NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ MÀ VIỆT NAM CẦN CẢI THIỆN ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI
THUẾ ĐỐI ỨNG CỦA HOA KỲ CHO HÀNG NHẬP KHẨU TỪ VIỆT NAM
Nguyễn Phan Phương Tần[1]
Tóm tắt: Động thái công bố sắc lệnh thuế đối ứng toàn cầu của Hoa Kỳ vào ngày 2/4/2025 đã đặt ra những thách thức mới cho hoạt động xuất khẩu Việt Nam. Vấn đề đối với chính phủ Việt Nam không chỉ là cần có những giải pháp ngắn hạn để ứng phó với sắc thuế mới, mà còn là những giải pháp dài hạn để nâng cao năng lực xuất khẩu và xây dựng nền kinh tế bền vững và minh bạch. Bài viết đưa ra các lý giải cho hành động tăng thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ với hàng hóa của Việt Nam, từ đó đưa ra một số đề xuất cho pháp luật nhằm cải thiện thị trường hàng hoá trong nước, đảm bảo quan hệ thương mại lâu dài giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, bao gồm cả Hoa Kỳ.
Từ khoá: thuế đối ứng, thuế quan, rào cản, xuất khẩu hàng hóa.
File PDF:
NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ MÀ VIỆT NAM CẦN CẢI THIỆN ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI THUẾ ĐỐI ỨNG CỦA HOA KỲ CHO HÀNG NHẬP KHẨU TỪ VIỆT NAM
- Lý giải hành động tăng thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ với hàng hoá của Việt Nam
Ngày 2/4/2025 đã trở thành một ngày chao đảo của thị trường toàn cầu khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh thuế đối ứng toàn cầu lên tất cả hàng hóa vào Mỹ, đồng thời nâng mức thuế đối với hơn 60 quốc gia, trong đó Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia bị áp mức thuế cao nhất với 46%(Reuters, 2025).
Chưa có một khái niệm hoàn chỉnh về thuế đối ứng (reciprocal tariffs), tuy nhiên có thể hiểu, dựa trên nguyên tắc “có đi có lại” trong quan hệ quốc tế (principle of reciprocity). Một quốc gia sẽ ban hành và áp dụng một loại thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu từ một quốc gia khác để đáp trả lại chính sách thuế nhập khẩu của nước đó đối với hàng hoá xuất khẩu của mình, hoặc cân bằng lại cán cân thương mại từ sự không công bằng trong chính sách thuế, trợ cấp hoặc các biện pháp thương mại từ một quốc gia khác. Mục đích của việc áp thuế đối ứng chủ yếu là bảo hộ nền kinh tế trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng hóa nhập khẩu của các nước khác.
Đứng dưới góc độ này, Tổng thống Hoa Kỳ đã lý giải cho việc áp thuế hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam lên đến 46% là do Việt Nam đang áp thuế với hàng hoá của Mỹ là 90%. Thực tế, không có hàng hoá nào của Hoa Kỳ đang bị Việt Nam áp thuế lên đến 90%. Hiểu cho đúng, con số này là mức quy đổi ra tỷ lệ phần trăm của tổng hoà nhiều yếu tố liên quan đến rào cản thương mại mà Việt Nam đang áp dụng với hàng hoá của Hoa Kỳ, bao gồm cả hàng rào thuế quan và hàng rào phi thuế quan. Cụ thể, trong một số nội dung mà nhóm tư vấn của Tổng thống Hoa Kỳ đã đưa ra để quy đổi thành con số 90% được tham khảo theo Báo cáo Ước tính Thương mại Quốc gia năm 2025 về Rào cản Thương mại Nước ngoài của Tổng thống Hoa Kỳ về Chương trình Hiệp định Thương mại bao gồm các yếu tố như sau:
[1] PhD, Giảng Viên, Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh.