Tin tức sự kiện

UEFers học cách sáng tạo nội dung trên mạng xã hội cùng nhà báo Trần Triều

03/12/2022
Mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, đang trở thành một công cụ hữu ích trong đời sống hiện đại. Chúng ta sử dụng mạng xã hội không chỉ để giải trí mà còn để phục vụ công việc, quảng bá thương hiệu, làm truyền thông,… từ đó mạng xã hội đã và đang trở thành sân chơi cho các Content Creator. 
Với mong muốn giúp các bạn sinh viên Nhà UEF học hỏi, trau dồi những kiến thức thực tế bổ ích, thú vị về hoạt động sáng tạo nội dung, 1/12 vừa qua, Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông đã tổ chức workshop "Content cho mạng xã hội: Khác mới hay"
Diễn giả của chương trình là nhà báo Trần Triều - Giám đốc Công ty Truyền thông Vam Concept. Ngoài ra, chương trình còn có sự tham dự của TS. Đặng Anh Lực - Trợ lý Trưởng Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông.
 


Buổi workshop đã giúp UEFers thu nạp thêm nhiều kiến thức liên quan đến chuyên ngành đang theo học
 
Tại chương trình, diễn giả Trần Triều đã có những chia sẻ chi tiết xoay quanh vấn đề sáng tạo nội dung trên mạng xã hội và những thủ thuật để sáng tạo nội dung. Theo diễn giả, mạng xã hội thực sự là “mảnh đất màu mỡ” để người trẻ thỏa sức sáng tạo. Tuy nhiên, chúng ta không nên chạy theo cái lợi trước mắt, xây dựng những nội dung không lành mạnh. Thay vào đó hãy xây dựng những bài viết có giá trị, đem đến những thông tin mới mẻ, được người đọc quan tâm.
 
 


Diễn giả Trần Triều chia sẻ và thảo luận cùng sinh viên
 
Trong nội dung chia sẻ, diễn giả nhấn mạnh “content is king”, nghĩa là nội dung là yếu tố quan trọng, quyết định người xem có dừng lại để đọc, thậm chí là bình luận, thích hoặc chia sẻ nội dung đó hay không. Nếu nội dung không hấp dẫn, không có tính mới, người xem sẽ  “lướt” qua và nội dung sẽ dần biến mất.
Ba thủ thuật trong viết content được diễn giả chia sẻ để tạo sự hấp dẫn cho bài viết gồm: sáng tạo câu đầu tiên, gieo hạt mầm tò mò và cầu tuột cảm xúc. Đây là ba yếu tố đánh vào tâm lý tò mò của người đọc.
Trong phần giao lưu với sinh viên, trước câu hỏi: “Làm thế nào để tìm nguồn sáng tạo”, nhà báo Trần Triều cho rằng, sự sáng tạo bắt nguồn từ chất liệu cuộc sống. Nghĩa là các bạn phải đi nhiều, trải nghiệm nhiều và gặp gỡ nhiều người.
Qua chương trình, các bạn sinh viên đã thu nạp thêm rất nhiều kiến thức liên quan đến chuyên ngành đang theo học. Đồng thời đây cũng là cơ hội để sinh viên rèn luyện kỹ năng, xây dựng mối quan hệ và tìm kiếm việc làm cho tương lai.
 
Tin: Kim Bằng
Ảnh: Tuấn Anh và Khánh Vy
TIN LIÊN QUAN