Hoạt động học thuật

Báo cáo chuyên đề: "Bẫy Thucydides và cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung"

02/11/2021

Nhằm tạo điều kiện để sinh viên tìm hiểu sâu hơn về khái niệm Bẫy Thucydides, những quan điểm ủng hộ và phản đối khái niệm này và tác động của khái niệm tới cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, đồng thời tăng cường nhận thức chung của sinh viên về chính sách đối ngoại Mỹ, về tác động của cạnh tranh Mỹ - Trung tới tình hình an ninh của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Khoa Quan hệ Quốc tế tổ chức Báo cáo chuyên đề: "Bẫy Thucydides và cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung" vào lúc 18h00, thứ Bảy, ngày 30/10/2021 bằng hình thức trực tuyến qua nền tảng Zoom. 

 

Buổi nói chuyện có sự tham gia của BCN. Khoa Quan hệ Quốc tế, các Giảng viên và các bạn sinh viên Khoa Quan hệ Quốc tế-UEF. Đặc biệt, buổi Báo cáo thu hút sự tham gia của các sinh viên chuyên ngành Quan hệ Quốc tế đến từ Học viện Ngoại giao Việt Nam và Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TPHCM. Diễn giả của Buổi Báo cáo là Anh Ngô Di Lân, Nghiên cứu sinh, chuyên ngành Quan hệ Quốc tế, Đại học Brandeis, Hoa Kỳ, qua phần dẫn dắt, giới thiệu của ThS. Nguyễn Thế Phương, Giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế.

 

Nội dung của buổi nói chuyện xoay quanh việc cung cấp, giải thích khái niệm bẫy Thucydides; xem xét tính hiệu quả của việc vận dụng khái niệm bẫy Thucydides vào giải thích cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung; đặc biệt buổi nói chuyện giúp các bạn sinh viên trả lời được câu hỏi rằng bẫy Thucydides có phải là lăng kính tối ưu trong việc phân tích cạnh tranh Mỹ-Trung hay không? Để cụ thể hóa được những nội dung chính trên, phần chia sẻ của anh Lân bao gồm 04 phần là: bẫy Thucydides và chuyển giao quyền lực; sơ lược cạnh tranh Mỹ-Trung; tính ứng dụng của bẫy Thucydides vào phân tích cạnh tranh Mỹ-Trung; phần hỏi đáp.


 

Mở đầu, anh Lân đã tiến hành phân tích khái niệm bẫy Thucydides cho các bạn sinh viên. “Bẫy” là nghĩa là tình huống khó thoát; Thucydides là sử gia người Hy Lạp. "Bẫy Thucydides" là một khái niệm mang hàm nghĩa rằng, chiến tranh là xu hướng tự nhiên khi một trung tâm quyền lực mới nổi lên đe dọa thay thế trung tâm quyền lực cũ. "Bẫy Thucydides" được mang tên nhà sử học Hy Lạp cổ đại Thucydides, người đã có những quan sát về cuộc chiến tranh Peloponnese giữa quyền lực mới trỗi dậy là thành bang Athens và quyền lực cũ đang thống trị là thành bang Sparta. Cuộc chiến này đã làm cho nền văn minh Hy Lạp cổ đại sụp đổ. Thucydides đã phát biểu rằng: "Chính sự trỗi dậy của Athens và nỗi sợ hãi mà nó gây ra ở Sparta đã khiến chiến tranh trở thành điều tất yếu". Chính phát biểu này đã tạo ra hàm nghĩa cho khái niệm "Bẫy Thucydides" sau này. 


Tiếp theo, diễn giả đã có những chia sẻ xoay quanh thuyết chuyển dịch quyền lực. Cha đẻ của thuyết này là A.F.K. Organski với cuốn sách World Politics (1958). Theo đó, hệ thống quốc tế được sắp xếp theo một trật tự dựa vào tương quan sức mạnh giữa các quốc gia. Hệ thống này bao gồm: nước bá quyền, các cường quốc hạng nhất, các cường quốc khu vực tầm trung và các nước nhỏ. Thuyết chuyển dịch quyền lực cho rằng chiến tranh xảy ra khi có một cường quốc hạng nhất trở nên đủ mạnh để thách thức cho nước bá quyền, vì vậy cường quốc sẽ trỗi dậy để tiến hành chiến tranh lật đổ nước bá quyền.


