TRUNG TÂM THAM VẤN TÂM LÝ
VÀ HỖ TRỢ PHÁP LUẬT
Hỗ trợ pháp luật

Sinh viên Khoa Luật UEF cập nhật kiến thức chuyên ngành từ Thẩm phán Tòa án Nhân dân TP.HCM

10/10/2022
Nhằm giúp sinh viên UEF nói chung và sinh viên Khoa Luật nói riêng nâng cao nhận thức về pháp luật hình sự, đặc biệt là các vụ án mua bán người; Đồng thời phát triển năng lực tư duy, thu thập và xử lý thông tin, đánh giá các chứng cứ trong vụ án, vào ngày 1/10 vừa qua, Khoa Luật phối hợp cùng Liên chi Hội sinh viên khoa đã tổ chức chuyên đề “Tội danh mua bán người” với sự đồng hành của Thẩm phán Nguyễn Mai Trâm - Tòa án Nhân dân TP.HCM.
 

ThS. Vũ Anh Sao – Phó Trưởng Khoa Luật trao thư cảm ơn đến diễn giả
 
Tội danh mua bán người đã và đang là thách thức lớn đối với cộng đồng quốc tế trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay. Tại Việt Nam, thời gian qua, tình trạng mua bán người diễn ra phức tạp với tính chất, quy mô ngày càng lớn, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, dựa trên những thành tựu của khoa học kỹ thuật.
Mục đích của mua bán người có thể là: đẻ thuê, nhận con nuôi, buôn bán nội tạng, buôn bán sức lao động,… Mỗi mục đích sẽ có những thủ đoạn phạm tội khác nhau.
 

Thẩm phán Nguyễn Mai Trâm dẫn chứng và phân tích các vụ án buôn bán người gần đây
 
Tội phạm mua bán người đã được Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tại Điều 150 (tội mua bán người) và Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi). So với Bộ luật Hình sự năm 1985 và Bộ luật Hình sự năm 1999 thì Bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể, rõ ràng các hành vi khách quan của tội phạm mua bán người cũng như các tình tiết định khung hình phạt của tội phạm này.
Theo đó, khung hình phạt tù đối với tội danh mua bán người là từ 5 năm đến 20 năm. Riêng trường hợp mua bán người dưới 16 tuổi, phạt tù từ 7 năm đến 20 năm, hoặc chung thân.
 



Nhiều thắc mắc của sinh viên liên quan đến khung hình phạt được khách mời giải đáp
 
Thông qua những phần hỏi đáp và giao lưu tương tác, các bạn sinh viên cũng đã hiểu hơn về tội danh mua bán người, những hình thức phạm tội và phương cách phòng chống. Đây chính là những kiến thức thực tế bổ ích giúp các bạn định hướng rõ ràng hơn nếu theo đuổi nghề nghiệp luật sư, thẩm phán,… trong tương lai.
TIN LIÊN QUAN