Ngành nghề

Nghề Quản trị chất lượng

29/11/2013

Quản trị chất lượng là các hoạt động có phối hợp để định hướng và kiểm soát một tổ chức về chất lượng. Việc định hướng và kiểm soát về chất lượng nói chung bao gồm lập chính sách chất lượng và mục tiêu chất lượng, hoạch định chất lượng, kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng và cải tiến chất lượng.

Quản trị chất lượng hiện đã được áp dụng trong mọi ngành công nghiệp, không chỉ trong sản xuất mà trong mọi lĩnh vực, trong mọi loại hình tổ chức, từ quy mô lớn đến quy mô nhỏ, cho dù có tham gia vào thị trường quốc tế hay không. Quản trị chất lượng đảm bảo cho tổ chức làm đúng những việc phải làm và những việc quan trọng, theo triết lý "làm việc đúng" và "làm đúng việc", "làm đúng ngay từ đầu" và "làm đúng tại mọi thời điểm".

Chương trình đào tạo sẽ cung cấp cho bạn các kiến thức và kỹ năng chuyên ngành như: quản trị chất lượng; kỹ thuật quản trị chất lượng; hệ thống quản lí tiết kiệm và không lỗi; hệ thống quản lí theo tiêu chuẩn; quản trị công nghệ; quản trị sản xuất; quản trị dự án; thiết kế hệ thống chất lượng; đo lường chất lượng; chi phí chất lượng, năng suất và hiệu quả; tiêu chuẩn hóa; thống kê chất lượng; quản lí nhà nước về chất lượng…

Kỹ sư Quản trị chất lượng sẽ đảm nhận công việc với những việc làm cụ thể như: lập kế hoạch, chương trình quản trị chất lượng và chỉ đạo thực hiện tại các công ty dựa trên nhu cầu của thị trường; xác định mức chất lượng tối ưu trong chiến lược kinh doanh; xây dựng một một chính sách hợp lí về chất lượng cho công ty, cho ngành trên cơ sở những nhu cầu và khả năng của xã hội, của thị trường và của ngành; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống quản trị chất lượng trong các công ty, các ngành; phân bổ và sử dụng hợp lí các nguồn lực trong tổ chức, góp phần tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng phù hợp với nhu cầu thị trường với chi phí thấp nhất; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống quản trị theo các tiêu chuẩn quốc tế trong các doanh nghiệp.


Các nguyên tắc của một quy trình quản lý chất lượng:

- Hướng vào khách hàng: Mọi tổ chức đều phụ thuộc vào khách hàng của mình và vì thế cần hiểu các nhu cầu hiện tại và tương lai của khách hàng, cần đáp ứng các yêu cầu của khách hàng và cố gắng vuợt cao hơn sự mong đợi của họ.

- Sự lãnh đạo: Lãnh đạo thiết lập sự thống nhất giữa mục đích và phương hướng của tổ chức. Lãnh đạo cần tạo ra và duy trì môi trường nội bộ để có thể hoàn toàn lôi cuốn mọi người tham gia để đạt được các mục tiêu của tổ chức.

- Sự tham gia của mọi người: Mọi người ở tất cả các cấp là yếu tố của một tổ chức và việc huy động họ tham gia đầy đủ sẽ giúp cho việc sử dụng được năng lực của họ vì lợi ích của tổ chức.

- Cách tiếp cận theo quá trình: Kết quả sẽ đạt được một cách hiệu quả khi các nguồn lực và các hoạt động có liên quan được quản lý như một quá trình.

- Cách tiếp cận theo hệ thống

- Cải tiến liên tục: Cải tiến liên tục các kết quả thực hiện phải là mục tiêu thường trực của tổ chức.

- Quyết định dựa trên sự kiện: Mọi quyết định có hiệu lực được dựa trên việc phân tích dữ liệu và thông tin.

- Quan hệ hợp tác cùng có lợi với người cung ứng: Tổ chức và người cung ứng phụ thuộc lẫn nhau và mối quan hệ cùng có lợi sẽ nâng cao năng lực của cả hai bên để tạo ra giá trị.

 

TIN LIÊN QUAN