Đào tạo sau đại học

Đại diện Bộ GD-ĐT giải đáp những quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ Thạc sĩ theo Thông tư 23

10/01/2022
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT về quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ Thạc sĩ với nhiều điểm mới đáng chú ý.
Với mục đích giúp các trường thành viên trong Khối thi đua 22 cập nhật và trao đổi những điểm mới trong quy chế, sáng nay – 8/1, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) đã tổ chức chương trình workshop: “Thông tư 23 - Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ Thạc sĩ: Hỏi - Đáp”. 
 
Chương trình diễn ra trực tuyến trên Google Meet
 
Diễn giả trong chương trình là ông Vũ Ngọc Hà - Chuyên viên chính, Vụ giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. 
Bên cạnh đó là sự tham dự của đại diện đến từ 8 đơn vị trong Khối thi đua 22 gồm: UEF, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Văn Hiến, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, Trường Đại học Hùng Vương, Trường Đại học Gia Định.
 
Quý thầy cô tham dự chương trình
 
Theo chia sẻ của ông Vũ Ngọc Hà, những điểm mới đáng chú ý trong quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ theo Thông tư 23 gồm: Quy định về năng lực ngoại ngữ đầu vào; Bổ sung phương thức và số lần tuyển sinh; Công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ; Địa điểm, thời gian, khối lượng học tập, hình thức đào tạo; Thêm phương thức đào tạo trực tuyến; Nâng chuẩn đầu ra ngoại ngữ,…
Theo đó, điểm mới nổi bật của quy chế là công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ nhằm liên thông giữa các trình độ giáo dục đại học. Người học được xem xét công nhận và chuyển đổi tín chỉ của một số học phần khi đã học một chương trình đào tạo thạc sĩ khác hoặc đã tốt nghiệp một chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù. Số tín chỉ được công nhận và chuyển đổi không vượt quá 30 tín chỉ.
Sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) có học lực xếp loại khá trở lên có thể được đăng ký học trước một số học phần của chương trình đào tạo thạc sĩ tại cùng cơ sở đào tạo. Số tín chỉ được công nhận không vượt quá 15 tín chỉ.
Riêng về vấn đề chuẩn ngoại ngữ, yêu cầu đầu vào là người học cần có ngoại ngữ từ bậc 3 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; Chuẩn đầu ra phải đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4, thể hiện bằng các minh chứng như văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ. Riêng cử nhân tốt nghiệp ngành ngôn ngữ (chẳng hạn Ngôn ngữ Anh,...) được miễn ngoại ngữ đầu vào và đầu ra.
Về hình thức tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường đại học được thi tuyển theo hình thức trực tuyến. Hình thức này giúp tuyển sinh không bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh và các vấn đề bất khả kháng khác.
Thông qua những chia sẻ và giải đáp cặn kẽ, chi tiết đến từ ông Vũ Ngọc Hà, các trường thành viên trong Khối thi đua 22 đã hiểu hơn về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ Thạc sĩ theo thông tư 23, từ đó các trường sẽ có kế hoạch tuyển sinh và đào tạo đúng đắn, vừa phù hợp với thực tế mỗi trường vừa đảm bảo quyền lợi cho người học.
 
TT. TT-TT
TIN LIÊN QUAN