Dự án cộng đồng

Hưởng ứng tháng nâng cao nhận thức về Tự kỷ với workshop "Chiếc Nơ Cầu Vòng"

09/04/2021
Nhân ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ 2/4, Trung tâm Kết nối cộng đồng UEF và sinh viên thuộc Mạng lưới lãnh đạo Service-Learning đã tổ chức buổi Hội thảo “Chiếc nơ cầu vồng”. Chương trình nhằm mang đến cho các bạn sinh viên UEF cách hiểu đúng về chứng Tự kỷ. 
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tuyết Vân - Đồng sáng lập CLB Sống cùng tự kỷ và anh Thái Thuận Hào - Phó Ban Điều hành CLB là diễn giả của chương trình. 
 
Cô Nguyễn Thị Tuyết Vân - Chuyên gia tâm lý về nhi phát triển mang đến nhiều thông tin bổ ích trong chương trình

 
Anh Thái Thuận Hào - Phó Ban điều hành CLB Sống cùng tự kỷ chia sẻ cùng sinh viên UEF


Bạn Nguyễn Ngọc Thảo Quyên (BTC) - Thành viên Mạng lưới lãnh đạo Service-Learning chia sẻ góc nhìn từ sinh viên

Thống kê năm 2014 từ CDC (Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ) cho thấy xu hướng ngày càng gia tăng của việc mắc chứng Tự kỷ với tỷ lệ 1/54 trẻ, tăng gấp 5 lần so với năm thống kê năm 1985 là 1/2500 trẻ. Hiện tượng gia tăng việc mắc Tự kỷ được xem như là báo động toàn cầu. Chứng Tự kỷ hiện tại vẫn là một thách thức rất lớn với các nhà chuyên môn vì nguyên nhân gây ra tự kỷ rất phức tạp và không phải là “bệnh” nên không thể chữa trị bằng thuốc như nhiều bệnh khác. Vấn đề nhận thức đúng về chứng Tự kỷ vẫn gặp nhiều rào cản tại Việt nam do thiếu nguồn lực về chuyên môn, thiếu quan tâm đúng mức hay những nhận định sai lệch.
 
Đông đảo sinh viên tham dự buổi Hội thảo Chiếc nơ cầu vồng



Sinh viên trao đổi cùng diễn giả để hiểu rõ hơn thông tin về chứng Tự kỷ

Tại hội thảo, các diễn giả đã cung cấp thông tin nhằm điều chỉnh những định kiến nhầm lẫn về chứng tự kỷ trong cộng đồng như: trẻ mắc Tự kỷ do cha mẹ bận rộn thiếu chăm sóc, do xem tivi quá nhiều, do sinh ra trong gia đình khó khăn, tự kỷ có thể dùng thuốc để chữa khỏi, tự kỷ là bệnh trầm cảm, người tự kỷ không có cảm xúc và không thể làm việc,… Thực tế, trẻ tự kỷ không phải là lỗi của cha mẹ, nguyên nhân phức tạp không liên quan đến việc trẻ sử dụng công nghệ hay thiếu quan tâm, trẻ tự kỷ có cảm xúc nhưng thường gặp khó khăn bộc lộ cảm xúc và hoàn toàn có khả năng học tập nếu được can thiệp sớm và có hệ thống hỗ trợ phát triển. 
 
Các bạn sinh viên tìm hiểu thông tin về chứng tự kỷ

Từ chia sẻ của các chuyên gia, các bạn sinh viên nhận ra rằng bằng cách tôn trọng sự khác biệt, mỗi cá nhân đều có thể hỗ trợ trẻ mắc chứng Tự kỷ. Việc dành thời gian và sự kiên nhẫn để thấu hiểu đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp trẻ mắc chứng Tự kỷ phát triển tốt hơn các kỹ năng xã hội.
Trong buổi hội thảo, cô Tuyết Vân gửi lời cảm ơn đến các bạn sinh viên UEF vì đã dành sự quan tâm cho vấn đề này. Vì khi quan tâm các bạn sẽ tìm được thông tin chính xác để hiểu đúng và khi hiểu đúng thì sẽ có những hành động hỗ trợ đúng.
 
Cô Nguyễn Thị Tuyết Vân gửi lời cám ơn đến các bạn sinh viên UEF

Để chung tay hưởng ứng, các bạn sinh viên đã cùng gửi những thông điệp của riêng mình đến các bạn trẻ Tự kỷ. Đây có thể chỉ là một lời chúc nhỏ, một món quà tinh thần nhỏ nhưng nó lại mang một ý nghĩa to lớn. Hơn thế, điều này còn hàm chứa thông điệp ý nghĩa rằng: “Tất cả chúng ta ai cũng có nhu cầu và có quyền được tôn trọng và thấu hiểu”.
 


Sinh viên UEF gửi những lời nhắn nhủ đến các trẻ mắc Tự kỷ

Hội thảo "Chiếc nơ cầu vồng" là hoạt động mở đầu để sinh viên UEF đồng hành với Tháng Tư, tháng nâng cao nhận thức về chứng Tự kỷ nhằm lan tỏa nhiều hơn những kiến thức, hiểu biết và tình thương đến đến cộng đồng người mắc chứng Tự kỷ.
 
Tin và ảnh: Trung tâm Kết nối cộng đồng
TIN LIÊN QUAN