TS Mai Thị Cẩm Tú,
Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM
Email: tumtc@uel.edu.vn
Bài viết đã được đăng tại tạp chí Phát triển & Hội nhập Số 49 (59) - Tháng 11 - 12/201
Tóm tắt (Summary or Abstract)
Cán cân thương mại là một trong những cân đối vĩ mô quan trọng và có tác động mạnh cán cân thanh toán quốc tế và tổng thể nền kinh tế quốc gia. Bài viết tập trung phân tích các nhân tố cốt lõi tác động đến cán cân thương mại song phương của Việt Nam với 13 quốc gia đối tác thương mại. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu bảng hỗn hợp (panel data) của 13 quốc gia có tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam trong suốt giai đoạn 2001 – 2018, sử dụng các kỹ thuật ước lượng hồi quy trên số liệu bảng bao gồm hồi quy số liệu gộp (Pooled Regression), FEM, REM, FGLS, các kiểm định Chow, kiểm định Hausman cũng được thực hiện để lựa chọn phương pháp ước lượng phù hợp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam, tỷ giá hối đoái thực song phương, độ mở thương mại, quy mô kinh tế, mức thu nhập và độ sâu tài chính có tác động đến cán cân thương mại song phương. Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số kiến nghị để cải thiện cán cân thương mại song phương của Việt Nam trong thời gian tới.
Từ khóa (Keywords): Cán cân thương mại, tỷ giá hối đoái, xuất khẩu, nhập khẩu, FDI, GVC.
1. Giới thiệu
Là một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, cần thu hút các nguồn lực nước ngoài để tạo tiền đề thúc đẩy phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế trong nước nên cán cân thương mại có thể thâm hụt trong thời gian đầu nhưng không thể chấp nhận cán cân thương mại thâm hụt trong một thời gian dài. Nếu cán cân thương mại thâm hụt trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sản lượng trong nước, việc làm và cán cân thanh toán quốc tế.

Biểu đồ 1. Tình hình cán cân thương mại Việt Nam giai đoạn 2001 – 2018
(Nguồn: Tổng cục Hải quan và Niêm giám thống kê xuất nhập khẩu giai đoạn (2001 - 2018)
Nhìn vào Biểu đồ 1 cho thấy, cán cân thương mại của Việt Nam trong gần 20 năm qua thâm hụt liên tục, có nhiều biến động khó đoán và giai đoạn gần đây có sự chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2001- 2011, cán cân thương mại luôn thâm hụt qua các năm, thâm hụt nhiều nhất là giai đoạn 2007- 2011 với giá trị thâm hụt trung bình khoảng 13,5 tỷ USD/năm. Giai đoạn 2012- 2018, cán cân thương mại có chuyển biến tích cực từ cán cân thương mại thâm hụt sang cán cân thương mại thặng dư, tuy nhiên trong giai đoạn này cũng như trong giai đoạn trước, cán cân thương mại luôn biểu hiện sự bất ổn qua các năm.
Cán cân thương mại đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, sự thiếu ổn định, biến động khó đoán của cán cân thương mại Việt Nam qua các năm nên rất cần có nhiều nghiên cứu về cán cân thương mại để có cách nhìn đa chiều, toàn diện hơn để góp phần cải thiện cán cân thương mại Việt Nam. Một số nhà khoa học đã thực hiện các công trình nghiên cứu về cán cân thương mại Việt Nam qua các giai đoạn khác nhau đã có một số đóng góp nhất định về mặt khoa học cũng như ý nghĩa thực tiễn nhằm góp phần cải thiện cán cân thương mại. Qua lược khảo các công trình nghiên cứu, tác giả nhận thấy rằng có ít các công trình nghiên cứu về cán cân thương mại tổng thể của Việt Nam. Phần lớn các nghiên cứu đều đồng tình các nhân tố tác động đến cán cân thương mại Việt Nam trong thời gian qua như: Tỷ giá hối đoái ((Nguyễn Hữu Tuấn, 2011), Nguyễn Khắc Quốc Bảo, 2013), (Lê Hoàng Phong và Đặng Thị Bạch Vân, 2016), (Phạm Thị Nga, 2017), (Đỗ Thị Mỹ Hương và Đặng Thị Xuân Thơm, 2018)); Giá dầu thế giới (Nguyễn Khắc Quốc Bảo, 2013); FDI ((Nguyễn Hữu Tuấn, 2011), (Tô Trung Thành, 2016)); Thu nhập quốc dân thực ((Nguyễn Hữu Tuấn, 2011), (Lê Hoàng Phong và Đặng Thị Bạch Vân, 2016). Tuy nhiên, các nghiên cứu này không đồng nhất về dấu tác động của tỷ giá hối đoái đến cán cân thương mại; và còn nhiều nhân tố tác động đến cán cân thương mại còn bỏ ngỏ. Cán cân thương mại là vấn đề rộng lớn, phức tạp liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của một quốc gia. Do đó, để cải thiện cán cân thương mại cần có sự góp sức của nhiều nhà khoa học, nhiều công trình nghiên cứu nhằm phát hiện thêm các nhân tố mới để thấy rõ hơn bức tranh tổng thể cũng như phân tích một cách tương đối đầy đủ các nhân tố tác động đến cán cân thương mại.
Mục tiêu chính của bài viết này là nhằm phân tích một cách tương đối đầy đủ các nhân tố tác động đến cán cân thương mại song phương Việt Nam với 13 quốc gia đối tác (CCTM) và từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm góp phần cải thiện CCTM trong bối cảnh Việt Nam (VN) ngày càng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, chiến tranh thương mại Trung Quốc – Mỹ và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bài viết có đóng góp nhất định về mặt khoa học đó là phát hiện thêm nhân tố mức độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu VN có tác động đến CCTM song phương VN. Bên cạnh đó, bài viết cũng có đóng góp về mặt thực tiễn đó là phân tích mức độ tác động, thực trạng các nhân tố tác động đến CCTM song phương VN với 13 quốc gia đối tác trong giai đoạn 2001 – 2018 và đề xuất một số kiến nghị cho các nhà hoạch định chính sách nhằm cải thiện CCTM trong bối cảnh mới.
Các phần tiếp theo của bài viết này bao gồm: (2) Cơ sở lý thuyết và đề xuất mô hình nghiên cứu; (3) Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu; (4) Kết quả và thảo luận; (5) Kết luận và một số kiến nghị.
....
File PDF: Phân tích cán cân thương mại song phương Việt Nam và các đối tác thương mại