Menu
  
Tin tức sự kiện

Cảm nhận "một thời tuổi trẻ hào hùng" qua những câu chuyện của các cựu cán bộ Đoàn thanh niên

29/03/2023
Với chủ đề “Một thời tuổi trẻ hào hùng, Cán bộ, Đoàn viên, sinh viên UEF đã có cơ hội được gặp gỡ các “nhân chứng sống” của lịch sử trong thời kỳ kháng chiến giành độc lập dân tộc. Chương trình giao lưu cùng cựu Cán bộ Đoàn thanh niên Việt Nam diễn ra vào sáng nay - 29/3, nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. 
Tại chương trình, UEFers đã cùng ngược dòng về quá khứ, đắm mình trong những câu chuyện lịch sử hào hùng qua lời kể của Đại tá Nguyễn Thị Minh Hiền - Nguyên thường vụ Trung ương Đoàn, Nguyên Bí thư Đoàn Bộ Công an và chú Trần Văn Nhiệm (Ba Nhiệm) - Cựu tử tù Côn Đảo, Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống Thành đoàn TP.HCM. 
 


Đồng chí Nguyễn Huỳnh Sinh - Bí thư Đoàn trường, đại diện thế hệ thanh niên UEF xuất hiện trò chuyện bên cạnh các cựu cán bộ, trở thành gạch nối giữa 2 thế hệ
 
Chia sẻ mở đầu, cô Đặng Hồng Linh - Tổng Thư ký Ban liên lạc cựu Cán bộ Đoàn thanh niên Việt Nam phía Nam cho biết: “Hoạt động gắn kết, truyền lửa là một trong những trọng tâm mà Ban liên lạc đã xác định từ khi thành lập. Hai khách mời ngày hôm nay là những nhân vật rất điển hình trong thời kỳ kháng chiến”.
 
 
“Tiếp lửa cho thế hệ trẻ là một trong những trọng tâm của Ban liên lạc cựu Cán bộ Đoàn thanh niên” - cô Hồng Linh nhấn mạnh

 

7 lần đại phẫu vì sự nghiệp dân tộc

 

“Trong trách nhiệm, mục tiêu truyền lửa cho sinh viên, được gặp gỡ các bạn, tôi thấy lại tuổi trẻ của mình, dồi dào nhựa sống. Nhìn các bạn, tôi cảm giác mình trẻ hơn, khỏe hơn và ngọn lửa trong tôi lại càng cháy sáng hơn”. Đó là những chia sẻ đầu tiên của chú Ba Nhiệm.
Quay về quá khứ, chú Nhiệm đã kể lại những câu chuyện của tuổi trẻ mang màu áo thanh niên đi làm cách mạng. Cho biết rằng mình tham gia cách mạng từ những năm 1945 trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chú đã được học tập, chiến đấu và trưởng thành cùng Đoàn thanh niên, được dìu dắt dưới ngọn cờ của Đảng sau này. Những bài học từ lịch sử, áng văn, vần thơ hay các bài hát trong kháng chiến chính là ngọn lửa hun đúc tinh thần cách mạng của người thanh niên Trần Văn Nhiệm lúc bấy giờ. 
 
“Làm sao cho nước vẻ vang, 
Cho giàu, cho mạnh sánh ngang cùng người” 
 
Đó cũng chính là tâm niệm của con người cách mạng đầy nhiệt huyết này. Chính khao khát và mong ước đó đã làm nên một chiến sĩ, thanh niên kiên cường, mạnh mẽ đương đầu và vượt qua bao chông gai, thử thách. Dù đã trải qua 7 lần đại phẫu trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước, chú Ba Nhiệm vẫn bền bỉ với tinh thần vì dân tộc.  
 

