Báo cáo tự đánh giá

Kiểm định chất lượng giáo dục

11/01/2018

1. Kiểm định chất lượng giáo dục là gì?
Kiểm định chất lượng giáo dục là một trong những hoạt động đảm bảo chất lượng bên ngoài cơ sở đào tạo. Quá trình kiểm định chất lượng giáo dục nhằm mục tiêu đưa ra các quyết định công nhận về mức độ tiến bộ và đảm bảo chất lượng giáo dục tại các trường cao đẳng, đại học…
Kiểm định chất lượng giáo dục đã có một lịch sử phát triển lâu dài ở Hoa Kỳ và Bắc Mỹ, nhưng trước đây ít được các nước khác biết đến. Hiện nay kiểm định chất lượng giáo dục ngày càng trở nên phổ biến hơn bởi nó chứng tỏ là một công cụ hữu hiệu giúp nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, duy trì các chuẩn mực chất lượng giáo dục và không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học.
2. Đặc trưng của Kiểm định chất lượng giáo dục

• Kiểm định chất lượng giáo dục có thể được tiến hành ở phạm vi cơ sở đào tạo (trường) hoặc chương trình đào tạo
• Kiểm định chất lượng giáo dục là hoạt động hoàn toàn tự nguyện
• Kiểm định chất lượng giáo dục không thể tách rời công tác tự đánh giá
• Tất cả các quy trình kiểm định chất lượng giáo dục luôn gắn liền với đánh giá ngoài (đánh giá đồng nghiệp)
• Các chuẩn mực đánh giá rất linh hoạt và được biến đổi cho phù hợp với mục tiêu hoạt động của từng trường

3. Mục đích của kiểm định chất lượng giáo dục

Mục đích chính của kiểm định chất lượng giáo dục là nhằm đảm bảo đạt được những chuẩn mực nhất định trong đào tạo và không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng nguồn nhân lực và đảm bảo quyền lợi cho người học. Ở một số nơi, kiểm định chất lượng giáo dục còn nhằm mục đích giải trình với xã hội, với các cơ quan quyền lực hay với các cơ quan, tổ chức tài trợ, cấp kinh phí. Hiện nay, không ít các tổ chức, cơ quan quan tâm đến việc cơ sở đào tạo/ chương trình đào tạo đã được kiểm định chất lượng giáo dục hay chưa trước khi đưa ra quyết định tài trợ hay không tài trợ cho cơ sở đào tạo/ chương trình đào tạo đó. Học sinh và phụ huynh, trước khi lựa chọn trường để đăng ký dự tuyển cũng cân nhắc xem nhà trường hay chương trình đào tạo có được kiểm định chất lượng giáo dục hay không.

4. Quy trình tiến hành kiểm định chất lượng giáo dục
Thực tiễn kiểm định chất lượng tại các quốc gia trên thế giới khá đa dạng và phức tạp, nhưng có thể được khái quát trong một quy trình gồm 4 bước như sau:

Bước 1: Xây dựng hoặc cập nhật các công cụ kiểm định chất lượng giáo dục
Bước 2: Tự đánh giá của cơ sở đào tạo/ chương trình đào tạo
Bước 3: Đánh giá từ bên ngoài (đánh giá đồng nghiệp)
Bước 4: Công nhận cơ sở đào tạo/ chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. 

TIN LIÊN QUAN