Ngành nghề

Nghề Kiểm toán

02/12/2013

Nếu kế toán cung cấp các thông tin về tài chính cho các đối tượng quan tâm thì kiểm toán là công việc kiểm tra, xác minh tính trung thực và hợp lý của các báo cáo tài chính đó.

Bằng hệ thống phương pháp nghiệp vụ chuyên môn, kiểm toán viên xác minh và bày tỏ ý kiến về thực trạng hoạt động tài chính của các doanh nghiệp, tổ chức…

Công việc của các kiểm toán viên là phát hiện các sai sót và gian lận trong hoạt động tài chính, kế toán. Nếu bạn thích thử thách và khám phá, bạn luôn có cơ hội để khẳng định mình. Nghề kiểm toán đòi hỏi bạn phải tiếp xúc nhiều đơn vị kiểm toán với các tình huống khác nhau và lúc nào bạn cũng phải vận dụng hết năng lực, óc phân tích và tư duy sáng tạo của mình.

Nghề kiểm toán đòi hỏi kiểm toán viên phải nhạy bén với những con số nhưng đồng thời cũng phải kiên nhẫn, tỉ mỉ, cẩn trọng với hồ sơ, sổ sách. Không chỉ là tính toán mà còn cần có khả năng tiếp thu, ghi nhớ các văn bản luật pháp, chính sách về thuế, các vấn đề kinh tế, xã hội…Có khả năng giao tiếp, diễn giãi vấn đề với đối tác. Có khả năng tổng hợp, làm việc độc lập, đồng thời kỹ năng làm việc nhóm cũng thật tốt. 
 

Nghề Kiểm toán

Nghề Kiểm toán đề cao tính độc lập, thận trọng


Công việc chính của kiểm toán viên

Với sự nở rộ của hàng loạt doanh nghiệp trong các lĩnh vực mỗi năm sẽ mở ra cơ hội nghề nghiệp rộng mở cho ngành Kế toán kiểm toán, chưa kể đến các tổ chức chuyên về kiểm toán quốc tế cũng luôn cần nhân lực vững chuyên môn, giỏi ngoại ngữ. Mức lương khởi điểm của người hoạt động chuyên về kế toán kiểm toán luôn ở mức cao, đặc biệt làm việc tại các công ty kiểm toán nước ngoài. Ngoài ra, làm việc trong môi trường này, bạn có nhiều cơ hội thăng tiến trong nghề hoặc chuyển sang các vị trí quản lý cao trong lĩnh vực kế toán, kiểm soát tài chính.

Những vị trí công việc bạn có thể đảm nhiệm:

- Lập kế hoạch kiểm toán: Trên cơ sở phân tích mục tiêu, giới hạn và nguồn tài liệu đã thu thập được, nhân viên kiểm toán lên kế hoạch các công việc phải thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ.

- Xây dựng chương trình kiểm toán: xác định số lượng và thứ tự các bước kể từ điểm bắt đầu đến điểm kết thúc công việc kiểm toán.

- Thu thập thông tin bằng các phương pháp kiểm toán như kiểm toán cân đối, đối chiếu trực tiếp, đối chiếu logic, kiểm kê, điều tra, trắc nghiệm…

- Ghi chép các phát hiện, những nhận định về các nghiệp vụ, con số, các sự kiện v.v… để tích lũy bằng chứng khách quan cho kết luận kiểm toán.

- Lập báo cáo, đưa ra những kết luận khái quát về báo cáo tài chính của đơn vị.

Phẩm chất và kỹ năng cần thiết

Tính độc lập: không bị phụ thuộc vào bất cứ khách hàng cũng như một số liệu tài chính nào

Tính thận trọng: chỉ công bố điều gì khi có đủ bằng chứng.

Khả năng diễn đạt gãy gọn, khúc chiết

Óc quan sát và tư duy phân tích cao

Chăm chỉ học hỏi

Giỏi tính toán, yêu thích những con số

Khả năng chịu đựng áp lực công việc

TIN LIÊN QUAN