Hành trang nghề nghiệp

Cùng chuyên gia trả lời câu hỏi “Sốc văn hóa doanh nghiệp, làm sao để vượt qua?"

08/02/2023
Tiếp nối chuỗi workshop, talkshow của tuần lễ chuẩn bị hành trang "Từ giảng đường đến khởi nghiệp" - ​​Internship Orientation 2023, sáng nay - 7/2, Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp UEF phối hợp với Khoa Kinh tế tổ chức buổi Talkshow “Sốc văn hóa doanh nghiệp, làm sao để vượt qua?”, nhằm giúp các bạn sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế, ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng sớm thích ứng với môi trường mới và giải quyết tâm lý "e ngại" văn hóa doanh nghiệp trong thời gian thực tập thực tế.
Buổi trao đổi có sự tham dự của bà Lê Hoàng Như Uyên - Tổng giám đốc Công ty Vinatrans. Về phía UEF, có sự tham dự của ​​ThS. Nguyễn Thị Kim Loan – Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp, ThS. Tăng Mỹ Hà – Phó Trưởng khoa Kinh tế, ThS. Nguyễn Lê Đông Xuân - Phó Trưởng khoa Kinh tế.
 


Đại diện Ban tổ chức chương trình trao thư, quà cảm ơn cho diễn giả 
 
Rời giảng đường đại học, mỗi bạn sinh viên luôn ấp ủ trong mình nhiều hoài bão. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống, công việc đôi khi lại không như chúng ta tưởng tượng. Vậy cần làm gì để không bị “sốc văn hóa” khi bước chân vào môi trường công sở? Đây là câu hỏi được rất nhiều ứng viên mới ra trường quan tâm. Với bề dày kinh nghiệm của bản thân, bà Lê Hoàng Như Uyên - Tổng giám đốc Công ty Vinatrans đã đưa ra những góp ý, bí quyết để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng cũng như ghi điểm với doanh nghiệp trong thời gian thực tập tại công ty, giảm nhẹ nỗi lo âu của sinh viên khi làm việc tại môi trường mới.
 

ThS. Tăng Mỹ Hà - Phó Trưởng khoa Kinh tế nhấn mạnh tính cần thiết của workshop 
 
Bắt đầu buổi trao đổi, diễn giả đặt câu hỏi cho các bạn sinh viên về định nghĩa "văn hóa là gì?", "văn hóa doanh nghiệp là như thế nào?", đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa qua các phương tiện truyền thông chính thống của Nhà nước, đều tập trung xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc và doanh nghiệp cũng như vậy. Theo bà Lê Hoàng Như Uyên, văn hóa doanh nghiệp cần phải nhìn bằng nhiều khía cạnh trong đó 2 quan điểm chính là yếu tố bên ngoài qua những đặc trưng hành vi, ứng xử để phân biệt giữa các doanh nghiệp và yếu tố bên trong là những giá trị niềm tin của con người trong doanh nghiệp là tự nguyện hay tuân thủ.
Diễn giả cũng nhận mạnh trong quá trình ứng tuyển, kinh nghiệm là một điểm sáng so với các ứng viên khác nhưng để quyết định chọn lựa lại là qua thái độ và tư tưởng mong muốn được làm việc và đóng góp cho công ty. Xây dựng tư duy từ ban đầu sẽ quyết định bạn có tạo được sự hứng khởi cũng như định hướng được con đường thành công cho bản thân hay không. 
 

Diễn giả giúp sinh viên có những kiến thức bổ ích về vấn đề sốc văn hóa doanh nghiệp và cách giải quyết phù hợp 
 
Một khía cạnh khác trong việc bạn cảm thấy mình có phù hợp với văn hóa doanh nghiệp hay không đó chính là do cảm xúc chiếm phần lớn và 7 yếu tố ảnh hưởng gồm: Môi trường làm việc; Mối quan hệ lãnh đạo và nhân viên; Mối quan hệ giữa đồng nghiệp; Những đãi ngộ và mức thu nhập; Quá trình làm việc được ghi nhận; Được thăng tiến trong công việc; Cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Song, rất khó để đáp ứng được tất cả những yếu tố trên, diễn giả cũng chia sẻ về suy nghĩ “Thần tượng hóa công việc" của các bạn trẻ, khi quá kỳ vọng nhiều vào công việc mà bản thân muốn làm khi chưa có cái nhìn thực tế, từ đó ảnh hưởng đến tinh thần xây dựng, đóng góp cho công việc.
Trong suốt buổi chia sẻ, diễn giả cũng được nhận nhiều câu hỏi trăn trở của sinh viên như: Làm thế nào để lựa chọn được môi trường doanh nghiệp phù hợp với bản thân? Đối với vấn đề này, diễn giả nhận mạnh bạn cần phải tìm hiểu những thế mạnh bên trong mình từ kiến thức cho đến tính cách và tìm hiểu về môi trường làm việc mà bản thân sắp gửi hồ sơ ứng tuyển. Việc tìm hiểu về doanh nghiệp không chỉ giúp bản thân biết bản thân mình có phù hợp hay không mà còn cho nhà tuyển dụng thấy được thái độ nghiêm túc trong công việc.
 

Chương trình hy vọng trong kỳ thực tập sắp tới, UEFers sẽ lựa chọn được môi trường làm việc phù hợp
 
Tôi thà tuyển 1 người giỏi EQ hơn là người giỏi IQ. Bạn bước vào công ty, chúng tôi có thể trang bị cho các bạn về kiến thức, kinh nghiệm để tăng khả năng IQ của bạn, còn về EQ phải do chính bản thân bạn rèn luyện”, bà Lê Hoàng Như Uyên một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của cách ứng xử trong môi trường làm việc doanh nghiệp trước khi khép lại buổi chia sẻ.
​​Thông qua những lời khuyên và chia sẻ của chuyên gia trong sự kiện, sinh viên Nhà UEF sẽ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và hoàn thành thật tốt kỳ thực tập của mình. Chúc cho các bạn sinh viên trong kỳ thực tập sắp tới sẽ lựa chọn cho mình được môi trường làm việc phù hợp, giúp tạo động lực cống hiến cho công ty và tăng giá trị thương hiệu của bản thân.

Quỳnh Anh
Ảnh: Media Team 
TIN LIÊN QUAN