Hướng dẫn sinh viên

Vận Dụng Social Media Để Thu Hút Nhà Tuyển Dụng

27/11/2020
Truyền thông xã hội (Social Media) không còn là khái niệm quá xa lạ trong bối cảnh xã hội hiện đại. Tất cả mọi người sẽ đồng ý rằng nó tạo ra tác động cực lớn về mặt thông tin và nhận thức các sự kiện đang diễn ra mỗi ngày. Một bức ảnh “kể” ra câu chuyện về thái độ kỳ thị của nhân viên trong một nhà hàng thức ăn nhanh được đăng lên mạng, ngay lập tức sẽ được phát tán liên tục với vô vàn lời bình phẩm và phản ứng từ cộng đồng. Bạn hãy hình dung hậu quả mà nhà hàng và nhân viên đó nhận lại? Đó là sức mạnh không cần bàn cãi của Social Media.
 



Vậy ở một góc độ khác, hãy tự hỏi Social Media làm được gì cho các ứng viên trong hành trình tìm việc không nhỉ? Chắc chắn là có, chỉ cần bạn làm đúng cách. Hãy tham khảo gợi ý một số việc nên làm từ những ứng viên đã tiên phong tìm hiểu và tận dụng lợi ích của Social Media vào thu hút sự chú ý của các nhà tuyển dụng tiềm năng bạn nhé!
1. Cập nhật hồ sơ của bạn trên các mạng xã hội:
Dù có thích hay không, mạng xã hội chính là một phần mở rộng cho thương hiệu cá nhân của bạn. Bạn có biết rằng 60% nhà tuyển dụng đã tìm kiếm ứng viên bằng cách xem xét các profile mạng xã hội? Vì thế, hãy làm đẹp Facebook, LinkedIn cá nhân của bạn. Thêm các thông tin về kỹ năng và các lời đánh giá hoặc đề cử tốt vào trang cá nhân chuyên nghiệp của mình, đồng thời đảm bảo rằng bạn đã tận dụng tốt nhất có thể những từ khoá để profile của mình có thể được tìm thấy.
2. Sử dụng đa phương tiện (multimedia) để bổ sung cho resume:
Trong khi một số người tìm việc đã đi đến mức độ “bộc phát” với hành động tự quảng cáo bản thân bằng cách sử dụng công cụ AdWords của Facebook hoặc Google, bạn nên nhớ rằng “kịch tính” quá không phải lúc nào cũng cần thiết và hiệu quả để thu hút sự chú ý. Hãy cân nhắc về việc tạo ra một hồ sơ năng lực (portfolio) trực tuyến để giới thiệu kinh nghiệm chuyên môn, tạo video để thể hiện kỹ năng, dùng những ứng dụng nhắn tin hình ảnh (ví dụ Snapchat) như là kênh tiếp thị sự độc đáo của bản thân hoặc tận dụng cả những phương thức phi truyền thống khác nữa để cho nhà tuyển dụng biết được sức mạnh và tiềm năng của bạn.
3. Lập chiến lược kết nối:
Bên cạnh việc giữ kết nối với anh A, chị B mà bạn vừa làm quen được tại buổi networking tham dự tuần trước, hãy chủ động và tìm kiếm thêm các chuyên gia trong lĩnh vực của mình nữa nhé! Đừng e ngại việc hỏi xin lời tư vấn, các chuyên gia hầu như lúc nào cũng bận rộn nhưng sự thực họ rất sẵn lòng giúp đỡ. Bên cạnh đó, có thể thiết lập kết nối với những người làm việc tại các công ty mà bạn muốn nộp hồ sơ và liên hệ với họ để được chỉ dẫn rằng nên làm thế nào mới có thể bước chân qua ngưỡng cửa mơ ước đó. 
4. Theo dõi tài khoản mạng xã hội của các nhà tuyển dụng yêu thích:
Việc này không chỉ giúp bạn kết nối với công ty mà còn có thể giúp bạn kịp thời nắm bắt những tin tức mới về mặt truyền thông xã hội, để ngay khi có nhu cầu thì nó sẽ là dữ liệu giúp bạn nghiên cứu và xác định xem văn hoá công ty đó có phù hợp với mình hay không. Thông thường, các thương hiệu sẽ có xu hướng xác thực và mang tính thu hút trên truyền thông xã hội hơn so với các kênh khác của công ty, thế nên hãy quan sát để hiểu biết về tính cách thương hiệu và mức độ phù hợp.
5. Tương tác với các fanpage của doanh nghiệp:
Chuyên viên tuyển dụng hoặc Giám đốc nhân sự tại các công ty mơ ước của bạn thường sẽ khó có thể nhận cuộc gọi hoặc trả lời những câu hỏi của bạn một cách nhanh chóng kịp thời được, nhưng bằng cách sử dụng mạng xã hội bạn đã có thêm cơ hội cho những cuộc trao đổi hai chiều đấy. Hãy chia sẻ lại các tin tức, bài viết có liên quan. Bạn không cần phải là chuyên gia hay nhà lý luận nổi bật gì mới có thể đăng bình luận và ý kiến vào Facebook, LinkedIn của họ, chỉ cần có phản hồi chính đáng, quan điểm riêng mang tính xây dựng và thái độ tích cực là ổn.
Vận dụng thêm mạng xã hội để biết thêm về văn hóa doanh nghiệp cũng là một bước cần thiết giúp bạn hiểu thêm về doanh nghiệp cũng như xem thử bản thân có hòa hợp với doanh nghiệp ứng tuyển không.
6. Cá nhân hóa các cuộc trò chuyện:
Những điều bạn khám phá ra được về công ty hoặc nhà tuyển dụng trên internet có thể giúp bạn tạo nên những chủ đề hấp dẫn và ấn tượng khi ngồi lại trò chuyện với họ trong buổi phỏng vấn, thậm chí có ích khi bạn viết thư cảm ơn sau buổi gặp mặt nữa. Tuy nhiên, hãy luôn ghi nhớ rằng có một ranh giới giữa sự nhiệt tình tìm kiếm thông tin chuyên sâu với thái độ tò mò, soi mói đến đáng sợ gây cảm giác làm phiền hay xâm phạm cá nhân bạn nhé!
TIN LIÊN QUAN