Để hiểu được tính ứng dụng bẫy Thucydides vào phân tích cạnh tranh chiến lược Mỹ Trung, trước hết, anh Ngô Di Lân đã khái quát những đặc điểm chính của quá trình cạnh tranh này. Cạnh tranh chiến lược Mỹ Trung bắt đầu sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và bắt đầu lộ rõ hình thái từ khủng hoảng kinh tế năm 2008. Cạnh tranh tăng tốc ở cuối thời kỳ Obama và lên đỉnh điểm ở đầu thời kỳ của tổng thống Trump. Nguồn gốc của cạnh tranh xuất phát từ việc trỗi dậy của Trung Quốc, bên cạnh đó Mỹ có những lợi ích chiến lược trong việc bảo vệ vị trí cường quốc số một thế giới của mình, đồng thời Mỹ và Trung Quốc có những khác biệt, đối lập trong hệ tư tưởng, văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử, sắc tộc.

Để trả lời câu hỏi bẫy liệu Thucydides có phải là lăng kính tối ưu trong việc phân tích cạnh tranh Mỹ-Trung hay không? Anh Lân đã chỉ ra một số điểm bất cập trong khái niệm bẫy Thucydides cho các bạn sinh viên. Cụ thể: (1) không có cơ sở vững chắc để khẳng định rằng khái niệm Bẫy Thucydides theo cách mà Allison định nghĩa thực sự tồn tại; (2) không có cơ chế cụ thể để liên kết các yếu tố ở tầng cấu trúc (thay đổi quyền lực) và quá trình ra quyết sách cho các vấn đề cụ thể; (3) luôn có một xác suất >0% chiến tranh xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng không liên quan đến sự trỗi dậy của Trung Quốc; (4) xu thế về lâu dài là Trung Quốc sẽ yếu đi (xét về tính tương đối lẫn tuyệt đối)

Qua việc phân tích trên, diễn giả đã đúc kết ra những điểm mấu chốt mà sinh viên cần lưu ý là: (1) khái niệm bẫy Thucydides không có cơ sở vững chắc về cả lịch sử lẫn lý thuyết; (2) những người như Graham Allison thổi phồng nguy cơ chiến tranh nổ ra trong quan hệ Mỹ-Trung; (3) việc thổi phồng nguy cơ chiến tranh sẽ mang đến những hệ lụy đáng kể nếu nó thuyết phục được giới lãnh đạo Mỹ, khiến Mỹ trở nên dè dặt hơn trong những nước đi đối ngoại của mình; (4) xét về thực tế, hãy xem xét khả năng Trung Quốc đột ngột suy yếu, cảm thấy mình đã tụt dốc nhưng có một cửa sổ cơ hội để bảo vệ vị thế; (5) chuyển dịch quyền lực là một yếu tố quan trọng nhưng chỉ là một trong nhiều yếu tố để cân nhắc khi đánh giá tương lai quan hệ nước lớn.



Buổi báo cáo này cũng đã kết thúc chuỗi chuyên đề trong môn học An ninh Châu Á - Thái Bình Dương của Khoa Quan hệ Quốc tế. Hy vọng qua các vấn đề được trình bày trong các buổi báo cáo vừa qua đã giúp các bạn sinh viên có thêm nhiều kiến thức bổ ích, nhiều góc nhìn mới cho những vấn đề an ninh quốc gia, những điểm nóng an ninh, xung đột, căng thẳng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đây là hoạt động giúp các bạn sinh viên sinh viên xây dựng được nền tảng kiến thức cơ bản lẫn chuyên sâu, phục vụ học tập và nghiên cứu trong thời gian tới.

Hình ảnh + Tin bài: Khoa Quan hệ Quốc tế

 
TIN LIÊN QUAN