Ngành nghề

Nghề Xã hội học

29/11/2013

Xã hội học là khoa học về các quy luật và tính quy luật xã hội chung, và đặc thù của sự phát triển và vận hành của hệ thống xã hội xác định về mặt lịch sử; là khoa học về các cơ chế tác động và các hình thức biểu hiện của các quy luật đó trong các hoạt động của cá nhân, các nhóm xã hội, các giai cấp và các dân tộc.

Trưóc hết xã hội học nghiên cứu mặt xã hội của xã hội. Nhưng mặt xã hội đó lại là đối tượng nghiên cứu chung của nhiều ngành khoa học khác nhau. Chẳng hạn nó là đối tượng của khoa học kinh tế khi nghiên cứu về sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng vật chất, hoặc nó trở thành đối tượng của khoa học chính trị khi nghiên cứu về quyền lực, nó là đối tượng của khảo cổ học khi nghiên cứu những gì còn lại của những nền văn minh đã mất,... Còn "xã hội học là khoa học nghiên cứu chủ yếu về các khuôn mẫu của các tương tác con người trong xã hội (social interactions)". Các tương tác đó diễn ra trong trường quan hệ xã hội giữa các chủ thể xã hội (cá nhân, nhóm, cộng đồng, xã hội tổng thể) diễn ra trong các hoạt động xã hội (sản xuất, văn hóa, tái sản sinh xã hội, quản lý, giao tiếp). Để nghiên cứu được những điều đó, xã hội học phải bắt đầu từ các sự kiện, hiện tượng và quá trình xã hội. Trên cơ sở đó nhằm nắm bắt cho được trạng thái chất lượng của xã hội ở tầm vĩ mô hay vi mô, ở bề mặt cắt hay tầng sâu tiềm ẩn, ở một thời gian cụ thể và trong một không gian xác định với mục đích là thay đổi trạng thái đó theo chiều hướng có lợi hơn và tiến bộ hơn. Như thế nếu xã hội học sử dụng kết quả của khảo cổ học hay dân tộc học khi nghiên cứu quá khứ, thì cũng là để phục vụ cho việc nắm bắt trạng thái xã hội đương đại. Tương tự như thế, xã hội học có thể liên kết chặt chẽ với tâm lý xã hội, nhân chủng học, kinh tế học hay luật học thì mục tiêu cuối cùng hướng đến cũng là đi tìm về một trang thái xã hội hiện thực nào đó.

Người nghiên cứu về xã hội học thường được gọi là nhà xã hội học. Ở các nước phát triển, đây là nghề được đánh giá rất cao vì những đóng góp to lớn của nó trong đời sống xã hội, trong việc lý giải các hiện tượng, quy luật của đời sống xã hội, của con người để từ đó có những giải pháp phù hợp nhằm tác động vào nhận thức của cá nhân hay cộng đồng, hoặc đưa ra các dự báo về triển vọng vận động vấn đề đó của xã hội hoặc hành vi đó của cộng đồng trong tương lai gần cũng như tương lai xa hơn, giúp các nhà quản lý có định hướng và điều chỉnh các hành vi xã hội theo hướng tích cực, có lợi cho cộng đồng.
 

Một số tố chất cần thiết của người nghiên cứu xã hội học:

- Thích tìm hiểu các quy luật trong đời sống xã hội

- Suy nghĩ sâu sắc, độc lập, sáng tạo

- Chăm chỉ, chịu khó, ngăn nắp, tỉ mỉ

- Có khả năng tự tổ chức công việc, khả năng tự học, tự nghiên cứu

- Không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội

- Thích học các môn xã hội

TIN LIÊN QUAN