Hành trang nghề nghiệp

10 Kỹ Năng Làm Việc Chuyên Nghiệp Giúp Sinh Viên Có Kì Thực Tập Tốt

23/11/2015

Khoảng thời gian thực tập sẽ là tiền đề để các bạn làm quen dần với môi trường doanh nghiệp và cảm thấy tự tin hơn để ứng tuyển vào các vị trí công việc mà bạn mong muốn sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, một số bạn lại cho rằng họ không cảm thấy kì thực tập của mình có bất kì một lợi ích nào và chẳng học được bất kì điều gì từ công việc đó. Bạn có đồng ý với lời chia sẻ này không???
Nếu có, bạn hãy xác định lại mục tiêu khi đi thực tập của mình nhé! Hoặc là bạn chỉ đi thực tập cho “có”, hoặc là do bạn chưa chủ động để học hỏi trong quá trình thực tập đấy?? 10 Kỹ năng làm việc chuyên nghiệp sau đây sẽ giúp kì thực tập của các bạn trở nên có giá trị hơn.
1. Biết được khoảng thời gian nào bạn có thể làm việc hiệu quả nhất
Biết được khoảng thời gian nào trong ngày não bộ bạn hoạt động với tần suất nhanh nhất với kết quả công việc trở nên trơn tru nhất, từ đó phân bổ thời gian làm việc trong ngày phù hợp với độ khó công việc. Như vậy, công việc bạn được giao vẫn sẽ luôn trôi chảy và bạn cũng chẳng cần tốn nhiều sức để tập trung làm việc xuyên suốt cả một ngày dài. Chẳng hạn, nếu bạn thuộc tuýp người làm việc tốt vào buổi sáng, hãy tập trung những công việc đòi hỏi nhiều trí não vào thời gian này, tránh hiện tượng bắt đầu một ngày mới bằng một tách cà phê nhàn hạ cùng những tờ báo mạng lá cải để rồi phải chạy vắt chân lên cổ hục hơi suốt buổi chiều hôm đó, khi đầu óc đã thấm mệt vì những công việc không đáng.
 2. Kỹ năng làm việc nhóm
Làm việc nhóm là một kỹ năng thực sự cần thiết không chỉ trong thực tập mà còn trong công việc chính thức sau này của bạn. Nó cho thấy khả năng hợp tác cũng như hỗ trợ ăn ý giữa các thành viên trong nhóm chỉ vì một mục đích chính cuối cùng: hoàn thành tốt công việc trong thời gian ngắn nhất. Để làm việc nhóm một cách tối ưu, đừng ngần ngại chia sẻ ý kiến của bạn cũng như đặt câu hỏi khi có bất kỳ thắc mắc nào cần giải đáp với các thành viên còn lại. Các nhà tuyển dụng đặc biệt là các công ty nước ngoài rất quan tâm đến kỹ năng làm việc theo nhóm của ứng viên khi họ muốn tuyển dụng nhân viên mới. Đây là một điểm yếu của người Việt nam, rất nhiều bạn sinh viên tốt nghiệp loại khá, loại giỏi nhưng khi phỏng vấn tìm việc làm vẫn rớt hoặc được đánh giá thấp về kỹ năng này.
 3. Kỹ năng giao tiếp chuyên nghiệp
Khác với môi trường Đại học trước đây mà bạn đã từng quen, việc trao đổi công việc tại nơi làm việc thường được diễn ra qua email hoặc hệ thống chat nội bộ. Việc trao đổi công việc hoặc gửi tài liệu công việc qua email cũng cần thể hiện sự tôn trọng nhau trong từng câu chữ chứ không còn đơn thuần là gửi tài liệu hoặc trao đổi như thời còn học ở Đại học trước đây.
 4. Kỹ năng ứng phó với cảm xúc căng thẳng
Tương tự những công việc chính thức khác, công việc thực tập đôi khi cũng yêu cầu bạn làm việc như một nhân viên chính thức. Điều này đôi khi sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, chán nản, thậm chí chỉ muốn nghỉ việc ngay lập tức chỉ để muốn có thật nhiều thời gian nghỉ ngơi cho riêng mình. Hoặc do những lý do khác như áp lực thi cử, do quan hệ trong gia đình, quan hệ ở trường học, quan hệ ngoài xã hội cũng sẽ làm bạn trở nên căng thẳng. Chính vì thế kĩ năng ứng phó với cảm xúc căng thẳng là vô cùng cần thiết.
Thích nghi với sự căng thẳng sẽ giúp sinh viên có suy nghĩ tích cực dù khó khăn, dần biến sự căng thẳng thành một động lực tích cực. Làm được điều đó, sự căng thẳng trong giao tiếp giữa công việc và quan hệ xã hội sẽ không còn, cuộc sống của bạn sẽ luôn tươi mới.
 5. Kỹ năng tư duy phân tích
