Phản hồi của sinh viên

Nguyễn Ngọc Anh Thư từng bước “nâng cấp” bản thân qua các hoạt động cộng đồng

23/11/2023
Trên mỗi hành trình, những bước chân dù lớn hay nhỏ vẫn in dấu sự trưởng thành của bản thân qua từng ngày. Sau thời gian gần ba năm hoạt động tại Trung tâm Kết nối cộng đồng (TT.KNCĐ) trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh (UEF), Nguyễn Ngọc Anh Thư - cô bạn sinh viên năm 3 của UEF có thể tự tin rằng bản thân đã được “nâng cấp” lên một phiên bản mới. Cùng theo dõi câu chuyện của Anh Thư ngay sau đây nhé!
 
Chào Anh Thư! Rất vui khi có cơ hội trò chuyện cùng bạn hôm nay! Bạn có thể giới thiệu đôi nét về bản thân mình không?
Chào mọi người! Mình là Nguyễn Ngọc Anh Thư, đến từ dự án Sketchnote For Good (SFG) và mình đã đồng hành cùng dự án từ những ngày đầu năm nhất, đến nay là năm thứ ba rồi. Hiện tại mình đang là cố vấn ban Truyền thông của dự án. 
 
Nguyễn Ngọc Anh Thư - cố vấn ban Truyền thông của dự án SFG 
 
Ai cũng có cho mình một điểm xuất phát. Vậy hành trình của bạn tại TT.KNCĐ bắt đầu như thế nào? Cơ duyên nào đã đưa bạn đến với Trung tâm? 
Mình nghĩ chắc là một sự trùng hợp! Lúc trước mình từng tham gia câu lạc bộ, mình đã gặp chị Dương - Trưởng ban điều phối hiện tại của dự án trong câu lạc bộ luôn. Lúc đó mình cũng nằm trong ban cán sự của lớp nên rất chăm “cày” điểm rèn luyện. Mình lưu tất cả những trang fanpage liên quan đến UEF, trong đó có trang Center of Service-Learning của TT.KNCĐ. Và rất nhiều những sự trùng hợp khác như: chị Dương khởi động lại dự án, email của trường gửi thư dự án SFG đang tuyển thành viên, mình cũng có chút xíu năng khiếu vẽ nên mình đã quyết định tham gia dự án và gia nhập đại gia đình Service-Learning từ năm nhất.
 
Trong quá trình đó, Thư cảm thấy bản thân có thay đổi gì không? Trước và sau khi tham gia dự án có sự khác biệt như thế nào? 
Để nói về khác biệt thì phải đi từ những hoạt động của nhà mình trước, đó là hoạt động reflection. Mình đã tập được một thói quen là sau khi tham gia một sự kiện dù lớn hay nhỏ, mình sẽ thực hành reflection, nhìn nhận lại công việc này mình làm có phù hợp với bản thân hay không, đã đúng hay chưa, mình nên cải thiện những gì cho các sự kiện tiếp theo… 
 
Một sự thay đổi lớn mà mình nhận thấy nữa là sự tin tưởng. Vì bản thân khi xưa là một người không dễ tin tưởng người khác nên mình sẽ có xu hướng ôm việc. Sau này, mình nhận thấy nếu ôm việc nhiều thì mình cũng mệt và cũng sẽ xa cách mọi người, nên từ đó đã học được cách tin tưởng người khác. Đồng thời, vì đang giữ vai trò là một biên tập viên, một cố vấn truyền thông của dự án nên mình cũng cần sự khéo léo trong lời nói, phải góp ý như thế nào để người khác cảm thấy nếu làm sai thì họ vẫn còn cơ hội, đó không phải là điều họ yếu kém. Như một câu nói của dự án mình vậy: “Nhận xét, không phán xét, không chỉ trích!”
 
Thư đã từng ngày chuyển mình khi tham gia dự án SFG
 
Bạn đã gắn bó với dự án một quãng thời gian khá lâu - gần 3 năm. Nếu có thể ví SFG với một món đồ bất kỳ, bạn sẽ chọn món đồ nào? Tại sao?
Mình sẽ ví dự án SFG như một chiếc bóng đèn. Tại sao lại là bóng đèn? Trong cuộc sống, không có ánh sáng thì chúng ta sẽ không thể thấy gì cả, không có nguồn sáng. Và khi tham gia dự án SFG thì mình cảm thấy chính mình cũng được tỏa sáng như chiếc bóng đèn vậy. Mình được tự tin làm những gì mình thích và được tự do về mặt cảm xúc! 
 
Trên hành trình của mình đương nhiên Thư sẽ gặp phải những khó khăn nhất định. Bạn đã gặp phải những khó khăn nào trong thời gian qua?
Về khó khăn thì chắc phải kể đến hai điều, thứ nhất là kỹ năng truyền thông và thứ hai là quản lý thời gian. Thư đã có một bước ngoặt khi chuyển hướng từ thành viên dự án sang mảng truyền thông ở mùa ba của dự án. Tuy nhiên, mình đã trăn trở khi chưa bao giờ làm vị trí truyền thông mà chỉ có một ít kỹ năng về thiết kế, không phải là một leader hay có định hướng về kế hoạch truyền thông cho dự án. Tuy nhiên sau khi được training cùng CSL, được thực hành nhiều hơn, mình nhận ra nó cũng không khó lắm và mình đã có cơ hội cải thiện và phát triển.
 
