Ngành nghề

Nghề Công tác xã hội

29/11/2013

 

Công tác xã hội là một chuyên ngành để giúp đỡ cá nhân, nhóm hoặc cộng đồng tăng cường hay khôi phục việc thực hiện các chức năng xã hội của họ và tạo những điều kiện thích hợp nhằm đạt được các mục tiêu đó.

Công tác xã hội là một nghề chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn hoặc những người bị đẩy ra ngoài xã hội (người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già...). Sứ mạng của ngành công tác xã hội là nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu:

- Những rào cản trong xã hội

- Sự bất công

- Và sự bất bình đẳng

Nghề Công tác xã hội thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ của con người, tăng năng lực và giải phóng cho người dân nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và hệ thống xã hội, Công tác xã hội tương tác vào những điểm giữa con người với môi trường của họ.

Tiến trình công tác xã hội tập trung vào việc: Phát hiện những mối quan tâm của con người (ví dụ như việc làm, thu nhập, tâm lý-tình cảm...); Xác định các nhu cầu của con người (ví dụ nhu cầu về ăn, ở, mặc hoặc an toàn, vui chơi, giải trí...); Xác định các nguồn lực bên trong và bên ngoài của con người (Nguồn lực bên trong: sức khoẻ, mong muốn vượt qua hoàn cảnh khó khăn, trí tuệ, kỹ năng hoặc những tiềm năng khác; nguồn lực bên ngoài: sự hỗ trợ của chính quyền, các tổ chức, đất đai...); Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và mục tiêu để dáp ứng các nhu cầu đó.

Nghề công tác xã hội luôn quan tâm tới môi trường sống của những người được giúp đỡ. Môi trường sống bao gồm: môi trường tự nhiên, gia đình, bạn bè, họ hàng, hàng xóm, nhà trường, cơ quan và đồng nghiệp, chính quyền địa phương và hệ thống luật pháp...

Chương trình đào tạo của ngành này sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức chuyên môn và các kỹ năng thực hành công tác xã hội, giúp bạn có đủ khả năng cung ứng các dịch vụ xã hội; làm công tác xã hội chuyên nghiệp trong các lĩnh vực như sức khỏe, pháp luật, kinh tế, truyền thông… đồng thời có thể tham gia xây dựng và quản lí các dự án phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo và phát triển nông thôn…


Một số tố chất cần có khi theo học Nghề Công tác xã hội:

- Khả năng lĩnh hội và sử dụng ngôn từ

- Khả năng ghi nhớ từ mới và cấu trúc ngữ pháp

- Khả năng nói, viết, tranh luận, kể chuyện

- Khả năng giao tiếp và tạo dựng quan hệ

- Thích viết thư từ, nhật ký, viết truyện, làm thơ

- Trung thực, khách quan, nhạy cảm

- Không ngừng học hỏi, nâng cao vốn kiến thức, vốn sống

- Học tốt môn văn học, ngoại ngữ

TIN LIÊN QUAN