Sự kiện

UEF tổ chức tri ân người thầy doanh nhân, nhiều mong muốn phát triển sinh viên được bàn luận

11/11/2023
“Để UEF có thể đạt được những thành tựu như ngày hôm nay, bên cạnh sự nỗ lực của tập thể cán bộ, giảng viên của Nhà trường thì không thể không kể đến sự đồng hành, hỗ trợ thiết thực của những thầy doanh nghiệp. Họ là những cá nhân đang hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình ở cả hai vai trò: vừa góp phần xây dựng hệ thống kinh tế vững mạnh song song với bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội” - Đây là nhận định của ông Đỗ Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hội đồng trường UEF tại buổi Lễ tri ân “Người thầy doanh nhân” vào sáng ngày 10/11.
Nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, lễ tri ân “Người thầy doanh nhân” là hoạt động thường niên tại UEF nhằm ghi nhận đóng góp to lớn của  những giảng viên đến từ doanh nghiệp. Tại đây, gần 50 giảng viên doanh nhân đã có dịp hội ngộ, kết nối và chia sẻ trải nghiệm của mình trong quá trình giảng dạy. Sự kiện cũng góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa UEF với các đối tác, tạo cơ hội để hai bên thảo luận và xác định các phương án hợp tác mới trong tương lai. 
 




Buổi lễ tri ân có sự tham dự của gần 50 doanh nhân đến từ các doanh nghiệp đối tác của UEF

Về phía Nhà trường, tham dự chương trình có: Ông Đỗ Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, TS. Nguyễn Thanh Giang - Hiệu trưởng, TS. Nhan Cẩm Trí - Phó Hiệu trưởng, TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc - Phó Hiệu trưởng, TS. Ngô Minh Hải - Phó Hiệu trưởng, PGS.TS. Ngô Cao Cường - Giám đốc Đào tạo sau đại học, ThS. Huỳnh Quốc Phong - Giám đốc Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp, ThS. Nguyễn Thị Kim Loan - Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp. Cùng với đó là lãnh đạo, thầy cô đến từ các đơn vị Khoa, Viện, Phòng ban, Trung tâm tại UEF. 

 

Tri ân những đóng góp từ các nhà giáo đặc biệt

 

Đúng với tinh thần tri ân những nhà giáo doanh nghiệp, mở đầu chương trình, ông Đỗ Quốc Anh gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các thầy cô đã luôn đồng hành với Nhà trường. Không chỉ là những người truyền tải kiến thức mà các thầy cô còn góp phần quan trọng trong việc kết nối, tạo ra cơ hội kiến tập, thực tập và làm việc cho sinh viên. Ông khẳng định rằng chính kinh nghiệm thực chiến từ những “người lái đò” đặc biệt này đã góp phần tạo nên nhiều thế hệ sinh viên UEF tài năng, tự tin và không còn bỡ ngỡ khi bước chân vào những môi trường doanh nghiệp mới. 
 
Ông Đỗ Quốc Anh gửi lời cảm ơn đến sự đồng hành, hỗ trợ của những người thầy doanh nghiệp

Tại chương trình, Nhà UEF đã cùng các đối tác nhìn lại chặng đường hiện thực hóa sứ mệnh giáo dục. Có thể khẳng định, trên tiến trình hội nhập và phát triển của UEF, người thầy doanh nhân đóng một vai trò quan trọng và đồng hành xuyên suốt. Thông qua sự xuất hiện với vai trò là giám khảo, cố vấn, diễn giả hay giảng viên, những thầy cô đặc biệt này đã trở thành một mắt xích quan trọng trong mô hình đào tạo của Nhà trường. 
Ghi nhận những đóng góp đó, lãnh đạo Nhà trường và các Khoa đã tiến hành trao quà cảm ơn cho gần 50 doanh nhân đến từ các doanh nghiệp khác nhau. Những bằng khen, món quà và bó hoa tươi thắm đã thay cho lời tri ân của UEF về những đóng góp tích cực của thầy, cô và tạo nên hệ sinh thái kết nối Nhà trường - doanh nghiệp - sinh viên bền vững. 
 
