Ngành nghề

Nghề Giáo viên khuyết tật

29/11/2013

Nghề Giáo viên khuyết tật là một nghề đặc biệt và đang trong tình trạng thiếu thốn trầm trọng.

Từ năm 2001 đến nay, cả nước chỉ có có 3 trường đại học và 2 trường cao đẳng có tuyển sinh ngành giáo dục đặc biệt.

Dù mục tiêu của giáo dục là đến năm 2005 có 50% trẻ khuyết tật được đi học và đến năm 2010 là 70%, nhưng đến nay tại Việt Nam chỉ có khoảng 200 chuyên gia về lý luận và thực hành trong giáo dục trẻ khuyết tật.

Ông Nguyễn Đức Minh, Phó giám đốc Viện Chiến lược và chương trình giáo dục, nhận xét: “Với hơn 1 triệu trẻ khuyết tật cần được chăm sóc, giáo dục, thì số lượng trên còn quá ít để có thể đáp ứng đòi hỏi tối thiểu của ngành”.

Còn theo ông Phan Hoàng Dũng, Trung tâm nghiên cứu Giáo dục trẻ khuyết tật TP HCM, hàng trăm giáo viên dạy tật học đang giảng dạy có nhiều kinh nghiệm, nhưng phần đông số này lấy từ giáo viên phổ thông chuyển sang, chỉ được tập huấn những khóa ngắn hạn. Đối với những người được đào tạo cử nhân giáo dục chuyên bằng 2, số lượng vừa ít, vừa hạn chế khả năng xử lý thực tế, chưa có kỹ năng sử dụng các phương tiện hỗ trợ cho người khuyết tật.

Nguyễn Thị Thanh Bình, Trưởng bộ môn giáo dục đặc biệt ĐH Sư phạm TP HCM, nhận xét, giáo viên dạy trẻ khuyết tật không chỉ lo toan, trăn trở, loay hoay học hỏi lẫn nhau một cách tự phát mà còn thiếu thốn các trang thiết bị, tài liệu tham khảo, kinh phí…

Để cải tạo tình trạng này, ông Dũng đề xuất trong quá trình đào tạo nên dành nhiều thời gian cho sinh viên làm việc với các trường khuyết tật, để đào tạo ra những cử nhân có khả năng dạy trực tiếp cho trẻ khuyết tật. Ngoài ra, ở trường đào tạo nên trang bị cho sinh viên khả năng và tư cách pháp nhân đứng lớp ở một bậc học cụ thể. Có như vậy, các trường chuyên biệt, hòa nhập mới bố trí công tác theo quy chế giáo viên. “Đây chính là lực lượng chủ lực đưa giáo dục trẻ khuyết tật Việt Nam phát triển cùng với các nước trong khu vực và thế giới”, ông Dũng khẳng định.

TIN LIÊN QUAN