Sinh viên 360

Những bài học giá trị từ chuyến học tập thực tế tại Bến Tre của sinh viên Nhà UEF

26/06/2023
Nhằm đẩy mạnh hoạt động học tập thực tế, tăng cường gắn kết với các doanh nghiệp, đơn vị đối tác, Khoa Quản trị du lịch - Khách sạn UEF liên tục mở ra các sân chơi, cuộc thi để sinh viên tham gia trải nghiệm, tích lũy thêm kiến thức thực tiễn. Mới đây, Khoa đã phối hợp cùng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Chợ Lách, Bến Tre tổ chức thành công chương trình “Cái Mơn điểm hẹn: Sắc hương Chợ Lách - Tinh túy Bến Tre” vào ngày 24 và 25/6. 
Được biết, đây là hoạt động phục vụ cộng đồng - Service learning lồng ghép vào trong chính các môn học trong chương trình đào tạo của Khoa Quản trị du lịch - Khách sạn. 
Sự kiện diễn ra tại Rooster Mekong Resort - địa điểm du lịch khá nổi tiếng tại địa phương. Thông qua hành trình lần này, các thầy cô và sinh viên Nhà UEF đã giúp quê hương Chợ Lách quảng bá hình ảnh du lịch đến khách du lịch trong và ngoài nước.
 

Đoàn sinh viên Khoa Quản trị du lịch - Khách sạn khởi hành đến xứ dừa - Bến Tre
 
Khởi động chương trình Cái Mơn điểm hẹn
“Cái Mơn điểm hẹn: Sắc hương Chợ Lách - Tinh túy Bến Tre” là hoạt động chính trong chuyến đi lần này. Các nội dung triển khai trong chương trình gồm có quảng bá nét đẹp văn hóa đặc sắc tại xứ sở Cái Mơn, thưởng thức các món ăn sáng tạo từ đặc sản nơi đây, tọa đàm giữa địa phương và các chuyên gia về định hướng phát triển du lịch Chợ Lách và giao lưu văn nghệ giữa sinh viên và người dân vùng đất này. 
 





Công tác chuẩn bị trước sự kiện của các thầy cô và sinh viên Nhà UEF
 
Để chuẩn bị cho các hoạt động, UEFers đã đến khu du lịch từ rất sớm. Không chút nghỉ ngơi, các bạn lập tức bắt tay vào công việc. Theo sự phân công trước đó, mỗi nhóm sinh viên đến từ lớp Quản trị marketing du lịch, lớp Thực phẩm và Chế biến thực phẩm, lớp Quản trị Hội nghị và Sự kiện, lớp Tâm lý và Kỹ năng giao tiếp trong du lịch đều đảm nhận các vai trò riêng. 
 

Sự kiện đón chào các vị đại biểu, khách mời và thầy cô tham dự trải nghiệm
 
Đến tham dự chương trình, về phía địa phương có ông Trương Văn Phúc - Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Chợ Lách, ông Nguyễn Thanh Nhã - Phó Bí thư Đảng Ủy UBND xã Long Thới.
Các đơn vị đồng hành cũng có mặt tham dự gồm: bà Nguyễn Thị Thúy Phượng - Viện trưởng Viện Ứng dụng Khoa học công nghệ và đào tạo Mekong; ông Lê Quang Lộc - Giám đốc Rooster Mekong Resort; ông Nguyễn Thanh Vũ - Đại diện Farmstay Nguyễn Gia.
Các chuyên gia tham dự phần tọa đàm gồm có: ông Đỗ Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Vietmark; bà Lương Thị Mộng Vân - Giám đốc chi nhánh TP.HCM, Công ty Asianway Travel; ông Nguyễn Văn Tâm - Phòng Kinh doanh khách lẻ khối du lịch nội địa, Công ty Lữ hành Saigontourist; bà Nguyễn Hoa Thủy Tiên - Phòng Kinh doanh khách đoàn, Công ty Truyền thông du lịch Việt. 
 



Đại diện UEF, thầy cô Khoa Quản trị du lịch - Khách sạn gửi những phần quà nhỏ và lời cảm ơn đến các đại biểu, khách mời
 
Đại diện UEF có sự tham dự và đồng hành của TS. Đặng Anh Lực - Phó Trưởng Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông, ThS. Trần Thị Mỹ Phượng - Phó Giám đốc Trung tâm Kết nối cộng đồng, ThS. Nguyễn Thị Kim Thoại và ThS. Nguyễn Viết Thủy - Phó Trưởng Khoa Quản trị du lịch - Khách sạn, cùng các thầy cô, giảng viên Khoa và đông đảo sinh viên “Nhà FTHM”.
 
Nhiều trải nghiệm thú vị từ chương trình thực tế tại xứ dừa
Chương trình đã mang đến cho khách du lịch địa phương và quốc tế nhiều trải nghiệm thú vị thông qua các tiết mục văn nghệ được UEFers chuẩn bị cùng những món ăn được chế biến công phu từ quả sầu riêng. Đại diện ban tổ chức, ThS. Nguyễn Viết Thủy và thầy Mai Lý Hiển đã trao tặng 3 công thức chế biến món ăn từ loại quả này đến Rooster Mekong Resort.
 

Thưởng thức các món ăn từ sầu riêng do thầy trò lớp Thực phẩm và Chế biến thực phẩm thực hiện
 
Ở phần tọa đàm, các chuyên gia đầu ngành có những chia sẻ rất quý báu đến quý doanh nghiệp du lịch tại địa phương nhằm giúp nơi đây ngày càng phát triển hơn nữa. Bà Lương Thị Mộng Vân hi vọng Chợ Lách sẽ tiếp cận và hợp tác với nhiều công ty du lịch trên khắp cả nước để thiết kế thêm đa dạng các tour đến đây thu hút thêm nhiều khách du lịch. Song song đó, tại các điểm du lịch nên tích hợp hoạt động dạy nấu các món ăn đặc sản của địa phương cho du khách. Điểm này đánh vào tâm lý của lượng lớn khách quốc tế. 
 




Các chuyên gia giàu kinh nghiệm chia sẻ và gợi ý hướng phát triển du lịch sắp tới cho quê hương Chợ Lách
 
Ông Nguyễn Văn Tâm cũng đưa ra 2 góc nhìn để kích cầu du lịch: “Nơi đây được mệnh danh là “vương quốc hoa kiểng”, nhưng khi nhắc đến điều này, đa số mọi người sẽ nghĩ đến làng hoa Sa Đéc. Chính vì thế việc đẩy mạnh thương hiệu là hết sức quan trọng. Ngoài ra, nơi đây còn được gọi là “thánh địa gà nòi”, theo đó địa phương có thể đẩy mạnh hoạt động chọi gà nghệ thuật và ẩm thực từ gà nòi. Tin rằng, với 2 điểm này, du lịch địa phương sẽ ngày một tiếp cận với nhiều khách du lịch hơn nữa”.  
Tham gia vào buổi tọa đàm, ông Đỗ Tuấn Anh cũng chia sẻ quan điểm: "Tôi đã thử qua sầu riêng Cái Mơn, tôi rất thích loại trái cây này. Tôi còn được biết quả này được gọi là vua của các loại quả. Vốn nổi tiếng tại mảnh đất Cái Mơn và cũng trở thành một trong những đặc sản khó bỏ qua của khách du lịch, tôi đề xuất du lịch địa phương đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cho loại trái cây đặc biệt này". Bên cạnh đó, với kinh nghiệm trong nghề ông còn gửi đến các bạn sinh viên đang theo đuổi nghề du lịch, nhà hàng những bài học giá trị, tiếp thêm động lực cho các bạn trong chặng đường tương lai.
Chương trình thêm phần đặc sắc khi có sự giao lưu văn nghệ giữa các bạn sinh viên và cô, chú trong đoàn Đờn ca tài tử huyện Chợ Lách. Những câu hò, điệu lý đặc trưng, từng nhịp từng phách trong các câu vọng cổ được biểu diễn ngay trên sân khấu. 
 



Sôi động với hoạt động giao lưu nghệ thuật giữa sinh viên và các cô chú trong đoàn Đờn ca tài tử Chợ Lách
 
Sự giao thoa giữa tinh thần người trẻ qua các ca khúc miền Tây sôi động và âm điệu ngân vang đầy truyền cảm của các nghệ sĩ qua những trích đoạn cải lương. Điều này đã làm cho không khí chương trình thêm sôi động và hấp dẫn.
 


Các du khách quốc tế cảm thấy chuyến đi này rất thú vị và mang đến nhiều trải nghiệm
 
Tham quan nét văn hóa du lịch đặc trưng của địa phương
Kết thúc một ngày dài và chương trình “Cái Mơn điểm hẹn” cũng đã khép lại thành công tốt đẹp. Sáng 25/6, đoàn sinh viên tiếp tục khởi hành chuyến tham quan tại các vựa cây cảnh, hoa kiểng ở khắp các xã tại huyện Chợ Lách. Sinh viên được ghé thăm vườn kiểng Vĩnh Phúc, vườn hoa giấy Màu Hồng,...
Tại đây, cả sinh viên và khách du lịch tham gia chương trình đều có thể tham quan, mua sắm và được lắng nghe những câu chuyện thú vị từ những nghệ nhân làm cây cảnh. Không chỉ đơn thuần là uốn nắn, cắt tỉa từng lá, từng cành để kinh doanh, mà đó còn là nghệ thuật, niềm say mê với cây cảnh, tâm huyết trong từng tạo hình của cô chú nơi đây. 
 






