Hành trang nghề nghiệp

Trả Lời Phỏng Vấn “Người Ghét Bạn Nhất Sẽ Nói Gì Về Bạn?”

28/12/2015

Câu hỏi nghe cực kì đánh đố và đầy thách thức từ phía nhà tuyển dụng phải không nào.
Đừng nghĩ nó quá khó và lạ lùng nên bạn sẽ không gặp phải tại một buổi phỏng vấn nào đó trong tương lai. Bạn biết đấy, nhà tuyển dụng của chúng ta rất tinh tường, và đôi khi những câu hỏi tưởng chừng như chỉ mang tính chất trò chuyện ấy lại là cách họ xem xét sự phù hợp của bạn với môi trường, vị trí và văn hóa doanh nghiệp.
Trước khi trả lời câu hỏi này, có một điểm chúng ta cần làm rõ. Tại sao nhà tuyển dụng lại đặt ra câu hỏi này? Ẩn ý đằng sau nó là gì?
Thật ra câu hỏi này là một dạng khác của câu “ Điểm yếu của bạn là gì ?”. Cái nhà tuyển dụng cần biết là sự trung thực của bạn. Bạn sẽ sẵn sàng chia sẻ điểm yếu của mình? Khả năng nhận xét, và hiểu rõ bạn thân của chính bạn? Bạn hiểu mình đến đâu ? Vậy nên đừng trả lời “Không ai ghét tôi cả” hoặc cười một cách cực kì dễ thương “Tôi cũng không biết nữa, chả ai nói với tôi điều đó ”. Hãy suy nghĩ thật kỹ và chân thành chia sẻ với nhà tuyển dụng.
Cách trả lời thật thông minh đối với câu hỏi này.
Dĩ nhiên thành thật là điều rất quan trọng, nhưng thành thật bao nhiêu là đủ. Liệu chúng ta có nên kể ra điểm yếu mà mình, ngay lúc này khi bản thân mình vẫn chưa tự giải quyết và cải thiện được nó?
Câu trả lời dĩ nhiên là không. Bạn cần thành thật một cách thật khôn ngoan. Đó là lý do vì sao chúng tôi muốn chia sẻ bài viết này.
Với câu hỏi “ Điểm yếu của bạn là gì? ” hay “Người ghét bạn nhất thế giới sẽ nói gì về bạn?” chúng ta cần phải thật thông minh và cẩn thận.
Có hai cách để trả lời câu hỏi này.
– Thứ nhất hãy liệt kê một điểm yếu không ảnh hưởng đến công việc tương lai của bạn. Như các bài viết trên mạng thường chia sẻ “ Tôi là một người rất cầu toàn, và nhiều lúc nó khiến đồng nghiệp và thành viên trong nhóm cảm thấy khó chịu”. Hay người ta vẫn hay nói “Tôi là một người nghiện công việc và thật khó để tôi có thể cân bằng cuộc sống của mình ” Bạn biết đấy, câu trả lời này đã rất “xưa” rồi và các nhà tuyển dụng của chúng ta đã nghe nó hàng nghìn lần đến phát ngán. Vì vậy hãy nghĩ thật kỹ và kể ra những khuyết điểm đặc biệt và chân thật hơn một chút bạn nhé.
– Cách thứ hai dường như có vẻ dễ hơn. Hãy thật lòng chia sẻ về điểm yếu thật sự của mình. Nhưng đừng quên nói thêm, bạn đã và đang thay đổi nó như thế nào.
Ví dụ nhé: Bạn có thể nói “Điểm yếu của tôi là việc quản lý thời gian. Anh chị biết đấy, là một sinh viên mới ra trường, thật khó để có thể quản lý tốt thời gian của mình. Nhưng tôi biết, đây là một kỹ năng cực kỳ quan trọng cho mọi công việc trong tương lai. Vì vậy tôi đã lập ra một kế hoạch thay đổi cho riêng mình. Trong thời gian ba tháng thực tập tại công ty trước, tôi đã cố gắng hết sức đưa mình vào khuôn khổ. Mỗi buổi sáng, trước khi bắt đầu công việc, tôi liệt kê hết tất cả nhiệm vụ tôi phải hoàn thành trong ngày hôm nay. Tôi cho mỗi công việc một thời gian cụ thể, và đặt chuông báo cho từng hoạt động của mình. Tôi ép bản thân phải thực hiện mọi mục tiêu đã đề ra. Và khi một ngày làm việc kết thúc, cảm giác hoàn thành mục tiêu thật tuyệt vời. Đó là cách tôi đang rèn giũa bản thân mình”
Nếu là một nhà tuyển dụng, bạn nghĩ sao về câu trả lời trên.
– Anh ấy là một người rất trung thực, anh ta sẵn sàng chia sẻ điểm yếu của mình dù biết rất có thể sẽ bị đánh giá thấp.
– Tuy đó là điểm yếu khá quan trọng, nhưng anh ấy có một kế hoạch thay đổi rất cụ thể cho bản thân mình. Và từ những gì anh ấy chia sẻ, rõ ràng anh ta là một người biết cách quản lý thời gian.
Vậy là anh chàng trên đã tận dụng điểm yếu của bản thân và biến nó thành điểm mạnh của mình. Đây là một câu trả lời rất thông minh và chân thật đúng không nào?
Nói tóm lại, với dạng câu hỏi này, hãy luôn nhớ hai điểm quan trọng sau.

  1. Hãy thật lòng chia sẻ điểm yếu của mình. Đừng nói dối, cũng đừng áp dụng mọi thứ bạn đọc trên mạng một cách quá máy móc. Nó sẽ khiến câu trả lời trở nên thật giả tạo và lý thuyết.
  2. Hãy biến điểm yếu thành sức mạnh của bạn bằng cách chỉ ra một cách cụ thể bạn đã và đang thay đổi nó như thế nào. Kế hoạch cụ thể của bạn là gì? Bạn đã làm được những gì? Nó đã giúp bạn thay đổi như thế nào? Và đừng quên sử dụng kế hoạch đó như một vũ khí thể hiện hiểu biết và kiến thức của bạn.

Chúc các bạn thành công!

Theo Việt CV

 

TIN LIÊN QUAN