Ngành nghề

Nghề Giáo viên Dạy nghề

29/11/2013

Qua hơn 25 năm đổi mới và từng bước tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đất nước ta đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và đã có những chuyển biến tích cực về kinh tế, chính trị, xã hội. Cùng với sự phát triển của đất nước, hệ thống dạy nghề cũng lớn mạnh lên, đội ngũ giáo viên dạy nghề nước ta đã góp phần đào tạo cho đất nước nguồn lao động có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp ở các cấp trình độ khác nhau, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, có ý thức, tác phong công nghiệp, có sức khoẻ, có năng lực ngoại ngữ, có tri thức xã hội... đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng.

Để hoàn thành sứ mệnh của mình, đội ngũ giáo viên dạy nghề đã phải vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, làm việc tận tuỵ để truyền thụ tri thức cho học sinh, sinh viên những kiến thức chung, hiểu biết về pháp luật, kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự... truyền thụ kiến thức văn hoá, kỹ thuật cơ sở như hình hoạ, vẽ kỹ thuật, điện kỹ thuật... và chuyên môn nghề nghiệp như lý thuyết nghề, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Đội ngũ giáo viên dạy nghề còn dày công giáo dục phẩm chất đạo đức, thái độ và hành vi cho học sinh, sinh viên giúp đỡ họ trở thành người có nhân cách, biết đối nhân, xử thế, biết sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, biết làm giàu chính đáng cho bản thân và cộng đồng bằng kỹ năng nghề nghiệp của mình. Không những thế đội ngũ giáo viên dạy nghề còn dốc sức mình tạo cho học sinh, sinh viên tiềm năng tiếp tục phát triển và trang bị cho học sinh, sinh viên những tri thức vào đời ngay trên ghế nhà trường. Vì thế, học sinh sau, sinh viên khi học xong dễ dàng thích nghi với sự thay đổi của đời sống xã hội...

Hiện nay, cùng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đội ngũ giáo viên dạy nghề đã ngày càng phát triển về số lượng, phù hợp về cơ cấu ngành nghề, không ngừng nâng cao năng lực. Đa phần giáo viên dạy nghề hiện có đủ trình độ chuyên môn, trình độ kỹ năng nghề, khả năng hiểu biết thực tế, trình độ tin học, ngoại ngữ, sư phạm, khả năng nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương pháp giảng dạy mới vào quá trình đào tạo và ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực.

 

Những đặc điểm của một người Giáo viên Trung học:

Những quan điểm về đào tạo nghề hiện đại đang đặt ra những yêu cầu gắt gao cả về mặt phẩm chất và năng lực đối với đội ngũ giáo viên dạy nghề. Để đào tạo được nguồn nhân lực kỹ thuật có trình độ văn hoá cao, có năng lực chuyên môn giỏi, có khả năng thích ứng linh hoạt và sáng tạo đối với các yêu cầu thay đổi của khoa học công nghệ và sản xuất dịch vụ..., đội ngũ người giáo viên dạy nghề phải có những thay đổi cơ bản về mô hình chung. Có thể hình dung ở một số đặc điểm sau:
- Trình độ văn hoá tốt nghiệp THPT và trình độ đào tạo chuyên môn bậc đại học phải là trình độ tối thiểu của người giáo viên dạy nghề. Trong thời gian tới đây, phần đáng kể giáo viên dạy nghề có trình độ tối thiểu về chuyên môn phải là trình độ sau đại học (Thạc sĩ và Tiến sĩ). Đào tạo giáo viên dạy nghề là nhiệm vụ chung của hệ thống giáo dục đại học (các trường ĐHSPKT và công nghệ)
- Cơ cấu ngành nghề đào tạo ngày càng rộng để hình thành đội ngũ giáo viên dạy nghề theo các lĩnh vực khoa học - công nghệ chứ không theo các ngành nghề kinh tế như hiện nay. Giáo viên dạy nghề phải thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là công nghệ mới.
- Kiến thức và năng lực sư phạm hiện đại có vai trò quyết định đến năng lực hoạt động của người giáo viên dạy nghề, trong đó việc hình thành nhân cách thái độ của con người, việc phát triển năng lực tư duy nhận thức trở nên quan trọng hơn việc hình thành kĩ năng kĩ xảo hoạt động lao động nghề nghiệp thuần tuý.
- Giáo viên dạy nghề phải sử dụng thành thạo công nghệ dạy học hiện đại. Các phương tiện thông tin (máy tính, đa phương tiện, mô hình ảo...) là những phương tiện lao động hàng ngày của giáo viên . Quá trình người giáo viên vừa dạy - vừa học xen kẽ với nhau (học suốt đời).
- Người giáo viên dạy nghề cần có năng lực tốt trong việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học, thể hiện vừa mềm dẻo, linh hoạt nhưng khách quan, công bằng. Sử dụng và khai thác tốt các phương thức kiểm tra, đánh giá hiện đại, sử dụng máy tính…
- Trình độ nhận thức xã hội, ngoại ngữ trở thành nhân tố quan trọng trong quá trình đào tạo và phát triển nghề nghiệp của giáo viên dạy nghề. Ngoại ngữ trở thành chìa khóa mở cửa kho tàng tri thức nhân loại, giúp người giáo viên dạy nghề nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật công nghệ mới của thế giới.

TIN LIÊN QUAN