Tại Nhà UEF, sinh viên có cơ hội trải nghiệm, học tập thực tế qua nhiều hình thức, trong đó phiên tòa giả định được xem là mô hình vận dụng kiến thức vào thực tiễn hiệu quả, một "đặc sản" đáng chú ý của Khoa Luật.
Sáng ngày 9/11 vừa qua, Khoa Luật UEF cùng câu lạc bộ ILC đã phối hợp với Tòa án nhân dân Quận 3 tổ chức Phiên tòa giả định “Xét xử tội danh mua bán người”.
Phiên tòa giả định mang đến cho UEFers nhiều trải nghiệm nghề nghiệp thực tế
Phiên tòa giả định được tổ chức với mong muốn giúp các bạn hiểu được trình tự, thủ tục giải quyết một vụ án tại phiên tòa, hiểu được một hành vi phạm tội sẽ bị xử lý như thế nào trước pháp luật. Qua đó giúp các bạn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tích lũy kinh nghiệm trong nghề nghiệp.
Chương trình có sự tham dự của Luật sư Lê Thế Hùng - Giám Đốc Công ty luật CNC Việt Nam, cô Vũ Thị Hoa - Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Gia Định, cô Trần Thị Ngọc Trinh - Bí thư Chi đoàn Tòa án nhân dân Quận 3, anh Nguyễn Trần Nguyên Bách - Ủy viên Ban chấp hành Chi đoàn Tòa án nhân dân Quận 3.
Về phía UEF, có sự tham dự của TS. Nhan Cẩm Trí - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; ThS. Nguyễn Huỳnh Sinh - Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên; ThS. Nguyễn Thị Nguyệt Hoàng - Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên, Giám đốc Trung tâm tham vấn tâm lý và hỗ trợ pháp luật, Lãnh đạo Khoa cùng các thầy cô đến từ Khoa Luật.
TS. Nhan Cẩm Trí chia sẻ trước khi bắt đầu "phiên tòa"
Trước khi bắt đầu chương trình, TS. Nhan Cẩm Trí đã nhắn gửi đến các bạn sinh viên nói chung và các bạn sinh viên Khoa Luật nói riêng: "Các hoạt động sinh viên luôn được Nhà trường và các đơn vị hợp tác phối hợp tổ chức và sẽ diễn ra liên tục trong năm học. Qua các chương trình, các bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm và học tập thực tế. Hôm nay, tuy chỉ là một phiên tòa giả định nhưng sẽ giúp các bạn hiểu được trình tự phiên tòa như thế nào, cách tố tụng ra sao.”
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, khoảng 1 triệu người bị mua bán mỗi năm. Đặc biệt, nạn buôn bán người tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Từ 2011, Việt Nam đã có Luật phòng chống buôn bán người nhưng các nạn nhân thường dễ bị mắc bẫy trong các chiêu trò tinh vi như “việc nhẹ lương cao” trên mạng xã hội. Phiên tòa giả định đã thể hiện được sự chuẩn bị kỹ càng, chuyên nghiệp khi nắm bắt và cập nhật các thông tin và luật pháp một cách nhanh chóng.
Nội dung phần đối đáp giữa các nhân vật trong vai Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, bị cáo, bị hại… đã được các bạn sinh viên chọn lọc. Các lời thoại đều có chứa nội dung về luật pháp và lồng ghép những thông điệp có ý nghĩa giáo dục nhận thức về pháp luật sâu sắc.
Các bạn sinh viên Khoa Luật không chỉ mang đến những lập luận chắc chắn mà còn lồng ghép được tính khoan dung của Luật pháp Việt Nam trong phiên toà
Phiên tòa giả định đã được tổ chức đúng theo trình tự, nội dung, đảm bảo tính chuyên môn, chính xác về tính pháp lý. Phiên toà còn lồng ghép được các vấn đề trách nhiệm liên đới giữa các bị cáo về bồi thường thiệt hại; trách nhiệm của cha mẹ, trách nhiệm của gia đình và xã hội… Từ đó, cũng giúp cho sinh viên nhìn thấy những chi tiết thể hiện được tính khoan dung trong Luật pháp Việt Nam đối với những đối tượng ăn năn hối lỗi.
Phiên tòa giả định đã khẳng định những hoạt động thực tiễn thiết thực cho sinh viên UEF
Mô hình “Phiên tòa giả định” đã “mềm hóa” những quy định của pháp luật; đưa các tình huống pháp lý về gần hơn với các bạn sinh viên. Thay vì phải nhớ những điều khoản, quy định một cách máy móc, khô khan thì mọi người sẽ nhớ đến hành vi vi phạm của các “bị cáo” trong buổi xét xử.
Những hoạt động học thuật thực tiễn như vậy sẽ giúp cho các bạn sinh viên Nhà UEF hoàn thiện những kiến thức và kỹ năng của bản thân mình. Nhất là các bạn sinh viên khoa Luật, “Phiên tòa giả định” sẽ là “chìa khóa” quan trọng giúp các bạn củng cố kiến thức pháp luật, tiếp cận thực tiễn pháp luật, chuẩn bị cho hành trình sự nghiệp của mình.
Thêm một số khoảnh khắc tại Phiên tòa giả định ngày 9/11 vừa qua:
Quỳnh Anh
Ảnh: Media Team