Hội thào khoa học

Nâng cao khả năng tự học của sinh viên nhóm ngành ngôn ngữ qua Hội thảo khoa học liên Khoa - Viện

24/07/2021
Với mục tiêu nghiên cứu, cung cấp những giải pháp giúp sinh viên nhóm ngành ngôn ngữ tự học hiệu quả hơn, chiều 22/7, khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế UEF đã tổ chức Hội thảo liên Khoa - Viện với chủ đề "Những giải pháp giúp nâng cao khả năng tự học của sinh viên nhóm ngành ngôn ngữ Nhật, Hàn, Trung"
Buổi hội thảo được tổ chức trực tuyến với sự tham dự của PGS. TS. Ngô Cao Cường - Phó Hiệu trưởng thường trực Nhà trường, ThS. Nguyễn Phạm Hải Hà - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo sau đại học và Khoa học công nghệ, TS. Võ Văn Thành Thân - Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế, ThS. Phạm Huỳnh Anh Việt - Giám đốc Trung tâm Nhật ngữ, Viện Công nghệ Việt - Nhật Hutech, TS. Nguyễn Thị Lan - Trưởng ngành Ngôn ngữ Trung cùng các giảng viên của khoa và thầy cô tham gia báo cáo đề tài. 
 
Hội thảo được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của nhiều giảng viên các ngành ngôn ngữ 
 
Hội thảo khoa học liên Khoa - Viện có 19 đề tài được thực hiện và nộp báo cáo, trong đó 4 đề tài được chọn trình bày tại hội thảo gồm: (1) “Nâng cao năng lực tự học cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật UEF”, (2) “Khảo sát lỗi sai của sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung UEF khi sử dụng động từ”, (3) “Giải pháp giúp sinh viên hứng thú tiếp cận biên phiên dịch Nhật Việt từ những kiến thức thường thức (trợ số từ căn bản)”, (4) “Thực hành ngôn ngữ từ phương pháp nghe - nhìn dành cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật". 
Đề tài 1 do ThS. Lý Như Quỳnh trình bày đã nêu rõ sự ảnh hưởng của việc tự học đến sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật, từ đó cô đưa ra những giải pháp để cải thiện vấn đề tự học. Trong đó, có các giải pháp từ những đối tượng cụ thể gồm: giảng viên; sinh viên; Nhà trường, Đoàn hội, CLB. 
 
 


Giải pháp giúp nâng cao năng lực tự học của sinh viên nhóm ngành ngôn ngữ
 
ThS. Trương Ngọc Quỳnh thực hiện đề tài 2 đã phân tích những lỗi sai thường gặp của sinh viên khi sử dụng những động từ đồng nghĩa, dễ nhầm lẫn trong tiếng Trung. Từ thực trạng này, cô đề ra giải pháp cụ thể đối với giảng viên và sinh viên. Theo đó, với giảng viên là cần xây dựng môi trường học tập sử dụng ngoại ngữ, lưu ý khi so sánh ngôn ngữ với tiếng mẹ đẻ. Còn đối với sinh viên, cần nhận thức được sự tồn tại của vấn đề, có ý thức bồi đắp tư duy ngoại ngữ. 
Đề tài 3 do cô Lê Nguyễn Minh Thanh đến từ Đại học Hutech - Viện Công nghệ Việt Nhật trình bày cũng đã nêu bật giải pháp giúp sinh viên học biên phiên dịch Nhật Việt, từ đó chỉ ra vai trò của việc tự học rất quan trọng khi muốn tiếp cận các kiến thức khó và mới hơn. 
 
 
Những đề xuất về phương pháp nghe - nhìn khi học ngôn ngữ 
 
Trong đề tài 4, cô Nguyễn Thị Hà - Giáo viên Trường THPT Marie Curie đã đề cập đến phương pháp nghe - nhìn khi học tiếng Nhật của sinh viên. Cô phân tích quy trình, hạn chế, ưu điểm của phương pháp này. Sau đó đưa ra những đề xuất về thực hành ngôn ngữ Nhật bằng phương pháp nghe - nhìn trong dạy và học. 
Có thể nói, đối với sinh viên nhòm ngành ngôn ngữ, việc tự học là yếu tố quan trọng. Ngôn ngữ là kiến thức đặc thù, cần phân tích và ghi nhớ, nếu sinh viên không chủ động tự học thêm sẽ khó có thể nắm bắt và thông thạo ngôn ngữ mình đang học. 
Buổi hội thảo khoa học liên Khoa - Viện đã nghiên cứu được nhiều giải pháp khả thi, đây là tiền đề để các thầy cô áp dụng trong việc giảng dạy, thúc đẩy sinh viên hình thành ý thức tự học và đat được thành tích tốt từ chính quá trình tự học này. 
 
Nguyên Lê 
TIN LIÊN QUAN
Công bố Khoa học
Clarivate
Scopus
13
Năm xây dựng và phát triển
980+
Bài đăng trên tạp chí
380+
Lượt trích dẫn