Tiếp theo là quản lý thời gian. Đã có quãng thời gian nhiều việc quá dồn dập khiến mình không thể hoàn thành công việc đúng hạn. Và khi đi họp cùng Ban điều phối, chị Trần Thị Mỹ Phượng (Giám đốc TT.KNCĐ) và chị Huỳnh Kim Phụng (Điều phối viên TT.KNCĐ) đã khuyên và góp ý rất nhiều, mình không nên ôm việc quá nhiều và nên điều phối một cách chuyên nghiệp hơn. Mình đã về nhà tự suy nghĩ, reflection lại, cân bằng thời gian. Cũng phải mất nhiều tuần mới có thể quản lý thời gian được như hiện tại. Bây giờ mình đã đúng deadline hơn, tin tưởng các thành viên khác nhiều hơn để chia sẻ công việc cho họ.
 
Bạn có thể kể về một kỷ niệm đáng nhớ nhất từ lúc gia nhập CSL đến hiện tại không? 
Chắc là chuyến cắm trại Leadership Camp 2023. Từ trước đến giờ khi tham gia SFG, mình không kết nối với các thành viên ngoài dự án nhiều. Chuyến đi đó là tập hợp các thành viên từ tất cả dự án của CSL: C4D (Communication for Development) cũng có, Heart To Hand cũng có, cả Nụ Cười Em Thơ nữa. Chính vì vậy mình đã có cơ hội kết nối với các bạn nhiều hơn, có nhiều kỷ niệm hơn. Thêm một điều nữa là mình có rất ít cơ hội để làm việc với trẻ em. Khi đến nhà lưu trú trong chuyến đi, mình gặp rất nhiều bé dễ thương, đã tập điều phối các em như thế nào để có một tiết mục biểu diễn hoàn chỉnh, và từ đó nhận ra mỗi em đều có một điểm mạnh riêng. Qua chuyến đi thì mình cũng gắn kết nhiều hơn và cũng học được nhiều kỹ năng nữa. 
 
Còn về SFG thì có quá nhiều kỷ niệm, nhưng gần đây nhất thì là sự kiện tổng kết thường niên của Trung tâm vừa qua - Kapital Ends. Vì lúc đó ai cũng vui và công sức của mình được công nhận. Sau bất kỳ một sự kiện nào, mình thấy “nhà Sketch” của tụi mình cũng gắn bó với nhau hơn, tình cảm được thắt chặt hơn nên mình rất vui!
 
Anh Thư (ngoài cùng bên trái hàng đầu) cùng dự án SFG tại sự kiện tổng kết năm học Kapital Ends
(Ảnh: Trung tâm Kết nối cộng đồng)
 
Thư chuyển hướng từ một thành viên Sketch sang làm truyền thông, vậy khi làm việc, nguồn cảm hứng sáng tạo của Thư đến từ đâu? 
Mình nghĩ nó đến từ những thành viên khác vì mình thích làm việc với con người. Chẳng hạn như khi xây dựng một kế hoạch truyền thông, mình sẽ thu thập những ý tưởng của các bạn trong dự án, từ đó mình có thể nảy ra nguồn cảm hứng rồi phát triển nó lên. Trong quá trình tham gia CSL thì mình cũng nhận ra điểm mạnh ở bản thân đó là việc mình là người phát triển các ý tưởng, cùng đồng hành với mọi người để cùng đi lên mà không phải là người mạnh về khoản tự tạo ra một ý tưởng mới. Vì vậy, có thể nói nguồn cảm hứng của mình đều đến từ những người xung quanh.
 
Sau khi đã có một chút “quả ngọt” cho riêng mình ở các dự án cộng đồng, cảm nhận của bạn về những hoạt động ở đây như thế nào?
Với mình, CSL như một ngôi nhà, một sân chơi bạn có thể thỏa thích thể hiện bản thân mình. Bạn có thể biết được những ưu khuyết điểm của bản thân, tự do về mặt cảm xúc, có thể thoải mái chia sẻ điều mình chưa làm tốt với người khác và có cơ hội để cải thiện. Bất kỳ một hoạt động hay dự án nào cũng có thực tiễn mà không chỉ dựa trên lý thuyết, vì thế mình cảm thấy rất tâm đắc xen lẫn tự hào, không hề hối hận khi tham gia vào nhà CSL.
 
Anh Thư tham gia hoạt động cộng đồng tại Trung tâm
(Ảnh: nhân vật cung cấp)
 
Bạn có lời nhắn gửi hay lời khuyên nào cho các bạn sinh viên không? 
Thời gian trước, mình hay bị nỗi sợ cản bước của mình, nên đối với những bạn sinh viên thì mình chỉ muốn nói rằng khi chúng ta còn ở trong một môi trường tốt như thế này, chúng ta nên học tập, nên thử và trải nghiệm nhiều hơn, đừng để nỗi sợ cản bước thành công của các bạn. 
 
Có thể nói, tại trường UEF, các hoạt động học tập thông qua phục vụ cộng đồng đang ngày một phát triển và đem đến nhiều lợi ích cho sinh viên. Như lời Anh Thư chia sẻ, đó là nơi sinh viên có thể khám phá hết tiềm năng của bản thân, đồng thời đem đến một nguồn năng lượng tích cực cho cộng đồng qua các hoạt động bổ ích. Hy vọng rằng trong tương lai, Anh Thư sẽ đồng hành cùng dự án Sketchnote For Good thật lâu và có thể cống hiến hết sức trẻ sinh viên của mình cho các dự án cộng đồng!
 
 
Tin: Như Quỳnh
TIN LIÊN QUAN