Nghiên cứu - Trao đổi

ĐẢM BẢO BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ BẢO VỆ TRẺ EM TRONG QUAN HỆ LAO ĐỘNG TẠI VIỆT NAM -...

19/05/2025
ĐẢM BẢO BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ BẢO VỆ TRẺ EM TRONG QUAN HỆ LAO ĐỘNG TẠI
VIỆT NAM -
TIẾP CẬN TỪ GÓC ĐỘ CỦA NHỮNG TIÊU CHUẨN LAO ĐỘNG CƠ BẢN TRONG
CÁC CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ LAO ĐỘNG
Nguyễn Đức Trí 1*
1 Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh
 
Bài viết công bố trên Tạp chí Khoa học và Kinh tế phát triển Trường Đại học Nam Cần Thơ, Số 35/2025
 
Tóm tắt: Đảm bảo bình đẳng giới, quy định về chế độ lao động và chính sách xã hội nhằm bảo vệ lao động nữ và lao động chưa thành niên trong đó có trẻ em là một trong những chính sách quan trọng của Nhà nước về Lao động (Quốc hội, 2019)[9]. Bên cạnh đó, trong tiến trình hội nhập, Việt Nam đã phê chuẩn gia nhập các Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) có thể kể đến như: Công ước 100 năm 1952  và 111 năm 1958 về xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp, Công ước 138 năm 1973 và Công ước 182 năm 1999 về xóa bỏ lao động trẻ em…Bài nghiên cứu này sẽ phân tích các nội dung liên quan đến các tiêu chuẩn lao động quốc tế được xem là những quyền cơ bản của người lao động và các tiêu chuẩn lao động trong các công ước cơ bản. Ngoài ra, bài viết sẽ phân tích các thực trạng pháp luật còn tồn tại về tiêu chuẩn lao động trong các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới của hai đối tượng là lao động nữ và trẻ em tại Việt Nam, và đề xuất các kiến nghị phù hợp, nhằm đảm bảo bình đẳng giới và trong quan hệ lao động tại Việt Nam theo các tiêu chuẩn lao động quốc tế.
Từ khoá: bình đẳng giới, không biệt đối xử, tiêu chuẩn lao động quốc tế, phụ nữ, trẻ em.
Abstract: Ensuring gender equality, regulations on labor regimes, and social policies to protect female workers and minor workers, including children, are among the essential policies of the State on Labor. In addition, in the integration process, Vietnam has ratified the Conventions of the International Labor Organization (ILO), including: Convention 100 in 1952 and 111 in 1958 on the elimination of discrimination in employment and occupation, Convention 138 in 1973, and Convention 182 in 1999 on the abolition of child labor... This study will analyze the contents related to international labor standards that are considered fundamental rights of workers. In addition, the article will analyze the existing legal status of labor standards in issues related to gender equality of two subjects: female and child in Vietnam, and proposing appropriate recommendations to ensure gender equality in labor relations in Vietnam according to international labor standards.
Keywords: gender equality, non-discrimination, international labor standards, women, children.
File PDF: ĐẢM BẢO BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ BẢO VỆ TRẺ EM TRONG QUAN HỆ LAO ĐỘNG TẠI VIỆT NAM...
  1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TIÊU CHUẨN LAO ĐỘNG QUỐC TẾ CƠ BẢN TRONG CÁC CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ CHỐNG PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VÀ LAO ĐỘNG TRẺ EM
1.1 Khái quát về tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản và cơ chế thực thi
Năm 1992, Việt Nam chính thức quay trở lại là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Năm 1994, được xem là năm đánh dấu cho sự hợp tác đầu tiên sau lần trở lại với tư cách là thành viên của ILO, thông qua việc ILO hỗ trợ Việt Nam trong công tác hoàn thiện Bộ Luật Lao động trước bối cảnh Việt Nam đang xây dựng các khuôn khổ pháp lý trong tiến trình công cuộc đổi mới và hội nhập (Kim Thanh, 2023) [5]. Năm 1998, tại Geneva, Việt Nam tham gia Hội Nghị Lao động Quốc tế lần thứ 86, tại đây đã thông qua Tuyên bố 1998 về những Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong lao động và cơ chế giám sát thực hiện tuyên bố (Tổ chức Lao động quốc tế [ILO], 1998) [13]. Theo đó, các nước là thành viên của ILO phải có nghĩa vụ tôn trọng và thực hiện các nguyên tắc liên quan đến các quyền cơ bản trong lao động, cho dù các quốc gia thành viên đã phê chuẩn bất kỳ Công ước nào của ILO về các nguyên tắc cơ bản này hay chưa. Cụ thể, Tuyên bố năm 1998 nêu lên các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, bao gồm: i) tự do liên kết, và công nhận một các thực chất quyền thương lượng tập thể; ii) xoá bỏ mọi hình thức lao động cưỡng bức và bắt buộc; iii) xoá bỏ một cách có hiệu quả lao động trẻ em; iv) loại bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp. Như vậy, đối với các nước là thành viên của ILO thì bốn nguyên tắc và quyền cơ bản trên được xem là kim chỉ nam trong quá trình xây dựng quan hệ pháp luật về lao động và việc làm cho dù đã phê chuẩn hoặc chưa phê chuẩn các Công ước quốc tế có liên quan. Các nguyên tắc và quyền cơ bản trên được thể hiện thông qua 8 Công ước quốc tế, được sắp xếp theo bốn cặp Công ước của ILO như sau: Công ước 87 và 98 về quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể; Công ước số 29 và 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức và bắt buộc; Công ước số 138 và 182 về xóa bỏ lao động trẻ em; Công ước số 100 và 111 về xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp. Trên thế giới, các công ước này được đề cập với những tên gọi khác nhau như các nguyên tắc và quyền lao động nền tảng (fundamental rights and principles), các tiêu chuẩn lao động được quốc tế thừa nhận (internationally recognized labour standards), các công ước nhân quyền trong lao động (human rights labour conventions); các tiêu chuẩn lao động cốt lõi (core labour standards) (Cường et al., 2016) [4].
