Tin tức sự kiện Khoa học công nghệ

Thầy, trò Nhà PRC lĩnh hội các xu hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực truyền thông

16/07/2023
Trong hoạt động nghiên cứu khóa học, những đề tài mới luôn xuất hiện mỗi ngày ở từng lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là nhóm ngành truyền thông với sự phát triển và hỗ trợ của công nghệ số, AI, sự xuất hiện của các nền tảng “hot” trend,...
Nhằm phổ biến các kiến thức mới đến giảng viên, sinh viên, đồng thời, cập nhật những xu hướng nghiên cứu ngành nghề được các trường đại học lớn trên thế giới, cụ thể là Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) theo đuổi, Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông (PRC) UEF đã tổ chức buổi Seminar: Phương pháp nghiên cứu và các xu hướng trong nghiên cứu truyền thông vào chiều 14/7. 
 

Seminar cung cấp những xu hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực truyền thông
 
Hoạt động có sự tham dự của PGS.TS. Hoàng Thị Hồng Hà - Trưởng Khoa; TS. Đặng Anh Lực - Phó Trưởng Khoa; ThS. Nguyễn Thị Bích Vân - Trợ lý Trưởng Khoa; ThS. Phạm Thái Hiền - Trưởng ngành Công nghệ truyền thông; TS. Nguyễn Văn Tường - Trưởng ngành Tâm lý học; ThS. Hoàng Mi - Giảng viên Khoa cùng các thầy, cô và sinh viên Nhà PRC.
 
Theo PGS.TS. Hoàng Thị Hồng Hà, khi tiếp nhận cái mới phải biết hoà trộn với cái cũ mình đã có để xem có gì khác để phản biện và kết hợp tạo giá trị
 
Những bài báo cáo của các thầy, cô là đúc kết kinh nghiệm sau những chuyến tham gia học tập tại nước ngoài và nhìn nhận về xu hướng nghiên cứu, phát triển hiện nay của thế giới ở lĩnh vực truyền thông. Từ việc ứng dụng kỹ thuật số, AI hay công nghệ thông tin cho đến kết hợp liên ngành trong truyền thông đều là các “trend” đang được áp dụng vào công trình nghiên cứu. 
Trong bài báo cáo của mình, ThS. Hoàng Mi đã chia sẻ về “các xu hướng nghiên cứu trong truyền thông” đang được thực hiện tại Trung Quốc. Một số hướng đi được đề cập đến như: Tài sản công kỹ thuật số/ khoảng cách kỹ thuật số; Ứng dụng công nghệ AI (nền văn minh kỹ thuật số); Hiện tượng Wanghong; Short video và văn hóa thuật toán dựa trên cơ sở dữ liệu, logic, dự đoán hành vi người dùng.
 

ThS. Hoàng Mi là một trong số ít học viên Việt Nam học tập tại Đại học Chiết Giang (Trung Quốc)
 
ThS. Phạm Thái Hiền với bài báo cáo “Emerging research themes and trends in communication” đã phân tích về các quan điểm xã hội và tâm lý trong xử lý thông tin, ý nghĩa xã hội của công nghệ số và sức mạnh truyền thông mạng xã hội. 
 


Các chủ đề về ứng dụng công nghệ số, AI thu hút sự quan tâm của sinh viên
 
Chủ đề “Ứng dụng Python trong phân tích dữ liệu” của TS. Đặng Anh Lực đã đưa ra những ưu điểm của công cụ này như dễ học, ứng dụng rộng rãi, nhiều thư viện, cộng đồng lập trình viên rộng lớn,... Trong nghiên cứu, công cụ này có thể hỗ trợ trong việc khai thác dữ liệu, xử lý dữ liệu và mô hình hoá cũng như vấn đề trực quan hóa dữ liệu. 
 

PGS.TS. Hoàng Thị Hồng Hà tìm thấy sự thú vị trong việc kết hợp liên ngành khi nghiên cứu truyền thông
 
Phần chia sẻ về “Interdisciplinary studies in communication” của PGS.TS. Hoàng Thị Hồng Hà tập trung nhấn mạnh vào việc kết hợp nghiên cứu liên ngành trong truyền thông. Hai điểm cô chú ý khi thực hiện theo xu hướng này là nhận thức về không gian của mỗi loại đề tài và tìm điểm giao nhau của các đề tài đó. Bốn yếu tố khác góp phần nâng cao giá trị bài nghiên cứu là học thuyết truyền thông, lịch sử truyền thông, nghệ thuật kể chuyện và khía cạnh xã hội. 
 




Giảng viên tham gia trao đổi sôi nổi 
 
Những nội dung chia sẻ của các giảng viên đã mở ra thêm góc nhìn, xu hướng mới để sinh viên tiếp cận khi bắt tay vào nghiên cứu ở lĩnh vực truyền thông. Câu chuyện về truyền thông nên được bắt kịp theo các hướng đi hiện đại để có những đề tài hấp dẫn, đáp ứng xu thế. Hy vọng buổi seminar sẽ truyền thêm động lực để các bạn sinh viên tích cực hưởng ứng và cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu khoa học chất lượng. 
 
Quy Nguyễn
Ảnh: Thái Sơn
TIN LIÊN QUAN