Hành trang nghề nghiệp

Điều gì là quan trọng nhất khi lựa chọn công việc

29/12/2015

Đối đa số bạn trẻ đi làm, yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn công việc là chế độ lương thưởng. Rất nhiều bạn cứ chăm chăm tìm các công việc có lương cao và sẵn sàng nhảy sang chỗ làm mới mặc dù khi được trả mức lương cao hơn có vài triệu đồng. Tôi cũng đã từng đồng tình với tư tưởng đó, tuy nhiên, đến khi được nghe triết lý của anh Phạm Duy Hiều – Nguyên Tổng Giám đốc của Ngân hàng TMCP An Bình trong buổi hội thảo “Đối thoại cùng nhà tuyển dụng” của BTCI thì mới nhận ra mình đã sai lầm như thế nào trong những năm đầu của cuộc đời. Anh Hiếu chia sẻ suốt 16 năm đi làm của anh, chưa một lần nào anh phải đàm phán về lương bổng, lời khuyên đầu tiên của anh Hiếu dành cho các bạn sinh viên là:
1. Hãy xác định mục tiêu ưu tiên
Thay vì xếp mục tiêu hàng đầu là lương bổng thì anh đã ưu tiên đặt hai mục tiêu khác lên trước đó là:
- Sự học hỏi từ công việc này,
- Công việc này giúp mình xây dựng các mối quan hệ như thế nào.
- Mục tiêu về tài chính.
Về sự học hỏi trong công việc: Khi còn bé, ai trong chúng ta cũng đã từng hỏi bố mẹ rằng “Khi nào con không phải học nữa?”, câu trả lời thường gặp là “Khi nào còn học xong đại học”. Tuy nhiên, học xong đại học, tốt nghiệp ra trường mới chỉ là bước khởi đầu cho một chặng đường học tập mới. Với mỗi công việc, chúng ta sẽ học được những kiến thức, kỹ năng nhất định để nâng vị thế của bản thân.
Về việc xây dựng các mối quan hệ: Anh Hiếu chia sẻ, anh luôn coi trọng việc xây dựng và quản lý các mối quan hệ của mình thậm chí còn phải có sự hỗ trợ của Excel. Trong những năm đầu đi làm, trên cuốn card holder của anh chỉ có name card của các nhân viên, chuyên viên. Những năm sau thì lác đác name card của trưởng phòng, phó phòng,… Nhưng hiện nay, trong sổ card của anh có của Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị của các tập đoàn, tổng công ty lớn. “Hiện tại, với những mối quan hệ của mình, tôi tin rằng mình sẽ không bao giờ thất nghiệp” anh Hiếu khẳng định.
Về mục tiêu tài chính. Cách chinh phục mục tiêu tài chính của anh cũng rất khác biệt. Khi còn làm chuyên viên ở Vietcombank, anh Hiếu cũng bị giao các chỉ tiêu về huy động, về dư nợ,… Anh cũng đi bán hàng như bao người khác, đầu tiên là những người thân trong gia đình và các mối quan hệ của gia đình tuy nhiên câu trả lời thường nhận được là “Hiện tại anh chưa có nhu cầu, khi nào cần anh nhất định sẽ gọi em”. Ngay cả khi anh gọi điện liên lạc lại thì rất hay nhận được câu trả lời “Anh đang họp”, cảm giác như cuộc họp này kéo dài nhiều tuần lễ vậy. Cách làm này thực sự không hiệu quả, vì vậy, anh đã thay đổi hoàn toàn cách thức làm việc. Từ chỗ đi xin người ta dùng sản phẩm của mình, anh trở thành người giúp đỡ người khác giải quyết các rắc rối của họ. Mỗi khi gặp một người, anh luôn hỏi hiện giờ công ty anh có khó khăn gì không? Nếu câu trả lời là không thì hãy vui mừng bắt tay chúc mừng họ, và nói với họ rằng bất cứ khi nào anh gặp khó khăn, kể cả nửa đêm gà gáy, anh cứ gọi điện cho em. Với sự chuyển đổi từ vị thế người đi xin sang vị thế người đi cho, anh đã giúp đỡ được rất nhiều khách hàng của mình. Anh cũng là người giúp Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng An Bình giải quyết được rất nhiều vấn đề nên đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở giao dịch, Phó Tổng giám đốc phụ trách thu hồi nợ xấu và cuối cùng là Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình.
Tóm lại, bạn sẽ đạt được mục tiêu tài chính nếu bạn giải quyết được các vấn đề cho người khác.


"Ông Phạm Duy Hiếu - Nguyên TGĐ Ngân hàng TMCP An Bình trong buổi hội thảo Đối thoại cùng nhà tuyển dụng"
2. Những bước hành động cụ thể
Khi đã xác định được mục tiêu của mình, điều quan trọng là bạn phải hành động. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chúng ta thực hiện khoảng 175 hành động một ngày nhưng trong đó 170 hành động không tạo ra giá trị, chỉ có 5 hành động tạo ra giá trị mà thôi. Vì vậy, ai cũng chỉ có 24 tiếng, chúng ta cần dùng để làm các công việc như sau:
- Học tập
- Suy nghĩ
- Xây dựng các mối quan hệ
- Xây dựng đội ngũ
- Tập thể dục và chăm sóc sức khỏe bản thân.
Để làm được tất cả các điều này, cần một sự kỷ luật và tự giác cao độ trong mỗi người.
3. Liệu có phải ai cũng áp dụng được triết lý sống này?
Có bạn đã hỏi rằng, liệu những điều anh chia sẻ chỉ phù hợp với những người không vướng bận về vấn đề tiền bạc. Những người đang bị cuốn vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền hằng ngày liệu có áp dụng được những triết lý này hay không. Trong chuyện này không có gì mâu thuẫn cả, đây là chìa khóa giải quyết vấn đề để bạn có thể thoát ra khỏi vòng xoáy cơm áo gạo tiền kia. Anh Hiếu cũng chia sẻ thêm 3 điều cần nhớ khi áp dụng triết lý này
- Nếu bạn làm việc nhiều hơn mức lương công ty chi trả cho bạn, phần chênh lệch đó là bạn đang đầu tư cho tương lai.
- Bạn sẽ có tất cả những điều bạn muốn khi bạn giúp người khác đạt được những gì họ mong muốn. Điều này giống như nguyên tắc của ông chủ Tập đoàn Alibaba của Trung Quốc, ở đâu có sự phàn nàn, ở đó có cơ hội.
- Hãy quản lý tài chính cá nhân cho thật tốt. Về vấn đề này, chị Trần Thị Bảo Quế - Giám đốc khối Tổ chức nhân sự MB Bank cũng bổ sung: Các bạn hãy nhớ lại những năm tháng học đại học, bố mẹ chỉ cho các bạn 2 triệu đồng chi tiêu, các bạn học hành vất vả lắm mới được một suất học bổng của trường trị giá 1.8 triệu/ kỳ, nhưng lúc đó với các bạn đã là một điều tuyệt với. Tuy nhiên, khi ra trường, với mức lương khoảng 8 triệu/ tháng thì luôn kêu than là lương thấp (mặc dù đã gấp đôi mức thu nhập thời đại học). Trong tình huống này, các bạn nên xem lại cách thức quản lý tài chính cá nhân của mình. Nếu lương bạn là 8 triệu thì đừng 1 tuần đi xem phim 2 lần, đừng ngày nào cũng ăn cơm bên ngoài rồi lang thang café, mua sắm,….
Hãy biết sống một cách kỷ luật với các khoản chi tiêu của mình. 

(Kiều Việt Hùng)

 

TIN LIÊN QUAN