Menu
  
Tin tức sự kiện

IRers tìm hiểu lý tính trong quan hệ quốc tế, khả năng dự báo của lý thuyết qua sự kiện chính trị lớn

05/04/2022
Tiếp tục cung cấp cho sinh viên những kiến thức thực tế xoay quanh câu chuyện thời sự trên thế giới gần đây, khoa Quan hệ quốc tế (IR) UEF đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Lý tính trong quan hệ quốc tế và khả năng dự báo của lý thuyết với xung đột Nga - Ukraine”. Hoạt động thu hút đông đảo sinh viên theo học ngành Quan hệ quốc tế trong và ngoài trường tham gia. Thông qua chương trình, diễn giả đã nhắn gửi đến IRers thông điệp: “Trong quan hệ quốc tế không phải lúc nào cũng lý tính”.
 


Bên cạnh sinh viên, tọa đàm còn thu hút sự tham gia của các thầy cô giảng viên
 
Tọa đàm có sự tham dự của TS. Trần Thanh Huyền - Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, TS. Đào Minh Hồng - Phó Trưởng khoa Quan hệ quốc tế UEF cùng các giảng viên đến từ một số trường đại học khác. Diễn giả là anh Ngô Di Lân - Nghiên cứu sinh quan hệ quốc tế Đại học Brandeis, Hoa Kỳ. 
Mở đầu chương trình, diễn giả đã dùng 3 sự kiện lịch sử tiêu biểu của thế giới trước đó để truyền tải đến sinh viên thông điệp về sự lý trí và phi lý trí trong quan hệ quốc tế. Theo diễn giả, có rất nhiều cách để định nghĩa lý trí nhưng phổ biến nhất là việc xác định rõ mục tiêu cần theo đuổi, cân nhắc lợi - hại của các lựa chọn khả dĩ, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và đưa ra quyết định có lợi nhất. Ngược lại, phi lý trí là việc tự đe dọa lợi ích của bản thân, ngăn cản mình đạt được mục tiêu đề ra và để cảm xúc dẫn dắt hành động. 
 


Diễn giả phân tích nội dung gắn liền với những ví dụ từ lịch sử và đời sống giúp sinh viên dễ hình dung
 
Dựa vào những phân tích thực tế, khách mời đưa ra góc nhìn mới cho sinh viên về thiên kiến (bias) hay gọi cách khác là điểm mù tâm lý. Khai thác sâu câu chuyện này, nghiên cứu sinh Ngô Di Lân đã chỉ ra rằng, con người thường bị quá tập trung vào các dữ kiện đầu tiên, coi trọng quá mức những thông tin bản thân biết được và những người chung một nhóm thường có suy nghĩ giống nhau (chấp nhận số đông). Bên cạnh đó, anh còn cho biết con người ai cũng tồn tại sự chủ quan nhưng không phải ai cũng nhận thức được điều này và có khuynh hướng không muốn sự thay đổi. Với mỗi bias, diễn giả dẫn chứng một ví dụ cụ thể giúp sinh viên dễ hình dung và “chốt hạ” rằng: con người luôn có xu hướng lọc ý kiến trái chiều. 
 



Các thầy, cô khác cũng thể hiện quan điểm, góc nhìn của mình về chiến sự Nga - Ukraine
 
Đặt ra câu hỏi giả thuyết nếu quay lại trước ngày 24/2 có ai dự báo được xung đột giữa Nga và Ukraine không? diễn giả lại mang đến một khía cạnh mới về những Superforecaster (siêu dự báo). Đó là những người biết chọn những câu hỏi có độ khó vừa phải, sử dụng nguồn dữ liệu phong phú, có khả năng đưa ra giả thiết hợp lý và ước lượng được tính chính xác. Ngoài ra, các Superforecaster sẽ là người biết đưa ra dự báo chính xác nhất có thể (ví dụ: 47% sẽ xảy ra,...) và rất nhanh chóng trong việc cập nhật khi có thông tin mới.
Từ các lý thuyết về Superforecaster, khách mời nhắn nhủ đến sinh viên 5 điều quan trọng trong việc dự báo, đặc biệt là lĩnh vực quan hệ quốc tế: Nhắc nhở bản thân rằng con người không lý trí hoàn toàn, bao gồm chính bản thân; sử dụng nhiều nguồn thông tin đa dạng nhất trong quá trình phân tích; sẵn sàng cập nhật khi có thông tin mới nhất, đặc biệt là xu hướng trái chiều; tự đặt ra câu hỏi “khi nào dự báo của tôi sẽ sai?” và phải có thói quen lưu trữ kết quả dự báo, “phân tích sau trận đấu”.
 


Sinh viên chăm chú theo dõi và tương tác cùng khách mời
 
Khép lại buổi tọa đàm, nhiều vấn đề đã được các giảng viên, sinh viên cùng trao đổi, thảo luận. Qua đó, làm rõ các khía cạnh khác quanh sự việc xung đột trong quan hệ quốc tế giữa Nga và Ukraine. Dưới góc độ sinh viên, UEFers nói riêng và các bạn trẻ theo đuổi lĩnh vực Quan hệ quốc tế nói chung đã cập nhật thêm nhiều kiến thức mới, mở mang góc độ quan sát và thực hành dự báo đối với các sự kiện quốc tế, hỗ trợ đắc lực cho công việc sau này. 
 
Tin: Quy Nguyễn
Ảnh: Thái Sơn
TIN LIÊN QUAN