Tính đến năm 2024, Việt Nam đã phê chuẩn 7/8 Công ước cơ bản của ILO, cụ thể là là gần nhất vào năm 2020 Việt Nam phê chuẩn Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Công ước 87 là Công ước mà Việt Nam đang xem xét và chuẩn bị phê chuẩn trong thời gian tới (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, n.d) [2]. Liên quan đến Tuyên bố năm 1998 về quan hệ lao động, tính đến cuối 2023 Việt Nam đã Việt Nam tham gia 19 hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement – FTA) song phương và đa phương trong đó có 16/19 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác trên khắp các Châu lục (Chính phủ, 2023). Trong đó có 2 Hiệp định đề cập đến các nội dung liên quan đến lao động: thứ nhất đó là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership - CPTPP), còn được gọi là CPTPP được ký vào ngày 8/3/2018 có hiệu lực ngày 14/01/2019 đối với Việt Nam; thứ hai đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu EVFTA có hiệu lực ngày 01/8/2020 ( EU -Vietnam Free Trade Agreement EVFTA). CPTPP và EVFTA là hai Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có quy định nội dung về lao động, nhưng không đưa ra tiêu chuẩn riêng mà theo các tiêu chuẩn về lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 về Những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của ILO.
Về cơ chế thực thi, thông qua cơ chế của ILO, theo đó các quốc gia là thành viên ILO, đã phê chuẩn hay chưa phê chuẩn các công ước đều phải thực thi nghiêm túc các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, vì đó là một nội dung bắt buộc được nêu tại Điều 2 của Tuyên bố 1998. Cụ thể  thành viên của ILO phải thúc đẩy, tôn trọng và thực hiện một cách có thiện chí và phù hợp với các nguyên tắc liên quan đến quyền cơ bản trong lao động. Để đảm bảo thực thi cơ chế này, ILO đưa ra ba cách thức thực hiện bao gồm: thứ nhất là Báo cáo đánh giá hằng năm, các nước chưa phê chuẩn đủ các Công ước liên quan đến nguyên tắc và quyền cơ bản trong Tuyên bố 1998 có nghĩa vụ báo cáo những giải pháp mà họ đã triển khai nhằm chứng minh việc đạt được mục tiêu của Tuyên bố. Báo cáo của các quốc gia sẽ được Hội đồng điều hành của ILO thẩm định thông qua nhóm chuyên gia; thứ hai là Báo cáo Toàn cầu được tiến hành bởi Tổng Giám đốc ILO, nội dung báo cáo trình bày tổng quan về thực trạng thực hiện các nguyên tắc và quyền trong Tuyên bố. Thông qua báo cáo này, sẽ cung cấp một cái nhìn khách quan về xu hướng của khu vực và toàn cầu liên quan đến các nội dung trong Tuyên bố 1998 và các lĩnh vực cần được quan tâm; thứ ba là Hợp tác kỹ thuật và dịch vụ tư vấn, cách thức này được ILO thiết kế để giải quyết các vấn đề cụ thể nhằm giúp các Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động đạt được các mục tiêu của Tuyên bố thông qua các hỗ trợ mang tính kỹ thuật về cơ chế quản trị, chính sách địa phương, đẩy mạnh sự hợp tác và hỗ trợ nâng cao kiến thức. (Cường et al., 2016) [4].
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh cơ chế thực thi của ILO, Việt Nam đã và đang tiếp cận các tiêu chuẩn lao động cơ bản theo Tuyên bố ILO năm 1998 thông qua hai cơ chế sau: thứ nhất, ở cấp độ doanh nghiệp, cụ thể là những doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu, phải chứng minh sự tuân thủ và thúc đẩy thực hiện bốn tiêu chuẩn lao động cơ bản. Việc đáp ứng các tiêu chuẩn này không chỉ là yêu cầu bắt buộc mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế; thứ hai, thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), việc lồng ghép bốn tiêu chuẩn lao động cơ bản vào các FTA đang trở thành xu hướng toàn cầu. Việt Nam đã cam kết thực hiện các tiêu chuẩn này trong các hiệp định thương mại quan trọng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Những cam kết này không đặt ra các tiêu chuẩn lao động mới mà yêu cầu nghiêm ngặt đối với việc thực thi các tiêu chuẩn lao động cơ bản, góp phần thúc đẩy môi trường lao động bền vững và phù hợp với thông lệ quốc tế. (Cường et al., 2016) [4].
Như vậy các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản được hiểu là các Tuyên bố về những nguyên tắc và Quyền cơ bản trong lao động được ILO thông qua vào năm 1998 tại Thuỵ Sĩ gọi tắt là Tuyên bố 1998, và được thể hiện trong 8 Công ước cơ bản của ILO và được thực thi theo các cơ chế nêu trên.
TIN LIÊN QUAN