyến sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là kỹ năng nói vì thầy cô khó có thể quan sát được cách biểu đạt và phản ứng của các bạn. Để thích ứng với điều này, thầy Choi Young Taek - Giảng viên tiếng Hàn khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế chia sẻ: “Vì học trực tuyến nên tôi không thể thấy được gương mặt từng em, không thấy được cách biểu đạt và phản ứng của sinh viên nên việc dạy môn nói khá khó khăn. Thêm một điều là trong quá trình học các em sinh viên buộc phải tắt micro, khi phát biểu khá mất thời gian bật micro để trả lời câu hỏi của giảng viên. Để khắc phục điều này, tôi phải chuẩn bị các video clip hoặc thu âm mp3 để hướng dẫn cách phát âm, ngữ điệu, cách biểu đạt tiếng Hàn cho sinh viên của mình. Thường sẽ mất thêm 1 tiếng chuẩn bị những tài liệu này cho mỗi buổi dạy”.
Trong khi đó, cô Miyuki Igeta - Giảng viên tiếng Nhật khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế cho biết: “Trên màn hình không thể hiện tất cả gương mặt sinh viên, điều đó đòi hỏi tôi phải tập trung chú ý nhiều hơn đến từng bạn và trao đổi nhiều hơn. Các em lúc đầu chưa quen nên khi vào lớp online, vào group được chia để thực hành có hơi lúng túng, nhưng dần dần tất cả đều đã quen với cách học mới mẻ này và tương tác tốt với tôi. Việc dạy và học trực tuyến đòi hỏi sự cố gắng của cả cô và trò để đạt kết quả cao nhất cho bài giảng, điều này cũng giúp thực hành ứng dụng các tình huống đàm thoại tiếng Nhật hiệu quả. Giờ đây chúng tôi đã quen và tôi nghĩ việc học tập trực tuyến này cũng là một trải nghiệm thú vị trong hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn hiện nay”. 
Khi học online, sinh viên không thể được hỗ trợ trực tiếp về vấn đề học vụ cũng như các hoạt động ngoại khóa. Để khắc phục điều này, thầy cô đã cố gắng làm việc hết mình để giúp các bạn giải đáp thắc mắc cũng như có những hoạt động ý nghĩa tại nhà. “Nhận được phản hồi của các bạn sinh viên, Trung tâm Hỗ trợ học vụ đều cố gắng xử lý nhanh chóng hoặc liên hệ với các đơn vị liên quan để kiểm tra, khắc phục sớm nhất có thể. Đối với các trường hợp sinh viên không theo kịp bài, ngoài việc gửi email trực tiếp nhờ thầy cô bộ môn, Trung tâm còn gọi điện thoại hướng dẫn cụ thể để các bạn mạnh dạn trao đổi với giáo viên, để thầy cô nắm bắt tình hình và hỗ trợ hướng dẫn bài ngay tại lớp. Ngoài ra, Trung tâm Hỗ trợ học vụ còn hướng dẫn UEFers đăng ký và đề xuất tổ chức các lớp học phụ đạo để giúp sinh viên củng cố kiến thức trước khi thi học kỳ 2B”, chị Lê Anh Phương - Nhân viên Trung tâm hỗ trợ học vụ. 
Hiện nay, đơn vị tổ chức và người tham gia bị ngăn cách về vấn đề địa lý. Bài toán đặt ra lúc này đối với phòng Công tác sinh viên là làm như thế nào để duy trì sự phong phú, sôi nổi của hoạt động mà các bạn vẫn dễ dàng tham gia, tương tác qua mạng xã hội/các kênh truyền thông online. Sự kiện "chạm" được từng cá nhân nhưng hiệu ứng phải lan tỏa ra tập thể, cộng đồng. Đó là lý do vì sao Phòng Công tác sinh viên nỗ lực thực hiện nhiều ý tưởng, tổ chức nhiều hoạt động trong giai đoạn này hơn thường lệ. Bên cạnh đó, mỗi khi "trình làng" một hoạt động mới, các bạn sinh viên bày tỏ sự hưởng ứng, phấn khởi thông qua việc tương tác, chia sẻ, bình luận về poster, bài viết hoạt động. Điều đó đã truyền rất nhiều động lực cho tôi”, chia sẻ của chị Hà Trần Ngọc Thuỷ - Nhân viên Phòng Công tác sinh viên. 