Trong suốt thời gian thực tập, bạn sẽ có nhiều cơ hội được vận dụng khả năng tư duy, phân tích của mình. Kỹ năng này thực sự rất quan trọng bởi chắc chắn không một nhà tuyển dụng nào lại muốn tuyển một nhân viên lúc nào cũng chỉ biết làm theo người khác mà thực sự không biết mình đang làm gì và tại sao mình lại làm như vậy. Việc thực hành khả năng tư duy phân tích thời gian đầu sẽ khá khô khan và không dễ dàng một chút nào. Tuy nhiên, đây là một nhân tố vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến sự thành bại của bạn trong tương lai, vì thế hãy cố gắng quen dần với nó và biến nó thành một thói quen bản năng của riêng mình bạn nhé.
 6. Kỹ năng tự quản lý bản thân
Thực tập không có nghĩa những người tại đó sẽ luôn kề vai sát cánh bên bạn mọi lúc mọi nơi. Thông thường, sau khi hướng dẫn bạn thực hành một công việc nào đó, người hướng dẫn sẽ giao cho bạn một ít công việc rồi quay về làm việc của mình. Khoảng thời gian này sẽ là dịp minh chứng rõ nhất về khả năng tự quản lý bản thân của bạn bởi bạn có ngồi chơi chậm rãi thực hiện hay cố gắng làm mọi thứ để hoàn thành nhiệm vụ được giao cũng không ai quan sát. Điều mà người hướng dẫn quan tâm đơn giản là mức độ hoàn thành và thời gian thực hiện của bạn trong bao lâu. Vì thế, hãy cố gắng tự quản lý bản thân thật tốt để dù không có ai quan sát bạn vẫn đảm bảo công việc chạy kịp tiến độ được giao.
 7. Kỹ năng quản lý công việc
Sẽ có lúc bạn sẽ cảm thấy vô cùng mệt mỏi vì một núi việc ngày nào cũng hiện ra trước mắt bạn. Điều đầu tiên cần làm lúc này đó là: đừng hoảng loạn. Hãy bình tĩnh, hít thật sâu vào, có thể uống một cốc nước nhằm thư giãn tinh thần nếu bạn muốn. Tiếp đến, hãy liệt kê ra giấy tất cả công việc cần làm trong ngày hôm đó, sắp xếp theo thứ tự độ quan trọng giảm dần và bắt đầu thực hiện từng việc một. Một cách sắp xếp hợp lý luôn là: cố gắng thực hiện những công việc đòi hỏi tính tư duy cao trước hết, sau đó mới đến những công việc “xả stress” như photo hồ sơ, trả lời email, …
 8. Biết lắng nghe và học hỏi từ những lời phê bình của người khác
Rất khó để tiếp thu những lời phê bình từ người khác, dù đó là những lời phê mang tính xây dựng. Nhưng đây là một kĩ năng vô cùng quan trọng trong quá trình học tập cũng như nghề nghiệp của sinh viên. Việc giữ thái độ bình tĩnh và có thái độ ứng xử phù hợp trước những lời phê bình là vô cùng cần thiết, nó phản ánh thái độ cầu thị của một sinh viên. Nhiều trường hợp, nhà tuyển dụng cố tình phê bình, nếu bạn không tỉnh táo sẽ mắc lừa họ.
Hầu hết các nghiên cứu chỉ ra rằng một người bình thường chỉ nhớ được khoảng 25% đến 50% những gì họ nghe thấy. Vì thế để tăng chỉ số này bạn cần phải học cách lắng nghe và học hỏi từ những lời nói của những người đối diện.
9. Kỹ năng làm việc tốt với thử thách, áp lực
Bạn có chịu được những thử thách áp lực đi kèm với các thời hạn và các tình huống khủng hoảng? Bạn có thể làm việc tốt nhất trong tình trạng áp lực không? Đã gọi là thử thách áp lực thì sẽ có lúc không hề dễ dàng để thực hiện nó. Đôi khi, bạn sẽ không thể vượt qua hoặc cần sự hỗ trợ từ những người xung quanh. Không những thế, chuyện phải làm việc với thử thách áp lực nhiều đôi khi cũng khiến bạn hoạt động quá sức, trở nên căng thẳng. Đừng nản lòng, cũng như đừng ngần ngại hỏi nhờ sự giúp đỡ từ những người đi trước. Hãy cố gắng lấy lại phong độ và trở lại đường đua nhanh nhất có thể bởi căng thẳng về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất làm việc của bạn đấy!
 10. Nói trước công chúng
Nếu bạn không thể trình bày ý tưởng tốt, bạn sẽ gặp khó khăn khi tham gia các hoạt động của công ty. Rất nhiều sinh viên mới ra trường không được trang bị tốt kỹ năng nói trước công chúng. Vì thế họ không thể làm tốt việc giới thiệu công ty qua điện thoại hoặc khi mặt đối mặt với đối tác tại các sự kiện giao lưu, hội họp…
Để khắc phục, bạn có thể tham gia các hoạt động tình nguyện mà tại đó, bạn có thể thực hành kỹ năng nói trước các thành viên. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham dự các cuộc họp và cho ý kiến. Hãy nghĩ đến điều quan trọng nhất mà bạn muốn truyền tải đến người nghe và diễn đạt thành lời.

Nguồn: Sưu tầm

TIN LIÊN QUAN