Hoạt động học thuật

Báo cáo chuyên đề: "Các thành tố định hình chính sách đối ngoại Trung Quốc"

14/10/2021

Với mục đích tạo điều kiện để sinh viên nâng cao kiến thức về chính sách đối ngoại Trung Quốc, làm nền tảng phục vụ môn học An ninh Châu Á - Thái Bình Dương, tăng cường nhận thức chung của sinh viên về vai trò và chiến lược của Trung Quốc ở khu vực, về các thành tố ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của Trung Quốc và những phản ứng của Việt Nam trước các chính sách đó, Khoa Quan hệ Quốc tế tổ chức Báo cáo chuyên đề: "Các thành tố định hình chính sách đối ngoại Trung Quốc" vào lúc 16h00, thứ Bảy, ngày 09/10/2021 bằng hình thức trực tuyến qua nền tảng Zoom. 

 

Buổi nói chuyện có sự tham gia của BCN. Khoa Quan hệ Quốc tế - TS. Đào Minh Hồng, Phó Trưởng Khoa, các Giảng viên và các bạn sinh viên Khoa Quan hệ Quốc tế-UEF. Đặc biệt, buổi Báo cáo thu hút sự tham gia của các sinh viên chuyên ngành Quan hệ Quốc tế đến từ Học viện Ngoại giao Việt Nam và Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TPHCM. Diễn giả của Buổi Báo cáo là TS. Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TPHCM qua phần dẫn dắt, giới thiệu của ThS. Nguyễn Thế Phương, Giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế.

Nội dung của buổi nói chuyện tập trung vào việc giúp sinh viên nhìn nhận và tiếp cận chính sách Đối ngoại của Trung Quốc qua việc xác định những thành tố nào ảnh hưởng đến quá trình xây dựng chính sách cũng như những giai đoạn cụ thể của quá trình hoạch định đến công đoạn thực thi chính sách. Mở đầu, TS. Nguyễn Thành Trung đã giới thiệu một số thông tin tổng quan về diện tích, dân số và vị trí địa lý của Trung Quốc. Qua đó, Thầy cũng đã ra một số câu hỏi mang tính gợi mở để sinh viên có thể suy nghĩ, thảo luận về việc những yếu tố địa chính trị liệu có ảnh hưởng đến chính sách Đối ngoại của Trung Quốc hay không. Nếu sinh viên có quan tâm đến chính sách Đối ngoại của Trung Quốc, các bạn nên tập trung vào 04 yếu tố là: quyền lực, lợi ích, thể chế và văn hóa. 

Tiếp đến, thầy Trung giới thiệu đến các bạn sinh viên bộ công cụ để phân tích chính sách Đối ngoại của Quốc gia - đó là 3 cấp độ phân tích trong Quan hệ Quốc tế: cấp độ cá nhân, cấp độ quốc gia, cấp độ hệ thống quốc tế. Cấp độ phân tích là thuật ngữ xuất hiện trong nghiên cứu quan hệ quốc tế vào tháng 04 năm 1960 khi David Singer bình luận về cuốn sách của Kenneth Waltz có tựa đề Con người, Nhà nước và Chiến tranh (Man, the State, and War) xuất bản năm 1959. 

 

Cấp độ phân tích hệ thống quốc tế là cách tiếp cận từ trên xuống, xuất phát từ quan điểm cho rằng các quốc gia và các chủ thể quan hệ quốc tế khác vận hành trong một hệ thống kinh tế chính trị xã hội toàn cầu mà ở đó các đặc điểm cụ thể của hệ thống góp phần quyết định mô thức tương tác giữa các chủ thể. Cách tiếp cận ở góc độ quốc gia phân tích vai trò của sự tương tác giữa các chủ thể chính trị trong nước như các cơ quan hành pháp, lập pháp, các nhóm lợi ích đối với chính sách đối ngoại của một quốc gia.  Cách tiếp cận ở góc độ cá nhân người lãnh đạo -  xác định các đặc điểm của quy trình ra quyết định chính sách của con người, vốn hết sức phức tạp và bao gồm các công đoạn như thu thập thông tin, xử lý thông tin, thiết lập các mục tiêu chính sách, xem xét các lựa chọn và cuối cùng là đưa ra lựa chọn chính sách. Vai trò của cá nhân con người đối với chính trị thế giới theo đó thể hiện ở ba phương diện: bản chất con người, hành vi tổ chức và đặc điểm cá nhân. 

 

TS Nguyễn Thành Trung đã tổng hợp các nhân tố chủ chốt quyết định chính sách đối ngoại của một quốc gia bao gồm: Thế, lực và tính chính danh của quốc gia trên trường quốc tế; Tình hình chính trị và an ninh thế giới; Mục tiêu quốc gia mong muốn đạt được; Ảnh hưởng của bộ máy hoạch định chính sách đối ngoại; Các nhân tố chính trị nội bộ (các nhóm lợi ích, giới truyền thông, công luận)

 

Phần thứ hai của buổi báo cáo là phần trả lời câu hỏi của các bạn sinh viên. Chính sách đối ngoại là một chủ đề được các bạn sinh viên quan tâm, do đó, ở phần này các bạn sinh viên đã đặt rất nhiều câu hỏi. Chính vì thế, để giúp diễn giả có thể hệ thống hóa kiến thức trong mỗi câu trả lời, TS. Đào Minh Hồng, Phó Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế đã tập hợp các câu hỏi của sinh viên theo nhóm những chủ đề nhỏ như: vai trò của các nhân tố ảnh hưởng chính sách Đối ngoại Trung Quốc; mối quan hệ giữa các nước lớn, những biểu hiện của chính sách Đối ngoại Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, những phản ứng của Việt Nam trước những bước đi của Đối ngoại Trung Quốc.



 

Kết thúc Buổi Báo cáo, sinh viên Khoa Quan hệ Quốc tế UEF nói riêng và các bạn sinh viên Quan hệ Quốc tế tại những đơn vị khác nói riêng đã có thêm nhiều kiến thức nền tảng về các cách tiếp cận chính sách Đối ngoại Trung Quốc, làm cơ sở lý thuyết vững chắc, phục vụ cho nghiên cứu và học tập của các bạn sinh viên.

Tin bài+Hình ảnh: Khoa Quan hệ Quốc tế

 
TIN LIÊN QUAN