Ngành nghề

Ngành Công nghệ thông tin

02/12/2013

Công nghệ thông tin là một ngành nghề rộng lớn, có ảnh hưởng tới nhiều ngành nghề khác nhau của xã hội. Vì thế, thật khó đưa ra một định nghĩa đầy đủ và chính xác. Tuy nhiên, bạn có thể tạm hiểu: Công nghệ thông tin là một ngành sử dụng hệ thống các thiết bị và máy tính, bao gồm phần cứng, phần mềm, để cung cấp một giải pháp xử lý thông tin trên nền công nghệ cho các cá nhân, tổ chức có yêu cầu.

Công nghệ thông tin là gì?

Cụ thể hơn, Công nghệ thông tin (CNTT) là ngành sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền, và thu thập thông tin. Người làm việc trong ngành này thường được gọi là IT (Information Technology).

Công nghệ thông tin là ngành quản lý công nghệ và mở ra nhiều lĩnh vực khác nhau như: phần mềm máy tính, hệ thống thông tin, phần cứng máy tính, ngôn ngữ lập trình nhưng lại không giới hạn một số thứ như các quy trình và cấu trúc dữ liệu. Tóm lại, bất cứ thứ gì mà biểu diễn dữ liệu, thông tin hay tri thức trong các định dạng nhìn thấy được, thông qua bất kỳ cơ chế phân phối đa phương tiện nào thì đều được xem là phần con của lĩnh vực công nghệ thông tin. Công nghệ thông tin cung cấp cho các doanh nghiệp bốn nhóm dịch vụ lõi để giúp thực thi các chiến lược kinh doanh đó là: quá trình tự động kinh doanh, cung cấp thông tin, kết nối với khách hàng và các công cụ sản xuất.

Đam mê là yếu tố quan trọng nếu muốn thành công với nghề Công nghệ thông tin


Công việc của người làm CNTT chuyên nghiệp

Các chuyên gia IT tham gia xây dựng nhiều các chức năng khác nhau từ phạm vi cài đặt phần mềm ứng dụng đến thiết kế mạng máy tính phức tạp và cơ sở dữ liệu thông tin. Một vài công việc mà các chuyên gia thực hiện có thể bao gồm quản lý dữ liệu, mạng, kỹ thuật phần cứng máy tính, thiết kế phần mềm và thiết kế cơ sở dữ liệu cũng như quản lý, quản trị toàn bộ hệ thống. Công nghệ thông tin bắt đầu lan rộng hơn nữa so với máy tính cá nhân và công nghệ mạng thông thường, và có nhiều tích hợp các công nghệ khác như sử dụng điện thoại di động, ti vi, xe máy và nhiều nữa, và làm tăng trưởng nhu cầu nghề nghiệp cho các công việc đó.

Nghề Công nghệ thông tin nói chung được phân ra nhiều lĩnh vực nghề nghiệp chuyên sâu, công việc của người làm CNTT chuyên nghiệp thường nằm ở một trong những mảng chủ yếu sau:

Lập trình: Công việc chính của lập trình viên là sử dụng những công cụ và ngôn ngữ lập trình để phân tích, thiết kế, tạo ra những phần mềm, website, trò chơi cung cấp cho thị trường. Đây là nghề đang phát triển mạnh ở nước ta và được nhiều bạn trẻ quan tâm. Các công ty phần mềm nghiên cứu, xây dựng, phát triển và cung cấp các phần mềm, các ứng dụng xây dựng website, games v.v… cho thị trường là điểm đến của các lập trình viên.

Lắp ráp và sửa chữa phần cứng: Những người làm trong lĩnh vực này có khả năng sửa chữa hay lắp ráp, lắp đặt các thiết bị, linh kiện của máy tính như ổ cứng, bo mạch, bộ vi xử lý. Các công ty sản xuất, lắp ráp và sửa chữa thiết bị phần cứng đang hứa hẹn một nền công nghiệp hùng mạnh trong tương lai.

Thiết kế giải pháp tích hợp: Công việc này đòi hỏi các chuyên gia phải am hiểu cả phần cứng và phần mềm, có khả năng thiết kế các giải pháp trọn gói cho một công ty, tổ chức về cả phần cứng lẫn phần mềm, dựa trên yêu cầu cụ thể. Họ làm nhiệm vụ tại các công ty cung cấp giải pháp tích hợp hiện đang trên đà phát triển tại Việt Nam.

Quản trị hệ thống và an ninh mạng: Ngày nay, hầu hết các công ty, doanh nghiệp, tổ chức đều có hệ thống máy vi tính kết nối mạng. Người làm công tác quản trị hệ thống và an ninh mạng có nhiệm vụ bảo đảm cho hệ thống vận hành suôn sẻ, giải quyết trục trặc khi hệ thông gặp sự cố, đảm bảo an toàn và bảo mật cho dữ liệu. Trong lĩnh vực này, bạn sẽ làm việc tại các công ty cung cấp giải pháp về mạng và an ninh mạng, các cơ quan, doanh nghiệp v.v…

Những phẩm chất và kỹ năng cần thiết để theo đuổi nghề công nghệ thông tin

- Thông minh và có óc sáng tạo
- Khả năng làm việc dưới áp lực lớn
- Kiên trì, nhẫn nại.
- Tính chính xác trong công việc
- Ham học hỏi, trau dồi kiến thức
- Khả năng làm việc theo nhóm
- Trình độ ngoại ngữ (để tiếp cận kho tàng phong phú về CNTT từ các nguồn sách điện tử và Internet)
Và quan trọng nhất là niềm đam mê với CNTT
TIN LIÊN QUAN