Tin tức sự kiện

Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế UEF tham dự và phát biểu tại ITEC DAY 2021

29/09/2021

Nhằm kỷ niệm quan hệ đối tác Việt Nam - Ấn Độ  trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Kinh tế & Kỹ thuật Ấn Độ (ITEC), Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. HCM đã tổ chức buổi chia sẻ kinh nghiệm và những kỷ niệm đáng nhớ khi học tập tại Ấn Độ của các Cựu học viên học bổng ITEC bằng hình thức trực tuyến vào lúc 15g00, thứ Ba, ngày 28/09/2021.

 

Sự kiện có sự tham gia của Ngài Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM, TS. Trần Thanh Huyền - Trưởng Khoa, Khoa Quan hệ Quốc tế UEF, Đại diện Sở Ngoại vụ Gia Lai, Đại diện Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP. Cần Thơ và đông đảo các cựu học viên học bổng ITEC.

 

Mở đầu sự kiện là bài phát biểu của Ngài Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM. Trong bài phát biểu của mình, Ngài Tổng Lãnh sự đã đề cao những thế mạnh của Việt Nam về công nghệ thông tin, hợp tác đào tạo đồng thời nhấn mạnh sự tiến triển vượt bậc trong quan hệ hai nước Ấn Độ - Việt Nam trên các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, y tế và ngoại giao.


 

Đặc biệt, ngay sau phần phát biểu của Ngài Tổng Lãnh sự, Khoa Quan hệ Quốc tế UEF vinh dự khi có sự tham gia và phát biểu của TS. Trần Thanh Huyền, Trưởng Khoa, Khoa Quan hệ Quốc tế. TS. Trần Thanh Huyền là cựu học viên của ITEC ở Khóa học “Leadership 4.0: Management and Governance in the Emerging World of disruption” tại Học viện Quản lý cán bộ Kozhikode. 

 

Bắt đầu bài phát biểu, TS. Trần Thanh Huyền đã bày tỏ sự trân trọng đến con người, thiên nhiên Ấn Độ bởi lẽ nơi đây là cái nôi của văn minh nhân loại, sự đa dạng tôn giáo, là vùng đất của những câu chuyện thần thoại. Tiếp theo đó là phần chia sẻ những trải nghiệm và kỷ niệm đáng nhớ của cô khi tham gia khóa học tại Ấn Độ. Có 4 vấn đề chính được tập trung thảo luận tại khóa học là: tính xác thực (authenticity), tính kết nối (connectivity), tính năng suất (productivity), và khả năng (possibility) đối với vai trò của một người lãnh đạo. Bên cạnh đó, phương pháp học tập kết hợp giữa trao đổi, thảo luận với việc tham quan thực tế đã góp phần cung cấp cho cô cũng như các học viên khác thêm nhiều kiến thức  bổ ích trên nhiều khía cạnh như chính sách công, biến đổi khí hậu, chiến lược hoạt động, mặt khác hoạt động thực tế tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên trong khóa học. Từ đó, cô Huyền đã đúc kết lại những điều mà mình đã học được trong khóa học về cách suy nghĩ như một người lãnh đạo, tinh thần cầu thị, luôn luôn học hỏi ở mọi lúc, mọi nơi. Kết thúc bài phát biểu của mình, TS. Trần Thanh Huyền đã chia sẻ những trải nghiệm thú vị về con người, ẩm thực và văn hóa của Ấn Độ trong thời gian học tập tại đất nước này. 

 





Cuối cùng, Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế gửi lời cảm ơn chân thành đến Chính phủ Ấn Độ nói chung khi đã xây dựng một khóa học bổ ích, thiết thực, cũng như Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TPHCM nói riêng khi đã có lời mời tham dự đến Khoa Quan hệ Quốc tế.
 

Tin bài + Hình ảnh: Khoa Quan hệ Quốc tế

 

 
TIN LIÊN QUAN