Hội thào khoa học

Hội thảo khoa học quốc gia CFAC 2021 khai mạc với 2 phiên Kế toán và Kinh doanh thương mại

01/07/2021
Sáng nay (1/7), Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) phối hợp với Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học quốc gia về Tài chính, Kế toán và Kinh doanh thương mại (CFAC 2021) theo hình thức trực tuyến với chủ đề “Đổi mới công nghệ, Thị trường và Chính sách”. Trong ngày đầu tiên, hội thảo đã diễn ra 2 phiên tham luận về Kế toán và Kinh doanh thương mại. 
Hội thảo có sự tham dự của ông Trần Hải Đăng - Phó Trưởng phòng Hợp tác và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, Cục Công tác phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ, PGS.TS. Ngô Cao Cường - Phó Hiệu trưởng thường trực UEF, TS. Nhan Cẩm Trí - Phó Hiệu trưởng UEF, TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc - Phó Hiệu trưởng UEF, ThS. Nguyễn Tiến Hùng - Trưởng khoa Tài chính - Thương mại UEF, ThS. Nguyễn Phạm Hải Hà - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo sau đại học và Khoa học công nghệ UEF. 

Hội đồng làm việc tại phiên Kế toán
 
Về phía chủ tọa các phiên hội thảo, PGS.TS. Trần Văn Tùng - Trưởng khoa Thương mại - Tài chính HUTECH làm chủ tọa phiên Kế toán, TS. Trương Quang Dũng - Viện trưởng Viện Đào tạo sau đại học và Khoa học công nghệ UEF làm chủ tọa phiên Kinh doanh thương mại. 
Về các đối tác tham dự gồm có: bà Nguyễn Thụy Minh Châu - Giám đốc Khu vực Mekong ACCA Global, bà Lê Thị Hậu - Giám đốc phát triển hội viên khu vực Đông Nam Á ACCA Việt Nam, bà Khuất Thị Liên Hương - Trưởng ban cao cấp đối ngoại, Khối Giáo dục đào tạo ACCA Việt Nam, TS. Đoàn Thị Quỳnh Anh - Trưởng khoa Kế toán Trường Đại học Lao động xã hội. 
 

Thành phần tham dự hội thảo phiên Kinh doanh thương mại
Nhiều vấn đề về kế toán, kiểm toán được đặt ra trong hội thảo 
Ở phiên hội thảo về Kế toán có 4 tham luận được trình bày bao gồm: (1) Ảnh hưởng của ứng dụng công nghệ trong kiểm toán; (2) Ứng dụng đặc tính hợp đồng thông minh (Smart Contracts) trong hoạt động kiểm toán nội bộ trên nền tảng Blockchain; (3) Bàn về vai trò của kiểm toán nội bộ trong mô hình 3 tuyến tại các doanh nghiệp niêm yết; (4) Nguồn nhân lực kế toán trong giai đoạn đổi mới công nghệ tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp. 
Tham luận 1 do bà Lê Thị Hậu trình bày đã chỉ ra những ứng dụng công nghệ phổ biến trong kiểm toán gồm: Blockchain, Drone Technology, Natural language processing, Data analytics, AI and Machine learning và phân tích về sự ảnh hưởng của những ứng dụng này. 



