TRUNG TÂM THAM VẤN TÂM LÝ
VÀ HỖ TRỢ PHÁP LUẬT
Tham vấn tâm lý

Cán bộ - giảng viên - nhân viên UEF tham gia tập huấn về tâm lý trong công tác hỗ trợ sinh viên

09/10/2022
Nhằm giúp các thầy, cô giảng viên - nhân viên tham gia công tác hỗ trợ sinh viên hiểu sâu hơn về một số vấn đề tâm lý mà sinh viên có thể gặp phải, cách giúp đỡ các bạn phòng ngừa, đối mặt và giải quyết, đồng thời, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng chuyên môn - nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, tương tác với sinh viên, Trung tâm Tham vấn tâm lý và Hỗ trợ pháp luật UEF đã tổ chức chương trình tập huấn công tác hỗ trợ sinh viên vào sáng 8/10 vừa qua. 
 

Chương trình tập huấn diễn ra vào sáng ngày 8/10 vừa qua
 
Chương trình có sự tham dự của TS. Lê Vũ Hương Giang - Phó Chánh Văn phòng trường, ThS. Nguyễn Văn Mạnh - Phó Chánh Văn phòng trường, ThS. Bùi Quang Đông - Trưởng phòng Công tác sinh viên, ThS. Nguyễn Thị Nguyệt Hoàng - Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên - Giám đốc Trung tâm Tham vấn tâm lý và Hỗ trợ pháp luật, TS. Nguyễn Văn Tường - Trưởng ngành Tâm lý học -  Phó Giám đốc Trung tâm Tham vấn tâm lý và Hỗ trợ pháp luật và các nhân viên, giảng viên, thư ký các đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp làm việc với sinh viên. Diễn giả chia sẻ cùng các thầy, cô là ThS. Nguyễn Anh Khoa - Giảng viên ngành Tâm lý học - Khoa Quan hệ công chúng và truyền thông. 
 

ThS. Nguyễn Thị Nguyệt Hoàng chia sẻ trước khi bắt đầu buổi tập huấn
 
Chia sẻ mở đầu tập huấn, ThS. Nguyễn Thị Nguyệt Hoàng cho biết: “Đối với các thầy, cô có nhiệm  vụ làm việc trực tiếp cùng các bạn sinh viên, nhiều khi chúng ta cũng gặp một số khó khăn trong vấn đề nắm bắt tâm lý, hỗ trợ sinh viên như thế nào để các bạn hài lòng. Buổi gặp gỡ hôm nay hy vọng mọi người sẽ cùng giao lưu, chia sẻ để công việc hằng ngày của chúng ta sẽ thuận lợi hơn”.
Chia sẻ về một số kỹ năng hỗ trợ tâm lý cơ bản, ThS. Nguyễn Anh Khoa cho biết tam giác nhận thức của con người được hình thành bởi 3 yếu tố: suy nghĩ, thói quen và cảm xúc. 
Theo thầy Khoa, việc thiếu kỹ năng học tập hiệu quả có thể làm gia tăng áp lực cho các bạn sinh viên; việc xa gia đình, xa bạn bè cũ, thay đổi môi trường sống cũng tạo ra nhiều lo lắng. 
 

ThS. Nguyễn Anh Khoa phân tích và chia sẻ về một số kỹ năng hỗ trợ tâm lý cơ bản cho các thầy, cô
 
Khi gặp khó khăn trong kiểm soát các vấn đề của bản thân: cảm xúc, kiểm soát căng thẳng, hành vi không lành mạnh; Có vấn đề trong các mối quan hệ: gia đình, bạn bè, người yêu; Mong muốn hiểu rõ hơn về bản thân mình; Gặp khó khăn với các rối loạn: trầm cảm, lo âu,… là những lúc các bạn trẻ cần đến việc điều trị tâm lý. 
Khi đó, việc lắng nghe các bạn đóng vai trò quan trọng với ba mức độ khác nhau: nghe để biết thông tin; nghe để đánh giá, lượng định và nghe để thấu cảm. 
Việc lắng nghe sinh viên sẽ giúp các bạn nhận trách nhiệm và giải quyết vấn đề của chính mình. Khi được lắng nghe một cách tích cực và chân thành, các bạn sẽ không cần phải tự vệ, vì thế sẵn sàng nhìn vào hành vi của mình hơn là hành vi của người khác. Đồng thời, việc lắng nghe tốt sẽ giúp tạo nền tảng cho việc tương tác với sinh viên, tạo ra môi trường tâm lý thích hợp cho sinh viên khám phá bản thân và giải quyết vấn đề.
 



Các thầy, cô cũng tích cực tương tác cùng diễn giả
 
Những chia sẻ hài hước, gần gũi gắn với những ví dụ minh họa về đời sống đã giúp các thầy, cô tham gia dễ tiếp thu và dễ nhớ. Từ đó, có thể áp dụng để nâng cao hiệu quả khi làm việc, trao đổi cùng sinh viên và giúp các bạn tháo gỡ những vấn đề tâm lý trong quá trình học tập, rèn luyện. 
TIN LIÊN QUAN