Menu
  
Ngành

​Phân biệt ngành Công nghệ truyền thông và Truyền thông đa phương tiện

05/11/2021
Trong thời đại 4.0 với làn sóng thông tin, công nghệ, nhóm ngành truyền thông trở thành xu hướng và mở ra rất nhiều cơ hội nghề nghiệp. Song, vì tính đa dạng, nhiều bạn trẻ vẫn còn nhầm lẫn giữa ngành Công nghệ truyền thông và Truyền thông đa phương tiện. Để phân biệt ngành Công nghệ truyền thông và Truyền thông đa phương tiện, các bạn hãy tìm hiểu thông tin trong bài viết dưới đây. 
 

Ngành Công nghệ truyền thông và Truyền thông đa phương tiện được hiểu như thế nào? 

 
Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu khái niệm của 2 ngành học này nhé. 
Công nghệ truyền thông là ngành học nghiên cứu về quá trình sản xuất truyền thông thông qua các công nghệ hiện đại (sản xuất phim điện ảnh, chương trình phát thanh, truyền hình, phim quảng cáo, multimedia và các thể loại sản phẩm truyền thông hiện đại khác), quá trình kinh doanh truyền thông nghe nhìn (kinh doanh và marketing phim ảnh, chương trình, bản quyền nội dung nghe nhìn, thời lượng quảng cáo,…).
 
 
Thí sinh cần phân biệt ngành Công nghệ truyền thông và Truyền thông đa phương tiện
 
Ngành Truyền thông đa phương tiện nghiên cứu, đào tạo việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sáng tạo, thiết kế những sản phẩm mỹ thuật mang tính ứng dụng trong các lĩnh vực truyền thông (quảng cáo, truyền hình, bản tin,…), giải trí (game, điện ảnh, hoạt hình…), y học (mô phỏng, tư vấn khám chữa bệnh từ xa…), giáo dục (hướng nghiệp, minh họa trực quan…) và nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống.
 

Chương trình học của ngành Công nghệ truyền thông và Truyền thông đa phương tiện ra sao? 

 
Với tính đặc thù của mỗi ngành, sinh viên theo học ngành Công nghệ truyền thông và Truyền thông đa phương tiện tại UEF sẽ được đào tạo theo các lộ trình và định hướng khác nhau. 
Đối với ngành Công nghệ truyền thông, sinh viên được trang bị khối kiến thức chuyên môn về lĩnh vực truyền thông như quy trình sản xuất các thể loại sản phẩm truyền thông (phát thanh, truyền hình, điện ảnh, Multimedia…) và kỹ năng quản trị sản xuất. Người học được phát triển năng lực quản trị kinh doanh sản phẩm truyền thông bằng việc nghiên cứu thị hiếu khán thính giả, lập kế hoạch truyền thông, marketing và triển khai hiệu quả kế hoạch kinh doanh sản phẩm truyền thông. Bên cạnh đó sinh viên còn được trang bị kỹ năng giao tiếp, trình bày đa phương tiện, tiếng Anh, quản lý dự án, kỹ năng lãnh đạo, quản trị các nguồn lực (con người, tài chính, thời gian,…), kỹ năng làm việc trong tổ chức,…
 
 
Ngành Công nghệ truyền thông và Truyền thông đa phương tiện đều là những ngành xu hướng trong thời đại 4.0 
 
Nếu lựa chọn ngành Truyền thông đa phương tiện, sinh viên được trang bị những kiến thức cơ bản về công nghệ đa phương tiện, kỹ thuật chuyên môn và cảm quan sáng tạo tác phẩm ấn tượng, khả năng lập kế hoạch, lên khung ý tưởng cho các chiến dịch truyền thông và quảng cáo, thiết kế ra những sản phẩm mang tính ứng dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh đó là những kiến thức nền tảng về mảng mỹ thuật và công nghệ thông tin, những kỹ năng thuần thục về báo chí, truyền thông để có thể tự viết các ấn phẩm báo chí. 
Sinh viên học ngành Truyền thông đa phương tiện được đào tạo sử dụng phần mềm thiết kế đồ họa 2D, 3D và xây dựng phần mềm máy tính để có thể tạo ra sản phẩm đồ họa; Được đào tạo thêm về kỹ xảo điện ảnh, dựng video, phim hoạt hình, trò chơi, website,... đáp ứng được yêu cầu của nền công nghiệp sáng tạo, giải trí hiện đại.
 

Sự khác nhau về vị trí công việc của cử nhân ngành Công nghệ truyền thông và Truyền thông đa phương tiện

 
Bên cạnh yếu tố về chương trình đào tạo và kiến thức chuyên ngành, các bạn cũng có thể phân biệt ngành Công nghệ truyền thông và Truyền thông đa phương tiện dựa vào vị trí nghề nghiệp.
Cử nhân ngành Công nghệ truyền thông có cơ hội phát triển bản thân qua các vị trí công việc như:
- Trở thành một chuyên viên nghiên cứu, phát triển các chương trình hoặc ứng dụng truyền thông (chương trình truyền hình, quảng cáo, game, web,..), chuyên viên điều phối sản xuất, quản lý sản xuất, kinh doanh bản quyền chương trình, kinh doanh thời lượng phát sóng,...
- Biên tập viên, phóng viên tại các tòa soạn báo in, báo điện tử; đài phát thanh, đài truyền hình; nhà xuất bản,…
- Chuyên gia marketing, quan hệ khách hàng tại các doanh nghiệp.
- Chuyên gia tổ chức, triển khai các hoạt động truyền thông, quảng cáo, tổ chức sự kiện, quan hệ công chúng.
- Cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở đào tạo về lĩnh vực ngành Công nghệ truyền thông.
Cử nhân ngành Truyền thông đa phương tiện có thể đảm nhận những vị trí công việc sau: 
- Quản lý, biên soạn, xây dựng các nội dung báo chí, ấn phẩm, thông cáo, bìa sách, truyện tranh, banner quảng cáo, biển quảng cáo,...
- Biên tập viên chuyên xây dựng các chương trình truyền hình, phim điện ảnh, phim ngắn, phóng sự, xử lý khâu âm thanh, hình ảnh trước khi phát sóng, thiết kế các nội dung, kỹ xảo điện ảnh.
- Chuyên gia thiết kế: Làm công việc về thiết kế bao bì, nhãn hiệu sản phẩm, thiết kế logo, thiết kế biển quảng cáo, biển hiệu, phông nền làm phim quảng cáo… hoặc một hệ thống nhận dạng thương hiệu cho công ty, doanh nghiệp.
- Thiết kế website: Thiết kế về giao diện, thiết kế chức năng website, hình ảnh và xây dựng nội dung website tại các công ty quảng cáo, marketing, giải trí, giáo dục.
- Thiết kế đồ họa 3D: Ứng dụng trong trò chơi giải trí, phác đồ về y học, sơ đồ công nghiệp, du lịch,... tại các công ty về thiết kế đồ họa 3D.
- Giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trường trung cấp, trường nghề, cơ sở đào tạo có liên quan đến ngành Truyền thông đa phương tiện.
- Làm Giám đốc sản xuất, sáng tạo, đạo diễn, phóng viên, chuyên viên truyền thông, quảng cáo, chuyên viên chăm sóc khách hàng, quản trị web,...
Sau khi nhận biết được cách phân biệt ngày Công nghệ truyền thông và Truyền thông đa phương tiện, các bạn đã có đủ cơ sở để chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng phù hợp trước khi theo đuổi ngành học. 
 
Nguyên Lê 
TIN LIÊN QUAN