Hoạt động sinh viên

Giảng viên UEF chia sẻ, thảo luận nhiều phương pháp giảng dạy thật "slay" trong thời đại mới

15/11/2023
Vào sáng 14/11, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh phối hợp với Chi đoàn Cán bộ - Giảng viên - Nhân viên UEF tổ chức thành công diễn đàn Giảng viên trẻ UEF: Bách khoa điều hay - Dạy sao thật “Slay”. Với nhiều thông tin bổ ích, sự kiện đã tạo ra môi trường giúp các thầy cô trao đổi phương pháp giảng dạy và chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao khả năng đào tạo để từ đó phục vụ công việc của mình tốt hơn. Đây cũng là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tại Nhà UEF. 

Đồng hành và mang đến nhiều kiến thức bổ ích trong sự kiện là những giảng viên trẻ trung, tài năng của Nhà UEF: ThS. Trần Hoàng Nam - Phó Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, ThS. Bùi Thanh Thoại Trân - Giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin, ThS. Nguyễn Đình Tuấn - Phó Trưởng Khoa Tiếng Anh, ThS. Đinh Trần Thúy Vi - Giảng viên Khoa Marketing. Bên cạnh vốn kiến thức sâu rộng, chuyên môn vững vàng, đây còn là những gương mặt được các bạn sinh viên yêu thích bởi những bài giảng ấn tượng và giàu cảm hứng. 

 
Diễn đàn thu hút sự tham gia của đông đảo giảng viên Nhà UEF
 
Tham dự chương trình có: TS. Nhan Cẩm Trí - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Mạch Trần Huy - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh Văn phòng trường, TS. Dương Mỹ Thẩm - Phó Trưởng Khoa Tiếng Anh, TS. Phan Bảo Giang - Trưởng Khoa Marketing, TS. Lý Đan Thanh - Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, TS. Huỳnh Nhựt Nghĩa - Phó Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, ThS. Nguyễn Ngọc Thủy Tiên - Phó Bí thư Đoàn trường, Phó Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, ThS. Trần Hoàng Nam - Phó Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, ThS. Trần Ngọc Diễm Minh - Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên, đồng chí Trần Vĩnh Hoàng - Chủ tịch Hội Sinh viên UEF, đồng chí Lưu Thị Thu Liễu - Ủy viên Ban thường vụ Đoàn trường UEF, Bí thư Liên Chi đoàn khoa Quản trị Kinh doanh nhiệm kỳ 2023-2024.

 
Đại diện UEF trao thư cảm ơn đến các diễn giả
 
Phát biểu mở đầu chương trình, TS. Nhan Cẩm Trí nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi và nâng cấp chương trình giảng dạy của giảng viên. Thầy cho biết: “Trong thời buổi hiện đại, các thầy cô trẻ sẽ có nhiều ưu thế về mặt tiếp cận công nghệ và những xu thế mới. Chính vì thế, tôi hy vọng rằng buổi diễn đàn này sẽ là cơ hội để các giảng viên học tập, trau dồi kinh nghiệm lẫn nhau, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại Nhà trường”.

 
TS. Nhan Cẩm Trí nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cập nhật các phương pháp giảng dạy mới
 
Mở đầu chương trình, ThS. Trần Hoàng Nam đã có phần trình bày ấn tượng với chủ đề “Sử dụng Trello để quản lý các dự án học tập nhóm”. 
Cụ thể, diễn giả cho biết Trello là một phần mềm quản lý công việc theo các phương pháp logic và đảm bảo tính hiệu quả. Nhờ công cụ này, mỗi cá nhân có thể quản lý nhiệm vụ của chính mình, hạn chế việc thiếu sót song song với việc quản lý công việc theo nhóm, giúp các thành viên dễ dàng kiểm soát và theo dõi tiến độ của nhau. Điều này trở nên quan trọng khi đặt trong bối cảnh hiện nay, mỗi người phải thực hiện rất nhiều đầu việc và việc sắp xếp chúng một cách có hệ thống là rất cần thiết. 

Thông qua việc mượn câu chuyện tổ chức và quản lý nhân sự trong sự kiện bằng Trello, thầy Trần Hoàng Nam đã làm nổi bật tính năng cũng như tầm quan trọng của công cụ này. Đặc biệt, theo một thống kê đã cho thấy rằng sau quá trình trải nghiệm, hơn 80% người dùng đã hoàn thành các dự án nhanh hơn, tăng năng suất và chất lượng công việc. 

 
ThS. Trần Hoàng Nam chia sẻ các bí quyết để quản lý công việc cá nhân và nhóm bằng Trello
 
Những nghiên cứu đã chỉ ra rằng khả năng tiếp thu của con người không chỉ phụ thuộc vào việc nghe mà còn là quá trình đọc để đưa thông tin vào vùng ghi nhớ của não bộ. Đó cũng là lý do mà tại diễn đàn, với chủ đề “Slide chất - Cất túi”, ThS. Bùi Thanh Thoại Trân đã chia sẻ những bí quyết giúp các thầy cô có thể tạo ra những slide bài giảng ấn tượng.