Tham quan, tìm hiểu về cây cảnh ở các vựa cây giống và trải nghiệm các hoạt động tại Farmstay Nguyễn Gia
  
UEFers hào hứng trước những vườn cây ăn trái lẫn hoa cảnh dọc theo hai bên đường. Rất nhiều loại cây các bạn chưa biết hoặc chỉ từng nghe nói đến, nay mới được dịp thấy được. Sự nhiệt tình của các cô, chú làm vườn mỗi khi các bạn sinh viên ghé qua đã cho thấy được lòng hiếu khách của người dân xứ sở Bến Tre.
Đến Farmstay Nguyễn Gia, đoàn sinh viên và khách du lịch cùng dùng bữa trưa với những món ăn đặc trưng tại vùng quê này. Đón tiếp đoàn chuyên gia, sinh viên UEF và cùng tham dự tiệc chia tay vào trưa 25/6 tại đây có sự góp mặt của ông Nguyễn Minh Đức - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách.
Ngoài ra, các bạn còn được trải nghiệm hái trái cây và thưởng thức tại vườn. Một chuyến đi đủ dài để sinh viên ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng thấu hiểu được nét văn hóa trong du lịch của một địa phương tại miền Tây sông nước. 
Những bài học giá trị được đúc kết
Hành trình 2 ngày 1 đêm tại Chợ Lách, Bến Tre đã khép lại. Sau chuyến đi này, các bạn sinh viên đã tích lũy được rất nhiều bài học giá trị. Bên cạnh đó là những kỷ niệm khó quên cùng bạn bè, thầy cô và người dân nơi đây. 
 



Chuyến đi để lại nhiều cảm xúc và những bài học giá trị cho sinh viên 
 
Bạn Trần Thị Huỳnh Anh, sinh viên lớp Tâm lý và Kỹ năng giao tiếp với khách du lịch bày tỏ: “Cho đến tận bây giờ mình vẫn cảm thấy có chút bồi hồi và cũng rất hạnh phúc. Mình đã rất hồi hộp khi chạy sự kiện lần này, sự phối hợp giữa các bạn có thể là cùng Khoa, cùng ngành nhưng không cùng lớp đã làm mình khá lo lắng về sự kết nối và tương tác. Nhưng sau đó, chúng mình đã làm mọi thứ rất tốt. Và mình hạnh phúc vì chương trình đã thành công hơn sự mong đợi ban đầu”. 
Tiếp lời Huỳnh Anh, bạn Mai Thảo Trang, sinh viên năm 3 lớp Thực phẩm và Chế biến thực phẩm cũng tâm sự: “Chuyến đi xa lần này mang đến cho mình rất nhiều cảm xúc và kỷ niệm. Sau chuyến kiến tập, có lẽ đây là hành trình cuối trong quãng đời sinh viên của chúng mình. Quá nhiều kỷ niệm đẹp được ghi lại tại mảnh đất này đã làm mình rất xúc động”.
Tinh thần teamwork, sự liên kết giữa các bộ phận tạo ra sự trôi chảy cho một sự kiện, kỹ năng giao tiếp để đạt được hiệu quả công việc, cách xử lý tình huống khi gặp điều kiện khó khăn, đó là những bài học mình cảm thấy rất đắt giá bản thân đã thu được trong chuyến đi lần này”, bạn Thảo Trang chia sẻ. Với bạn Huỳnh Anh, việc lập kế hoạch dự phòng cho một sự kiện là điều hết sức cần thiết. Và hoạt động lần này đã giúp cho bạn bài học giá trị trên.
 

Khép lại chuyến hành trình tại Bến Tre với nhiều khoảnh khắc đáng nhớ 
 
Để sinh viên có cơ hội học tập, trải nghiệm thực tế như thế này không thể thiếu đi sự kết nối và giúp đỡ của các thầy cô. Huỳnh Anh và Thảo Trang cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến thầy cô, bạn bè và các anh chị, cô chú tại địa phương đã hỗ trợ, giúp đỡ và tiếp đón đoàn rất nồng nhiệt. 
Một chuyến đi ý nghĩa đã kết thúc để lại cho sinh viên nhiều kỷ niệm cùng những bài học quý giá. 
Tấn Phát
Ảnh: Thành Thắng
TIN LIÊN QUAN