Workshop

UEFers cập nhật kiến thức về tiền kỹ thuật số cùng chuyên gia, giảng viên Đại học Auburn – Hoa Kỳ

20/09/2021
Mở rộng diễn đàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, khoa Tài chính – Thương mại đã tổ chức buổi Hội thảo với chủ đề “Tiền kỹ thuật số (Cryptocurrencies) và tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (Central Bank Digital Currencies - CBDC)” vào sáng 18/9 vừa qua.
 
Hoạt động được tổ chức trực tuyến vào sáng ngày 18/9
 
Thông qua hội thảo, UEFers được trang bị những kiến thức nền tảng về tiền kỹ thuật số - một trong những phát kiến có tính đột phá của kỷ nguyên công nghệ và việc sử dụng nó trong hoạt động của một ngân hàng Trung ương.
Chương trình có sự tham dự của TS. Nhan Cẩm Trí – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, ThS. Nguyễn Tiến Hùng – Trưởng khoa Tài chính – Thương mại, TS. Hà Thị Thủy, ThS. Tăng Mỹ Sang – Phó Trưởng khoa cùng gần 400 bạn sinh viên UEF.

Diễn giả chính là anh Lê Thành Đạt – Nghiên cứu sinh ngành Tài chính, Giảng Viên tại Auburn University (Alabama, US). Bên cạnh đó còn có khách mời là anh Đặng Minh Hoàng - Investment Manager của Forte Insurance (Cambodia) và anh Nguyễn Hoàng Nam - Chuyên viên của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
 
 
Các thầy cô và khách mời có mặt trong chương trình
 
Phát biểu mở đầu hội thảo, TS. Nhan Cẩm Trí cho biết: “Khi nói đến 4.0 là nói đến việc ứng dụng công nghệ ở hầu hết các lĩnh vực. Trong đó, Tài chính - ngân hàng có thể nói là môt trong những lĩnh vực tiên phong của việc ứng dụng công nghệ. Thầy tin rằng với kinh nghiệm của mình, khách mời sẽ mang đến những kiến thức bổ ích và giá trị cho các bạn sinh viên”.
 
 
TS. Nhan Cẩm Trí – Phó Hiệu trưởng phát biểu mở đầu hội thảo 
 
 
ThS. Nguyễn Tiến Hùng xuất hiện với vai trò dẫn dắt, kết nối
 
 
 Diễn giả chính là anh Lê Thành Đạt, Giảng viên tại Auburn University
 
Trong phần chia sẻ của mình, anh Lê Thành Đạt đã giúp các bạn hiểu cơ bản về tiền kỹ thuật số. Theo đó, tiền kỹ thuật số là một dạng tiền tệ chỉ có sẵn ở dạng kỹ thuật số hoặc điện tử và không ở dạng vật lý, bao gồm là coin, tiền thuật toán, tiền điện tử, tiền mã hóa. Tiền tệ được lưu trữ và luân chuyển bằng điện tử.
Diễn giả cho biết: “Theo thông tin được cập nhật ngày 12/9/2021, trên thị trường hiện nay có khoảng gần 12.000 đồng tiền mã hóa”. Điều đó đồng nghĩa với việc bất kỳ ai chỉ cần có sự thông thạo về công nghệ, khả năng làm việc với blockchain thì đều có thể tạo ra đồng tiền mã hóa của riêng mình. 
Thực tế đã có khoảng 103 đồng tiền mã hóa trên thị trường, chiếm ít nhất là 1 tỷ đô, chứng tỏ lực lượng tham gia rất đáng kể. Những người tham gia vào Bitcoin nói riêng và tiền kỹ thuật số nói chung thường là những người có học vấn rất cao: 75% là cử nhân, 25% là trên cử nhân. 
 
 
 Một số nội dung được chia sẻ trong hội thảo
 
Diễn giả đã đưa ra biểu đồ so sánh về tỉ suất sinh lợi và rủi ro giữa việc đầu tư vào Bitcoin và đầu tư ở thị trường chứng khoán Mỹ (S&P 500) và Việt Nam (VN Index). Theo đó, đối với Bitcoin, người đầu tư có thể kỳ vọng tỉ suất sinh lợi hằng năm là 64,5%, tuy nhiên, rủi ro lên đến 62%. Ngược lại, đối với tỉ số chứng khoán của Mỹ, tỉ suất sinh lợi chỉ 15% và chỉ số rủi ro là 18%. Còn ở Việt Nam, tỉ suất sinh lợi là 11% và rủi ro là 18%. Hiện nay, Việt Nam chưa cho phép sử dụng các loại tiền mã hóa trong thanh toán nhưng trong đầu tư thì không cấm cũng không ủng hộ. 
Đối với loại tiền này, diễn giả lưu ý một số vấn đề sau: hiện tượng lừa đảo, các cuộc tấn công vào những sàn giao dịch, có thể phục vụ những mục đích xấu (tài trợ cho những hoạt động trái pháp luật, khủng bố,… ).
Đến với phần trao đổi về tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (
CBDCs), khách mời cho biết: “Điểm khác biệt duy nhất là tiền này sẽ được phát hành bởi ngân hàng Trung ương. Nhà nước có nghĩa vụ đảm bảo hoạt động và bảo vệ an toàn cho các tài khoản giao dịch”.
Theo đó, khi ngân hàng Trung ương thực hiện các giao dịch bằng tiền mã hóa có một số thuận lợi như: tiết kiệm chi phí (in tiền, rút tiền, chuyển tiền,… ), chống làm tiền giả, những giao dịch lớn (có giá trị về trăm triệu, vài tỉ,… ) sẽ được đảm bảo an toàn hơn. 
 
 
Thầy Nguyễn Tiến Hùng cùng các khách mời giao lưu, giải đáp thắc mắc của sinh viên ở cuối chương trình
 
Bên cạnh đó, cũng có những thách thức được đặt ra đối với CBDCs như: ảnh hưởng đến ngân hàng thương mại, các cuộc tấn công mạng, vấn đề về sự riêng tư của người dân (CBDCs sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng Trung ương quan sát được các chi tiêu của người sử dụng). Quốc gia đầu tiên đã phát hành hệ thống CBDCs là Bahamas (Sand dollar). 
Sau phần chia sẻ của diễn giả chính, UEFers được giao lưu, đặt câu hỏi cùng 2 khách mời và nhiều vấn đề đã được giải đáp cặn kẽ. Với những thông tin từ anh Lê Thành Đạt, sinh viên khoa Tài chính – Thương mại nói riêng và UEF nói chung đã có những kiến thức mới và sâu hơn về tiền kỹ thuật số, mở ra cơ hội đầu tư bài bản cho những người trẻ thời 4.0.
 
Quy Nguyễn
TIN LIÊN QUAN