Bằng việc sử dụng Canva là công cụ chính để hướng dẫn, cô Bùi Thanh Thoại Trân đã phân tích chi tiết điểm mạnh, yếu và cách sử dụng của từng chức năng riêng biệt. Theo cô, Canva được xem là một trong những trang web có hệ điều hành đơn giản, dễ sử dụng mà vẫn có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng và thu hút. Trong từng quy trình đều được diễn giả cụ thể hóa bằng những minh họa gần gũi, dễ hiểu nhằm giúp các giảng viên sớm chinh phục và áp dụng được công cụ hữu hiệu này.

 
ThS. Bùi Thanh Thoại Trân chia sẻ phương pháp để tạo nên một slide bài giảng ấn tượng bằng Canva
  
Với chủ đề “Nâng cao động lực học tập của sinh viên học ngoại ngữ”, ThS. Nguyễn Đình Tuấn đã mang đến những bí quyết thiết thực để truyền cảm hứng trong việc trau dồi tri thức ở sinh viên. 
Theo thầy, đối với mỗi người học ngoại ngữ, động lực học tập có thể chia thành động lực hòa nhập, động lực công cụ, động lực bên trong, động lực bên ngoài. Mỗi loại động lực sẽ có các yếu tố tác động khác nhau, và nhiệm vụ của người giảng viên là phải khai thác, thúc đẩy sinh viên hiện thực hóa nó thành những hành động cụ thể. 

Trong đó, với kinh nghiệm thực tiễn của mình, ThS. Nguyễn Đình Tuấn cho biết 3 yếu tố có thể tạo cảm hứng học tập nói chung và tiếng Anh nói riêng ở các sinh viên là: Lấy người học làm trung tâm, ứng dụng công nghệ và cuối cùng là nâng cấp bản thân. Ở mỗi phương pháp đều cần sự hợp tác hỗ trợ tối đa của giảng viên, tạo ra môi trường thích hợp để người học khám phá và phát huy những thế mạnh của mình. Trong đó, với phương pháp “nâng cấp bản thân”, diễn giả khẳng định giảng viên phải trở thành một tấm gương tiêu biểu để các bạn UEFers noi theo và nỗ lực phấn đấu.   

 
Nhiều phương pháp truyền cảm hứng học ngoại ngữ cho UEFers đã được ThS. Nguyễn Đình Tuấn chia sẻ
 
“Storytelling cần đáp ứng được mục tiêu giáo dục, giáo dưỡng và marketing”. Đây là nhận định của ThS. Đinh Trần Thúy Vi khi bàn về vai trò của phương pháp này. Theo đó, khép lại diễn đàn với chủ đề “Vận dụng Storytelling như một phương pháp giảng dạy”, diễn giả đã mở ra một phương thức truyền tải kiến thức hữu hiệu trong thời đại mới. 

Với kiến thức đa dạng của mình, ThS. Đinh Trần Thúy Vi có những chia sẻ xoay quanh khái niệm “storytelling” thông qua các nội dung như: định nghĩa, lợi ích của phương pháp trong giảng dạy, mô hình năm giai đoạn học tập phản chiếu thông qua storytelling và cách vận dụng. Trong đó, cô nhấn mạnh rằng storytelling không chỉ đơn thuần là chia sẻ kinh nghiệm và trải nghiệm. Phương pháp này chỉ thật sự hiệu quả khi người giảng viên truyền tải được câu chuyện với nội dung gắn với bài học.    

 
“Vận dụng Storytelling như một phương pháp giảng dạy” là chủ đề khép lại diễn đàn
  
Trong các phần trình bày của mình, bên cạnh cung cấp nhiều thông tin mới mẻ, các diễn giả cũng tích cực thị phạm quy trình thực hiện cũng như chia sẻ trải nghiệm cá nhân về những vấn đề được đặt ra. Thông qua việc cởi mở trải lòng về những câu chuyện làm nghề, cả 4 diễn giả đã mang đến cho các giảng viên nhiều góc nhìn cụ thể và đa chiều hơn về công việc “trồng người” của mình. 

Khép lại sự kiện, nhiều thông tin bổ ích về các phương pháp giảng dạy đã được chia sẻ và trao đổi. Hy vọng rằng đây sẽ là nguồn cảm hứng để các giảng viên Nhà UEF tiếp tục thay đổi, phát triển và tạo ra những bài giảng thật “slay” để gửi đến các bạn sinh viên.
 
Trung tâm Thông tin - Truyền thông UEF
TIN LIÊN QUAN