Mỗi bộ phận tại UEF đều cố gắng trong giai đoạn khó khăn chung này. Đối mặt với dịch bệnh, việc bảo vệ sức khỏe tốt và giữ gìn vệ sinh môi trường rất quan trọng. Cô Cao Kim Khuyên - Nhân viên Tổ vệ sinh chia sẻ: “Công việc của cô vẫn duy trì ổn định, cô làm vệ sinh kết hợp khử khuẩn để đảm bảo yếu tố an toàn, phòng dịch. Sinh viên không đến trường nên khung cảnh khá buồn, trống vắng lắm, cứ thấy thiếu thiếu không quen. Mong rằng dịch bệnh sớm được kiểm soát, mọi người đi học, đi làm bình thường trở lại. Có sinh viên thì không khí nhộn nhịp hơn, cô cũng tìm thấy niềm vui trong công việc. Hy vọng sớm được gặp lại các bạn sinh viên Nhà UEF”. 
Đối với sinh viên Nhà UEF, đây có lẽ là khoảng thời gian vừa khó khăn vừa đáng nhớ. Bạn Lê Huyền Trang - Sinh viên khoa Quản trị du lịch - Khách sạn bày tỏ: “Học online không phải là sự lựa chọn mà là giải pháp duy nhất để chúng ta vẫn đảm bảo tiến độ học tập trong thời kỳ dịch bệnh phức tạp và nguy hiểm. Mình nghĩ để có thể tiếp thu bài giảng một cách tốt nhất thì chính bản thân phải có sự tự học, nghiên cứu bài học thật tốt, luôn đặt câu hỏi nếu như mình không hiểu và bày tỏ cách hiểu lẫn suy nghĩ của mình cho giảng viên biết được tiến độ học tập của mình. Bên cạnh đó, việc ôn lại và thống kê lại kiến thức luôn cần thiết, chỉ cần dành ra 15 đến 30 phút cho mỗi môn học thì mình tin rằng chúng ta có thể nắm bắt kiến thức được kịp thời. Đặc biệt, chúng ta phải có mục tiêu đối với môn học đó. Đây là cái quan trọng để giúp chúng ta xác định xem mình cần nỗ lực bao nhiêu để đạt được kết quả mình mong muốn”. 
Một trong những điểm mình thích nhất của việc học online là mình có nhiều thời gian để ở cạnh gia đình nhiều hơn. Bởi lẽ, từ khi lên đại học, mình thường ở lại Sài Gòn và hiếm khi về nhà. Vậy nên trong quãng thời gian này, bên cạnh việc học thì mình cũng dành nhiều thời gian ở bên và phụ giúp người thân trong gia đình nhiều hơn”, cảm nhận của bạn Trần Thị Thanh Thuỷ - Sinh viên khoa Tài chính - Thương mại. 
Trong khi đó, đối với bạn Đặng Ngọc Minh Thư - Sinh viên khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông cho biết, học online là: “Kỷ niệm đáng nhớ trong suốt quãng đường Đại học. Sau này nhìn lại, chúng mình sẽ nhắc đến khoảng thời gian cùng họp nhóm làm bài tập qua điện thoại mỗi ngày, cùng thuyết trình và tương tác thông qua màn ảnh nhỏ. Do đó, mình rất trân trọng những thử thách này bởi nó giúp mình trưởng thành và tích lũy thêm nhiều trải nghiệm trong cuộc sống”.
 
TT.TT-TT
TIN LIÊN QUAN