Hội thảo sự kiện

C-Share 4: UEFers giao lưu cùng sinh viên quốc tế để học hỏi thực hành hoạt động cộng đồng

19/11/2021
Trong ngày 18/11 vừa qua, Trung tâm Kết nối cộng đồng UEF (TT.KNCĐ) đã phối hợp cùng Đại học quốc tế Karlshochschule International University - KIU (Đức) tổ chức buổi Hội thảo C-Share số 4: Social transformation through student initiatives nhằm tạo cơ hội để sinh viên hai trường giao lưu học hỏi qua việc chia sẻ những hoạt động cộng đồng, các dự án Service-Learning do các bạn khởi xướng, đã và đang triển khai. 
 

Chương trình giúp UEFers giao lưu, học hỏi thêm nhiều kiến thức mới trong công tác cộng đồng
 
Tham dự buổi hội thảo có ThS. Đinh Nguyễn Thiên Ân - Giám đốc TT.KNCĐ UEF, chị Phan Lan Anh - Đại diện Đại học Karlshochschule (Karls), Chị Stella - Cán bộ Trường Karls và các giảng viên/nhân viên đang tham gia công tác điều phối cùng hơn 100 bạn sinh viên hai trường. 
 
Chị Phan Lan Anh - Đại diện Trường Karls tại Việt Nam chia sẻ cùng các bạn tham gia chương trình
 
Trong buổi thứ 4 của chuỗi hội thảo C-Share, các bạn sinh viên từ 4 dự án (2 dự án từ UEF, 2 dự án từ KIU) đã cùng chia sẻ kinh nghiệm thực hành hoạt động xã hội để cùng học hỏi, cải thiện chất lượng và chia sẻ quá trình phát trình phát triển bản thân.
 



Giảng viên và sinh viên tham gia Hội thảo C-Share 4
 
Dự án Sketchnote for Good được khởi xướng từ 4 bạn sinh viên UEF yêu thích vẽ và các hoạt động cộng đồng. Từ niềm yêu thích ban đầu cùng với sự cố vấn từ TT.KNCĐ các bạn dần phát triển kỹ năng Sketchnote và lập thành dự án để cùng các bạn sinh viên khác tại UEF học cách đóng góp cho xã hội. Cùng với các đối tác cộng đồng là các tổ chức có hoạt động Người cao tuổi và Người mắc chứng bại não, các bạn thành viên dự án sẽ ứng dụng kỹ năng Sketchnote để sáng tạo các sản phẩm truyền thông, hình ảnh hóa các thông điệp ý nghĩa để nâng cao nhận thức cộng đồng về 2 đối tượng đặc biệt này. 
 

Phần trình bày của các bạn thành viên dự án Sketchnote for Good
 
Phần trình bày của nhóm nhận được rất nhiều “Wow” từ sinh viên cả hai trường vì hình thức rất sáng tạo. Đó không phải là những slide trình chiếu thông thường mà là một video clip trình diễn kỹ năng sketchnote và phần trình bày bằng tiếng Anh lưu loát, tự tin của sinh viên UEF.
Hakuna Matata là một hoạt động nổi bật của Trường Karls với nền tảng dựa trên triết lý Ubuntu. Triết lý Ubuntu được biết đến nhiều với thông điệp “I am because we are” (tạm dịch: Tôi được là chính mình nhờ có những người xung quanh”) đề cao tinh thần tương thân tương ái, sự hào phóng và lòng trắc ẩn. Từ đó dự án Hakuna Matata được các bạn sinh viên Karls triển nhằm tạo một không gian đa văn hóa an toàn nơi mọi người được thể hiện và trở thành phiên bản tốt nhận của chính mình. Với Hakuna Matata, các bạn sinh viên quốc tế khi đến học tại trường sẽ được hỗ trợ bởi sinh viên bản địa để cảm thấy luôn được chào đón, tạo nhiều cơ hội tìm hiểu về xã hội bản địa và hòa nhập tốt.
 


Phần giới thiệu hoạt động của dự án Hakuna Matata từ sinh viên trường Karls
 
Cũng trong lúc 2 dự án trên được trình bày thì trong không gian khác cũng sôi động không kém với sự chia sẻ của dự án Digi Me Sóc Trăng và Voices@Karls.
Trong hơn 3 tháng đồng hành, tìm hiểu và thiết kế các nền tảng nhận diện thương hiệu Trung tâm Kết nối dịch vụ Khoa học xã hội Sóc Trăng (gọi tắt là SESC), các bạn sinh viên thực hiện dự án đã học được rất nhiều bài học thực tiễn quý giá về tinh thần làm việc nhóm, am hiểu cộng đồng, cách làm việc hiệu quả với đối tác,...
 



Bài trình bày của UEFers giúp sinh viên quốc tế hiểu hơn về Việt Nam, đặc biệt là tỉnh Sóc Trăng với những đặc trưng về kinh tế xã hội và văn hóa đặc sắc
 
Nếu điểm đặc biệt của dự án Digi Me Sóc Trăng nằm ở việc ứng dụng công nghệ, truyền thông xã hội trong việc góp phần giúp tăng tính nhận diện nhằm lan tỏa thông điệp của tổ chức đến người dân tại Sóc Trăng, thì sáng kiến Voices@Karls lại có các hoạt động đa dạng nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ về các vấn đề như: LGBT, phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng giới,....
 

 
Voices@Karls là một sáng kiến của giáo sư Ella Roininen từ năm 2019 với mục tiêu thay đổi nhận thức của sinh viên thông qua các sự kiện giáo dục và thúc đẩy thay đổi xã hội.
 

Các sáng kiến cũng đã giúp sinh viên trường Karls học hỏi và phát triển bản thân rất nhiều
 

Với 4 hoạt động diễn ra trong hơn 3 tháng vừa qua, chuỗi hội thảo C-Share không chỉ mang lại mang lại nhiều kiến thức xã hội cho sinh viên cả hai trường mà còn là dịp để các hoạt động cộng đồng của sinh viên UEF được lan tỏa đến bạn bè quốc tế. Trong những lần trình bày, các bạn sinh viên UEF đã thể hiện được thế mạnh tiếng Anh cũng như học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm thực hành tạo tác động xã hội. Điều này đặt nền tảng quan trọng cho các khởi xướng và các hoạt động Service-Learning quốc tế trong bối cảnh mới.

 

C-Share là chuỗi workshop phối hợp giữa Trung tâm Kết nối cộng đồng UEF và Đại học Karlshochschule (Đức). Mục tiêu của C-Share là tạo cơ hội giao lưu và chia sẻ cho sinh viên các trường và các anh chị chuyên gia khi triển khai các hoạt động phục vụ cộng đồng. Từ đó, sinh viên 2 trường nâng cao nhận thức về Doanh nghiệp tạo tác động xã hội và Phát triển cộng đồng bền vững, phù hợp với 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc (17 SDGs).

Tin và ảnh: Trung tâm Kết nối cộng đồng
TIN LIÊN QUAN