Menu
  
Tin tức sự kiện

Giảng viên UEF tham gia tập huấn về mô hình gắn kết sinh viên trong lớp học

01/08/2022
Với mục tiêu cải tiến, nâng cao chất lượng giảng dạy, các thầy, cô giảng viên UEF đã cùng nhau tham gia 2 buổi tập huấn học thuật Module 2, chủ đề "New Models Of Classroom Engagement And Learning Effectiveness" vào cuối tuần vừa qua. Tại đây, nhiều vấn đề trong việc gắn kết sinh viên đã được chia sẻ.
 


Hai buổi tập huấn diễn ra vào cuối tuần vừa qua
 
Tham dự chương trình có TS. Lý Thiên Trang - Phó Hiệu trưởng Nhà trường và ThS. Mạch Trần Huy - Phó Chánh Văn phòng trường. 
Phát biểu trong các buổi tập huấn, TS. Lý Thiên Trang đã gửi lời cảm ơn đến các mentor và thầy, cô tham gia chương trình. Đồng thời cô cho biết: "Đây là dịp để các mentor - những người đã có cơ hội tiếp cận trước, chia sẻ lại cùng giảng viên Nhà trường. Trong trụ cột phát triển trường đại học, bên cạnh việc cải tiến chương trình đào tạo thì giảng viên, nhân sự là cốt lõi. Vì vậy, các chương trình tập huấn là cơ hội để thầy, cô cùng nhau học hỏi và phát triển. Chương trình sẽ là diễn đàn tương tác 2 chiều giữa mentor và các thầy, cô với mục tiêu cùng nhau tiến bộ".
 

TS. Lý Thiên Trang cũng là 1 trong 4 mentor của 2 buổi tập huấn
 
Mentor tập huấn Module 2 gồm có: TS. Lý Thiên Trang - Phó Hiệu trưởng, TS. Dương Mỹ Thẩm - Phó Trưởng khoa Tiếng Anh, ThS. Hà Lê Thu Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo thiết kế dự án và ThS. Phạm Hướng Ngọc Uyên - Giảng viên. Mỗi buổi, các thầy, cô tham dự được chia thành 4 nhóm ngẫu nhiên. 
Phần mở đầu do cô Thiên Trang hướng dẫn. Với đề bài "Hãy xây dựng một ngọn tháp bằng các nguyên liệu hạn chế được cấp, tiêu chí càng cao càng tốt", hoạt động đã giúp các giảng viên thấy rõ vai trò quan trọng của việc phân chia nhiệm vụ rõ ràng trong công việc. Từ đó mang đến các kết quả mong muốn và rút ra sự cần thiết của các kỹ năng như làm việc nhóm, lập kế hoạch, sáng tạo, quản lý thời gian, đàm phán,... Đó cũng là những yếu tố cần thiết đối với sinh viên. 
 






Các nhóm tập trung giải quyết "bài toán" đầu tiên
 
Tiếp theo, TS. Dương Mỹ Thẩm đã cung cấp thêm các dữ liệu về sự gắn kết của sinh viên. Đó là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan như sự tò mò, sự chú ý, hứng thú, lạc quan, đam mê, hệ thống sinh thái, nhà giáo dục, nhân viên dịch vụ,... Trong đó cô nhấn mạnh đến vai trò truyền cảm hứng của người giảng dạy. Ngoài ra, cô Thẩm cũng phân tích về 4 trụ cột tạo nên sự gắn kết này gồm hành vi (biểu hiện tích cực, sự hiện diện, nỗ lực, đóng góp,...), cảm xúc (tích cực, tiêu cực,...), xã hội (nhận diện, sự thuộc về,...) và nhận thức (hiểu biết, thành thạo). Từ đó cô đã trình bày một số cách tăng cường sự gắn kết của người học. 
 

TS. Dương Mỹ Thẩm đã "biến hóa" phần lý thuyết khô khan trở nên sinh động và thú vị
 
Trong phần thứ ba của chương trình tập huấn, cô Thu Hoài đã hướng dẫn các nhóm trình bày vấn đề theo ARES model: Argument - Reasons - Examples - Support. Từ sự hướng dẫn của cô Hoài kết hợp cùng các lý thuyết đã được cô Thẩm chia sẻ, các nhóm đã hoàn thành thử thách này trong 3 phút. Đại diện mỗi nhóm đều có phần thuyết trình ấn tượng và truyền tải đầy đủ thông điệp về vấn đề. Một số vấn đề được đưa ra như học phát âm từ vựng, nhận diện bản thân, làm việc nhóm cố định,...
 

ThS. Hà Lê Thu Hoài hướng dẫn các nhóm thực hành giải quyết vấn đề theo mô hình ARES










Đại diện các nhóm trình bày theo mô hình được hướng dẫn
 
Khép lại chương trình tập huấn, cô Ngọc Uyên đã cung cấp một số kết quả sẽ đạt được khi thực hiện gắn kết sinh viên trong học tập, bao gồm: tạo danh tiếng cho cơ sở giáo dục; nâng cao chất lượng; thu hút người học, người dạy; sự hạnh phúc của người học (về thể chất, tinh thần,...); chuyển hóa việc học; nhận thức được giá trị bản thân;...
 

ThS. Phạm Hướng Ngọc Uyên nêu một số kết quả đạt được khi thực hiện gắn kết sinh viên trong lớp học
 
Các giảng viên tham gia tập huấn đều tích cực đóng góp, chia sẻ ý kiến, quan điểm của bản thân và thẳng thắn trình bày những vấn đề thực tiễn trong giảng dạy. 
 


Các giảng viên ghi lại cảm nhận và góp ý sau buổi tập huấn
 
Tham gia hoạt động, thầy, cô giảng viên đã học hỏi lẫn nhau về việc gắn kết sinh viên để nâng cao hiệu quả học tập. Trong đó, giảng viên chính là trung tâm kèm với sự phối hợp của các phương tiện học tập khác. Được biết, từ ngày 1/8 đến 15/9, các giảng viên tham gia hoạt động sẽ ứng dụng các kiến thức này trong lớp học và các mentor sẽ tham gia dự giờ.
 
Quy Nguyễn
Ảnh: Media Team
 
TIN LIÊN QUAN