“Tiếng hát át tiếng bom” là hình ảnh mà chú Ba Nhiệm diễn tả về động lực xuất phát từ nghệ thuật khi làm cách mạng
 
Bên cạnh đó là những gian nan khi phải vượt ngục ra khỏi “địa ngục trần gian ở Việt Nam” - nhà tù Côn Đảo cũng được khơi gợi lại để sinh viên thấy được khí tiết của người thanh niên “làm việc nước” khi xưa. Nhìn lại những điều đó, chú cho biết khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước khi ấy là điều mãnh liệt đã giúp mình vượt qua. Ngoài ra, nguồn năng lượng từ các tác phẩm chống xâm lược, yêu nước và mang tính cách mạng đã nung nấu tinh thần của chú. 
Nhắn nhủ đến các bạn sinh viên, cựu Cán bộ Đoàn thanh niên ôn tồn bảo: “Tuổi trẻ phải có nhiều sáng tạo, kể cả thời chiến lẫn thời bình”. Ngoài ra, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và niềm tin vào đồng đội cũng được chú đặc biệt nhấn mạnh. 

 

Khẳng định cuộc chiến chống Mỹ của Việt Nam là chính nghĩa tại diễn đàn thế giới

 

Đó là một trong những nhiệm vụ, trọng trách đầy tự hào mà cô Minh Hiền được đảm nhận khi tham dự Diễn đàn Thanh niên sinh viên thế giới diễn ra tại Đức vào năm 1973. Mặc dù chỉ mới ở độ tuổi 20 nhưng cô gái trẻ khi ấy đã khiến bạn bè thế giới xúc động, khi nói về khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam.
Trong chặng hành trình hoạt động cách mạng, cô không ngần ngại nguy hiểm, dấn thân để tiếp cận địch và lập được nhiều chiến công hiển hách. “Mỗi trận đánh sắm vai khác nhau để vào sào nguyệt địch thăm dò” - cô cho biết. Với những chiến tích lập được qua 17 trận đánh, tiêu diệt 174 tên lính Mỹ và tay sai, cô Minh Hiền được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân khi chỉ 21 tuổi. 
 

Từ nữ trinh sát ở tuổi 15, cô Minh Hiền trở thành Đại tá, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân với nhiều chiến tích
 
Mặc dù tuổi đã ở độ “thất thập cổ lai hy”, khi trò chuyện cùng sinh viên UEF, cô Hiền vẫn toát ra phong thái của một nữ trinh sát khi xưa. Cô cho biết khi tham gia các trận đánh thì trong lòng đã xác định hy sinh hoặc bị bắt vào tù. Trong những lúc đó chính sự dũng cảm, mưu trí, bản lĩnh và tình yêu thương đất nước, dân tộc đã thúc giục tinh thần đấu tranh. 
Câu chuyện về người nữ anh hùng Nguyễn Thị Minh Hiền - nữ trinh sát hoạt động ngay trong sào huyệt của quân thù, cũng đã trở thành nguồn cảm hứng của rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, điển hình và tiêu biểu nhất là tuồng cải lương “Khách sạn hào hoa” mà cô chính là nguyên mẫu.
 


UEFers đặt nhiều câu hỏi khơi gợi lại những câu chuyện lịch sử hào hùng
 
Những câu chuyện, các trận đánh được tái hiện qua lời kể của khách mời, UEFers có thể phần nào cảm nhận được những gian truân, hy sinh, mất mát mà ông, cha ta đã phải trải qua để giành lại hòa bình, độc lập. Từ đó sẽ càng thêm trân trọng sứ mệnh thanh niên, ra sức học tập và tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Như lời cô Minh Hiền gửi gắm: “Tuổi trẻ là mùa xuân, có những mơ ước, mong muốn khẳng định chính mình để làm những điều tốt đẹp cho xã hội. Nhìn các bạn tôi có sự tin tưởng trong tim mình đây sẽ là thế hệ nối tiếp xây dựng đất nước này ngày càng phát triển”.
 
Quy Quy
Ảnh: Media Team
TIN LIÊN QUAN