Workshop

"Cafe Tài chính - Kinh doanh" số 2: Cùng UEFers lý giải ảnh hưởng của chính sách tiền tệ đến nền kinh tế

20/03/2023

Sau tập lên sóng đầu tiên của chuỗi chương trình “Cafe Tài chính - Kinh doanh”, Ban tổ chức chương trình đã nhận về rất nhiều sự quan tâm và đánh giá cao từ Ban giám hiệu Nhà trường cũng như các bạn sinh viên. Tiếp tục phát huy những ưu điểm, sáng 18/3, Khoa Tài chính - Thương mại đã tổ chức tập 2 của chương trình với chủ đề "Chính sách tiền tệ và sự ảnh hưởng của chính sách tiền tệ đến nền kinh tế”.
Đồng hành với tập phát sóng này là: ThS. Huỳnh Quốc Phong - Giám đốc Ttrung tâm hợp tác Doanh nghiệp, TS. Hà Thị Thủy - Trưởng Khoa Tài chính - Thương mại; TS. Tăng Mỹ Sang - Phó Trưởng Khoa Tài chính - Thương mại, Trưởng ngành Tài chính - Ngân hàng; Th.S. Nguyễn Thanh Lâm - Phó Trưởng Khoa Tài chính - Thương mại.
Đóng vai trò chia sẻ, thảo luận chính tại chương trình là 3 bạn sinh viên Nhà UEF: bạn Phạm Trung Kiên - sinh viên năm 3 ngành Kiểm toán, bạn Ngô Ngọc Đạo - sinh viên năm 1 ngành Tài chính - Ngân hàng và bạn Võ Đình Hiếu - sinh viên năm 1 ngành Tài chính - Ngân hàng.

 



Diễn giả là những sinh viên còn rất trẻ nhưng sở hữu kiến thức sâu về lĩnh vực

 

Trước hết, nhằm mang lại cái nhìn toàn diện về chính sách tiền tệ, bạn Phạm Trung Kiên cho biết: “Chính sách tiền tệ là một chính sách vĩ mô được Nhà nước sử dụng để quản lý dòng tiền trong xã hội. Nhà nước sẽ tiến hành quản lý thông qua các công cụ như là tỷ giá hối đoái, hạn mức tín dụng,… Chính sách tiền tệ được chia thành hai loại là chính sách tiền tệ mở rộng và chính sách tiền tệ thắt chặt”.
Bổ sung cho ý kiến của Trung Kiên, bạn Ngô Ngọc Đạo đưa ra một ví dụ: “Chính sách tiền tệ có rất nhiều công cụ, công cụ mà chúng ta hay gặp nhất là hạn mức tín dụng. Đây là mức dư nợ tối đa mà ngân hàng Nhà nước cấp cho ngân hàng thương mại để họ cho vay ra nền kinh tế. Khi Nhà nước cấp hạn mức tín dụng nhiều hơn, các ngân hàng thương mại có thể cho vay nhiều hơn, lượng cung tiền của nền kinh tế cao hơn, đẩy mạnh nguồn vốn ra thị trường hỗ trợ các doanh nghiệp đang khát vốn hiện nay”.
Ngoài chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cũng là một chính sách đặc trưng để Chính phủ ổn định nền kinh tế. Bàn về chính sách tài khóa, Ngọc Đạo cho biết: “Chính sách tài khóa là một chính sách vĩ mô, thông qua chế độ thuế và đầu tư công để điều hành nền kinh tế”.

Trực quan, khi tăng trưởng kinh tế đang chậm lại như hiện tại, ta có thể dễ dàng nhận thấy Chính phủ đang tích cực đầu tư công như xây đường, xây cao tốc nhằm tạo ra công ăn việc làm, thúc đẩy các nền kinh tế cho các ngành liên quan như sắt, thép, vật liệu xây dựng. Ngoài ra, khi Chính phủ bị thâm hụt ngân sách, có thể cân nhắc tới vấn đề tăng thuế để cân bằng nguồn ngân sách” - Ngọc Đạo giải thích.
 



Sự kiện thu hút đông đảo sinh viên đến tham dự


Theo Đình Hiếu, mối quan hệ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là hỗ trợ lẫn nhau. “Trong một nền kinh tế, khi cần một trong hai chính sách làm nòng cốt chính, chính sách còn lại sẽ hỗ trợ và đảm bảo vận hành nền kinh tế một cách ổn định”.
Trả lời cho câu hỏi: “Tại Việt Nam, việc điều hành chính sách tiền tệ thì Chính phủ đang ưu tiên sử dụng công cụ nào trong các công cụ của chính sách tiền tệ?”, Đình Hiếu cho biết hai công cụ chính là công cụ giá và công cụ lượng. Công cụ giá tác động vào lãi suất, công cụ lượng tác động vào nguồn tiền.
“Công cụ giá là công cụ mà Ngân hàng Nhà nước ưu tiên sử dụng vì tác động của công cụ này nhanh và mạnh hơn so với công cụ lượng”.

 


Các khách mời cũng chăm chú theo dõi chương trình

 

Xuyên suốt chương trình, các diễn giả cùng host đã trao đổi rất nhiều kiến thức liên quan như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, dự trữ ngoại hối, lãi suất, mức tăng trưởng tín dụng, nghiệp vụ thị trường mở. Để rút ra kết luận rằng các công cụ chính sách trên sẽ tác động vào mức cung tiền, ảnh hưởng đến tổng cầu, từ đó đưa nền kinh tế về trạng thái cân bằng. 
Không chỉ sôi nổi ở phần chia sẻ kiến thức của các diễn giả, giao lưu cùng khán giả thực sự là một cuộc trao đổi đầy hấp dẫn và cởi mở, khi các bạn khán giả liên tục đặt ra những câu hỏi hay và nhận về được đáp án thuyết phục từ 3 diễn giả trẻ của chương trình.

 




Phần giao lưu sôi nổi giữa diễn giả và khán giả


Với tư cách là một người tham dự, bạn Phan Hoàng Anh (sinh viên năm 2, chuyên ngành Tài chính quốc tế) đánh giá cao giá trị của chương trình. “Mình cảm thấy vui vì được trau dồi thêm kiến thức từ những người rất giỏi. Mô hình học từ chính sinh viên trong ngành này thật sự bổ ích với chúng mình” - Hoàng Anh nói. 

 


Với kết quả bình chọn cao nhất, Đình Hiếu sẽ được góp mặt trong tập đặc biệt của "Cafe Tài chính - Kinh doanh"


Chuỗi sự kiện "Cafe Tài chính - Kinh doanh" sẽ tiếp tục được triển khai đều đặn với mục tiêu đem đến cho sinh viên một môi trường tự do học thuật, tạo điều kiện để sinh viên trình bày kiến thức, nêu lên quan điểm cá nhân của mình.
Phương Anh
Ảnh: Media Team
TIN LIÊN QUAN