Ngành nghề

Nghề Quản trị kinh doanh

29/11/2013

Quản trị kinh doanh là việc thực hiện các hành vi quản trị để duy trì, thúc đẩy hoạt động kinh doanh nhằm đảm bảo sự tồn tại, vận hành và phát triển của toàn bộ doanh nghiệp. Nó bao gồm việc cân nhắc, tạo ra quy trình hệ thống thông qua quá trình tư duy và ra quyết định của nhà quản lý. Nhà quản lý cần có khả năng tạo động lực cho nhân viên, khả năng bao quát nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn nhân lực và vật lực để đạt được mục tiêu đề ra. Cụ thể hơn, nó bao gồm các quá trình hoạch định, tổ chức thực hiện, điều khiển và chỉ huy, kiểm tra và giám sát, điều chỉnh.

Học quản trị kinh doanh bạn sẽ được trang bị các kiến thức cơ bản về chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, quản trị kinh doanh, quản trị dự án, quản trị sản xuất, quản trị chất lượng, quản trị nguồn nhân lực, quản trị tài chính, quản trị marketing, quản trị văn phòng. Ngoài ra bạn còn được trang bị các nghiệp vụ về thống kê, kế toán, kiểm toán, ngoại thương, ngân hàng, chứng khoán, hợp đồng, văn bản...

Cử nhân tốt nghiệp các ngành thuộc nhóm Quản lý kinh doanh (Quản trị kinh doanh, Quản trị doanh nghiệp, Khoa học quản lý) có kỹ năng thực hiện toàn diện các chức năng quản trị doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực trên như: tạo lập doanh nghiệp mới; xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch kinh doanh, chính sách kinh doanh, chương trình, dự án kinh doanh của doanh nghiệp; tổ chức bộ máy quản trị doanh nghiệp; tổ chức, điều hành, kiểm soát quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; phân tích, chẩn đoán, đánh giá doanh nghiệp; tái cấu trúc và tổ chức lại doanh nghiệp cho thích ứng sự thay đổi môi trường.

Một số tố chất quan trọng của nghề Quản trị kinh doanh:

1. Biết định hướng chiến lược chính xác và bền vững, cả khi có cạnh tranh gay gắt.

2. Biết dự báo môi trường thương mại và phát triển kinh doanh trong những điều kiện đối đầu với mọi thử thách.

3. Nhạy bén nắm bắt và xử lý mọi thông tin liên quan, nhất là thông tin kinh tế xã hội và đầu tư phát triển.

4. Biết tổ chức công việc một cách khoa học, đặt công việc của cá nhân trong hệ thống kế hoạch chung.

5. Có kỹ năng giao tiếp và ứng xử linh hoạt trên cơ sở nâng cao sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa cá nhân, đơn vị và phía đối tác.

6. Biết công nhận và khích lệ các giá trị và thành tựu của người khác, dù giá trị đó là của người dưới quyền.

7. Biết lắng nghe và thấu hiểu, tránh nói nhiều và nói không đúng chỗ. Chỉ nên nói sau khi đã có đủ thông tin chắc chắn.

8. Có kỹ năng tư vấn và truyền thông về nghiệp vụ kinh tế và cung cách làm việc cho cộng sự khi cần thiết.

9. Biết im lặng đúng lúc và cũng biết nói thích hợp. "Im lặng là vàng, nhưng lời nói thích hợp lại là kim cương".

10. Biết ghi nhận và suy ngẫm trước những khác biệt trong ý nghĩ của người khác, từ đó soi rọi lại những ý tưởng của mình trong doanh nghiệp.

11. Biết chủ động thích nghi nhanh với các đổi thay trong môi trường kinh doanh để tồn tại và phát triển.

12. Biết linh hoạt (nhưng không tùy tiện) thay đổi quyết định khi thấy thật cần thiết vì lợi ích lâu dài của kinh doanh.

13. Biết xử lý căng thẳng và tự giải tỏa được stress khi phải đối đầu quyết liệt với mọi thử thách trong kinh doanh.

14. Luôn nhạy bén cập nhật những thông tin mới về tri thức tổng quát, kinh tế thương mại và luật lệ kinh doanh.

15. Mạnh về sức khoẻ tinh thần. Dám lãnh trách nhiệm khi bị sai sót. Chịu sửa sai và biết cải thiện khi lầm lỡ.

TIN LIÊN QUAN