Những vấn đề về kiểm toán được thảo luận trong phiên hội thảo về Kế toán
Trong tham luận 2, với đề tài xoay quanh ứng dụng Blockchain, ThS. Lê Hữu Nghĩa đã trình bày các nội dung về thủ tục kiểm toán theo phương thức hợp đồng thông minh để giải quyết rủi ro có sai sót trọng yếu trong mua bán hàng; Ứng dụng hợp đồng thông minh mua bán hàng giữa người mua và người bán trong sản xuất, thương mại hàng hóa. Bên cạnh đó, ông Nghĩa còn phân tích cơ hội và thách thức của ứng dụng đặc tính hợp đồng thông minh (Smart Contracts) trong hoạt động kiểm toán nội bộ trên nền tảng Blockchain. 
ThS. Lê Phương Dung là báo cáo viên trình bày tham luận 3. Phần chia sẻ của cô đã phân tích chi tiết về mô hình 3 tuyến và mô hình 3 tuyến phòng thủ khi nhắc đến vai trò của kiểm toán nội bộ. Từ đó đi đến kết luận về những tính cách, kỹ năng cần có đối với bản thân kiểm toán nội bộ và đề ra giải pháp phù hợp. 
Ở phần tham luận cuối do ThS. Nguyễn Thị Thuý Ngà chia sẻ. Nội dung phần trình bày bao gồm: Cơ hội và thách thức đối với kế toán viên trong giai đoạn đổi mới công nghệ; Thực trạng nguồn nhân lực kế toán Việt Nam trong giai đoạn đổi mới công nghệ hiện nay; Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán trong giai đoạn đổi mới công nghệ. 
Sau mỗi phần trình bày, hội đồng tham gia đều đưa ra những biện luận khoa học để góp phần giúp bài tham luận được hoàn thiện hơn. 
Phiên Kinh doanh thương mại nêu bật nhiều vấn đề trong thời đại số 
Trong phiên hội thảo về Kinh doanh thương mại có 3 tham luận được trình bày gồm: (1) Tái cấu trúc doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam liên quan đến chuyển đổi số giai đoạn hậu Covid-19, (2) Kinh tế chia sẻ Việt Nam - Cơ hội và thách thức, (3) Nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực số đáp ứng cho các doanh nghiệp số tại Việt Nam. 


Ở phiên về Kinh doanh thương mại, nhiều vấn đề nền kinh tế số và chuyển đổi số được trao đổi
Phần tham luận 1 do ông Phan Ngọc Anh trình bày đã phân tích các điểm về thực trạng của sự thay đổi kinh tế số, những ảnh hưởng của Covid-19. Trong đó, ông chỉ ra sự khác biệt giữa chuyển đổi số và số hóa, lợi ích của công nghệ chuyển đổi số, các mảng đã thực hiện chuyển đổi số, phần mềm giúp hiểu được khách hàng và các bước giúp doanh nghiệp chuyển đổi số thành công. 
Ở phần tham luận 2 được bà Võ Ngọc Huỳnh Như - Thành viên Công ty cổ phần Study Case đại diện nhóm thực hiện trình bày. Những vấn đề được nêu ra gồm: tổng quan về mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam, cơ hội và thách thức của mô hình này và các nhóm đề xuất phát triển kinh tế chia sẻ ở Việt Nam. 
Trong tham luận cuối cùng của phiên Kinh doanh thương mại, bà Lưu Thị Thanh Mai - Đại học Quốc tế Sài Gòn đề ra hàng loạt giải pháp sau khi nghiên cứu đề tài gồm: Giải cho nguồn nhân lực số; Giải pháp về đào tạo Steam; Giải pháp về nhân sự thích ứng nhanh “Agility"; Giải pháp về hệ sinh thái số. 
Kết thúc 3 phần tham luận, hội đồng cũng tiến hành biện luận khoa học, nhận xét góp ý để các đề tài được đầy đủ hơn. 
Hai phiên hội thảo về Kế toán và Kinh doanh thương mại đã kết thúc tốt đẹp với nhiều vấn đề được làm rõ. Ngày thứ 2 của hội thảo sẽ diễn ra hai phiên về Tài chính và Du lịch vào lúc 8g00 ngày 2/7, Phiên toàn thể diễn ra vào 10g30 cùng ngày. 
 
Tin: Nguyên Lê - Kim Quy 
Ảnh: Nguyên Võ - Thế Thăng
TIN LIÊN QUAN
Công bố Khoa học
Clarivate
Scopus
13
Năm xây dựng và phát triển
980+
Bài đăng trên tạp chí
380+
Lượt trích dẫn