Sự kiện

​Giúp sinh viên tăng sức “đề kháng” trước thông tin độc hại trên mạng xã hội

09/12/2023
Hiện tượng tin giả, tin độc hại kèm theo những hoạt động với mục đích xấu ngày càng tinh vi trên mạng xã hội, có tính lan rộng với nhiều hệ lụy khó lường. 
Nhằm giúp các bạn sinh viên trở thành người sử dụng mạng xã hội sáng suốt, tránh rơi vào “bẫy thông tin”, sáng 8/12, Nhà trường đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm hữu ích có chủ đề: “Đề kháng” với thông tin độc, hại và lừa đảo qua mạng” cùng các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông từ báo Thanh Niên.
 
Buổi tọa đàm hữu ích dành cho UEFers trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay

Tham dự buổi tọa đàm có lãnh đạo Nhà trường, lãnh đạo HUTECH, lãnh đạo báo Thanh Niên cùng các chuyên gia: TS. Huỳnh Văn Thông - Trưởng Bộ môn Truyền thông, Khoa Báo chí và Truyền thông, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM; ông Nguyễn Bá Diệp - Đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch MoMo; ông Philip Hùng Cao - Phó Tổng Giám đốc công ty CP dịch vụ an ninh mạng VinCSS; bà Nguyễn Thị Như Lan - CEO Bệnh viện thẩm mỹ Nam An và đông đảo các bạn sinh viên.
 
Buổi tọa đàm có sự tham dự của nhiều khách mời và đông đảo sinh viên

Mang đến tham luận “Nhận diện và đề kháng thông tin xấu, độc”, TS. Huỳnh Văn Thông đã làm rõ toàn cảnh về nhận thức của giới trẻ trước các thông tin trong bối cảnh xã hội hiện nay. Bằng việc giải quyết 3 câu hỏi: Tại sao môi trường thông tin trực tuyến lại là cạm bẫy thông tin?Truyền thông trực tuyến số đã tạo ra những gì và gây ra điều gì?Trong xã hội bùng nổ thông tin, làm sao có thể phân biệt được tin sai, tin giả, tin thật?, diễn giả đã giúp sinh viên hiểu rõ và nhận thức được tình trạng rối loạn thông tin - vấn đề nan giải hơn cả phân biệt tin giả, tin thật.
 
 
Môi trường thông tin trực tuyến có thể là một “cạm bẫy”

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Thông, chúng ta đang sống trong thời kỳ rối loạn thông tin, không chỉ là tin giả, tin thật. Thông tin bắt đầu rơi vào tình trạng quá tải. “Người tiêu thụ” dần mất đi kỹ năng, nhận thức để nhận diện một cách đầy đủ, và chính xác. Có thể kiểm chứng 1, 10 hay 100 tin chứ không thể nào xử lý hàng ngàn, hàng triệu tin. Tiến sĩ cũng cung cấp phương pháp định hình các loại thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội và những điều cần lưu ý khi tiếp cận những nguồn tin này. 
Tiếp nối phần chia sẻ của TS. Huỳnh Văn Thông là tham luận với chủ đề “An toàn trên mạng, do bạn, vì bạn” của ông Nguyễn Bá Diệp. Những chia sẻ đầu tiên của ông đã phân tích chi tiết về xu hướng tin giả xuất hiện trong đời sống trong những năm qua. Những tác động tiêu cực của tin giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề kinh tế, tài chính. Hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi khi có sự xuất hiện của AI. Ngoài ra, khách mời đặc biệt này mang đến cho các bạn sinh viên 6 bí quyết để bảo vệ sự an toàn cho tài khoản MoMo và tài khoản ngân hàng.
 
 
Ông Nguyễn Bá Diệp cụ thể hóa phương pháp bảo mật cho tài khoản MoMo

Kết thúc hai chia sẻ đặc sắc và giàu giá trị thực tiễn, tọa đàm bước vào phần trao đổi về cách nhận biết, phòng chống thông tin độc hại qua mạng xã hội. Phiên thảo luận nhấn mạnh và chỉ ra các chiêu trò lừa đảo hiện nay. 
Người dùng phải tỉnh táo trong mọi tình huống. Các đường dẫn độc hại hay các mã độc cần được kiểm tra kỹ độ uy tín trước khi cung cấp bất cứ quyền truy cập nào, ông Philip Hùng Cao cho biết. Ở ngành thẩm mỹ của bà Như Lan cũng phải đối diện với không ít tin đồn thất thiệt, khách mời cũng lưu ý đến các bạn trẻ cách chọn lọc thông tin, tốt nhất nên tự thân trải nghiệm, đừng nghe người này nói hay người kia mách bảo. 
 
Phiên thảo luận sôi nổi của các khách mời
 
Đại diện Báo Thanh Niên và VinCSS trao hoa, quà cảm ơn cho UEF

Trước xu hướng rối loạn về mặt thông tin và cách tiếp cận đa chiều hiện nay của giới trẻ, để trang bị cho các bạn tính an toàn và chính xác, tọa đàm đã mang đến nhiều thông tin hữu ích giúp các bạn sinh viên tích lũy được nhiều kỹ năng mới trong việc nhận diện và đối phó với những tin tức xấu, độc hại.
 
Tấn Phát
Ảnh: Khắc Tuấn
TIN LIÊN QUAN