 







Đại diện UEF gửi tặng những món quà tri ân đến các thầy, cô

“Tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được đảm nhận thêm sứ mệnh “trồng người” bên cạnh chuyên môn của mình. Tuy không có nhiều kinh nghiệm đứng trên bục giảng như các giảng viên cơ hữu nhưng hy vọng những kinh nghiệm thực tiễn của chúng tôi có thể giúp các bạn sinh viên học hỏi nhiều điều bổ ích”.
Đó là những chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Nhân sự - Hành chính Công ty TNHH MTV dịch vụ Lữ hành Saigontourist sau quá trình đồng hành với Nhà trường. Bà cũng tin rằng với sự nỗ lực từ Nhà trường và các đối tác, UEF sẽ tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.
 
Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh bày tỏ niềm tự hào khi được đồng hành với UEF

Ngoài ra, tại buổi lễ, Nhà UEF cũng trình bày định hướng của mình và cùng các thầy cô trao đổi, đề xuất thêm nhiều phương án hợp tác mới để nâng cao hiệu quả giáo dục cho sinh viên.

 

Tiếp nối kỳ vọng về sự phát triển của những thế hệ sinh viên mới

 

Buổi tọa đàm với chủ đề “Doanh nghiệp kỳ vọng gì về sinh viên UEF” diễn ra trong buổi sáng cùng ngày là cơ hội để UEF lắng nghe các đối tác chia sẻ quan điểm của mình dưới góc độ chuyên môn về tình hình nguồn nhân lực hiện nay. Theo đó, “làm thế nào để giúp giúp sinh viên sớm tiệm cận với thực tiễn và tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động?” là vấn đề mà cả hai bên cần chung tay giải quyết. 
 
Buổi tọa đàm được dẫn dắt bởi TS. Nhan Cẩm Trí

Nhận xét về sinh viên UEF, ông Võ Đan Mạch - Giám đốc Công ty Luật TNHH Ta Pha dành nhiều lời khen cho tinh thần năng động và sự lễ phép của các bạn. Tuy nhiên, Nhà trường cần tăng cường đồng hành với doanh nghiệp trong việc tạo ra kinh nghiệm cho sinh viên ngay từ khi các bạn còn ở giảng đường. Sẵn sàng tâm thế dấn thân, nhiệt huyết khi bước vào môi trường doanh nghiệp và sớm xác định cho mình mục tiêu nghề nghiệp là những yếu tố quan trọng để các bạn đi thật xa. 
Là một trong những người đồng hành quen thuộc với sinh viên trong những năm qua, ông Phạm Kim Anh - Giảng viên cao cấp, Chủ tịch sáng lập Học viện quản trị ESI bày tỏ sự vinh dự khi được góp phần vào sự chuyển mình và phát triển của UEF. Chia sẻ về phương hướng nâng cao chất lượng giáo dục, ông cho biết: “Việc tăng cường các hoạt động học thuật, cuộc thi kéo dài xuyên suốt cả năm học với quy mô, chất lượng mở rộng hơn sẽ giúp sinh viên phát huy tối đa năng lực và sức bền của mình. Bên cạnh giúp các bạn cải thiện tư duy, kỹ năng, đây còn là phương pháp để Nhà trường có thể tìm kiếm và bồi dưỡng những nhân tài chất lượng cao”.
 


Các doanh nhân tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng sinh viên

Thông qua việc khẳng định bản chất của dạy và học là mối quan hệ hai chiều, các thầy cô bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác, cùng Nhà trường mang đến nhiều giá trị thực tiễn bổ ích cho sinh viên. Trong suốt buổi thảo luận, các đối tác đã tích cực chia sẻ nhiều lời khuyên giá trị giúp UEFers sớm “bắt nhịp” với môi trường công việc sau khi tốt nghiệp. Trong đó, việc nâng cao tiếng Anh, tin học văn phòng và phát triển các kỹ năng ứng xử trong môi trường công sở là những yếu tố cần được chú trọng phát triển hơn. 
Ngoài ra, các ý tưởng xoay quanh việc triển khai mô hình “học kỳ doanh nghiệp” kéo dài trong 6 tháng để tăng cường khả năng “thực chiến” cho sinh viên cũng được bàn luận sôi nổi. 
Buổi Lễ tri ân “Người thầy doanh nhân” đã khép lại thành công và đầy cảm xúc. Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, UEF xin chúc tất cả doanh nhân đang công tác giảng dạy tại trường luôn mạnh khỏe, tràn đầy nhiệt huyết và tiếp tục đồng hành với UEF trong những chặng đường tiếp theo. 
 
Anh Thy
Ảnh: Media Team
TIN LIÊN QUAN