TRUNG TÂM PHÁP LUẬT HOA KỲ
Nghiên cứu - Trao đổi

ÁP DỤNG LUẬT MỀM TẠI VIỆT NAM: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

14/03/2024
Nguyễn Hoàng Nam
Thành viên SEAYLP, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
Học viên Khoa Luật, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, UEH - CELG
 
File PDF: ÁP DỤNG LUẬT MỀM TẠI VIỆT NAM: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC 
Tóm tắt: Về bản chất, luật mềm không phải là luật, do đó không bị hiệu lực pháp lý ràng buộc, mà chỉ mang tính khuyến nghị. Tuy nhiên, sau khi luật mềm được áp dụng rộng rãi trên thực tế sẽ dẫn hình thành quy định tập quán quốc tế hoặc được ghi nhận vào nội dung của các điều ước quốc tế. Luật mềm vừa là cơ hội để bổ sung những lỗ hổng trong quy định còn thiếu sót của pháp luật, thúc đẩy quá trình hội nhập toàn cầu, vừa là thách thức cho các quốc gia trong việc thực thi, vận dụng hài hoà đối với chính sách tố tụng tư pháp. Áp dụng luật mềm trong giải quyết tranh chấp có thể phát triển hơn nữa và trở thành xu hướng áp dụng pháp luật của trọng tài và tòa án Việt Nam trong thời gian tới.
Từ khóa: luật mềm, tòa án, trọng tài.
1. Đặt vấn đề
“Luật mềm” (soft law) là thuật ngữ được sử dụng để chỉ các văn bản hay quy định mà bản chất không phải là luật nhưng có tầm quan trọng trong khuôn khổ phát triển luật pháp quốc tế. Đấy là các văn kiện không ràng buộc như luật mẫu, khuyến nghị, hướng dẫn, quy tắc, tiêu chuẩn, thông lệ, tập quán,… được các quốc gia hay các tổ chức quốc tế đưa ra. Hay nói theo nghĩa rộng, luật mềm là bất kỳ công cụ pháp lý quốc tế nào nằm ngoài các nguồn luật quốc tế truyền thống và chứa đựng các nguyên tắc, chuẩn mực hoặc tiêu chuẩn[1]. Nhìn chung, luật mềm có tính chất bổ sung cho pháp luật quốc gia để “làm cứng các nguyên tắc, quy tắc, hướng dẫn mềm”.
Trên thế giới, ngày càng nhiều các cơ quan tài phán áp dụng luật mềm trong quá trình tố tụng, gián tiếp đặt ra những nhu cầu về công nhận áp dụng luật mềm trong luật pháp quốc gia và xây dựng, hoàn thiện luật mềm ở phạm vi pháp luật quốc tế. Tiêu biểu như các nhà hoạch định chính sách ở Hoa Kỳ có xu hướng ngày càng dựa vào các cơ chế quản trị theo luật mềm để giải quyết các mối quan tâm xung quanh vấn đề công nghệ mới hơn[2]. Tại Việt Nam, luật mềm chưa được công nhận chính thức là một nguồn luật trong việc áp dụng tố tụng tại cơ quan tòa án. Tuy nhiên, việc phát triển và hoàn thiện pháp luật trọng tài thương mại ở Việt Nam nên theo hướng hội nhập hơn[3]. Cơ quan trọng tài thương mại của nước ta, đại diện là cơ quan trọng tài quốc tế Việt Nam trong thực tiễn đã thực thi một số luật mềm trong quá trình tố tụng. Bài viết này sẽ tập trung trả lời 2 câu hỏi: (1) Cơ hội và thách thức khi áp dụng luật mềm? (2) Luật mềm có nên áp dụng tại các cơ quan tài phán Việt Nam hay không?
 
[1] Dinah Shelton (2006). Normative Hierarchy in International Law, pp 319.
[2] Thierer, A. D. (2020). Soft Law in U.S. ICT Sectors: Four Case Studies, pp.79.
[3] Ngô Quốc Chiến và Nguyễn Hoàng Anh (2021). Trọng tài thương mại quốc tế và vấn đề luật áp dụng, tr.29.
TIN LIÊN QUAN