Hoạt động học thuật

Báo cáo chuyên đề: "Lối ra nào cho vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên"

22/10/2021
Với mục đích tạo điều kiện để sinh viên tìm hiểu sâu hơn về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên - một trong những điểm nóng an ninh lớn nhất ở khu vực Đông Bắc Á hiện tại, đồng thời tăng cường nhận thức chung của sinh viên về an ninh khu vực Đông Bắc Á, về tình hình bán đảo Triều Tiên, và lợi ích của những quốc gia có liên quan, Khoa Quan hệ Quốc tế tổ chức Báo cáo chuyên đề: "Lối ra nào cho vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên" vào lúc 19h00, thứ Tư, ngày 20/10/2021 bằng hình thức trực tuyến qua nền tảng Zoom.
 
Buổi nói chuyện có sự tham gia của BCN. Khoa Quan hệ Quốc tế, các Giảng viên và các bạn sinh viên Khoa Quan hệ Quốc tế-UEF. Đặc biệt, buổi Báo cáo thu hút sự tham gia của các sinh viên chuyên ngành Quan hệ Quốc tế đến từ Học viện Ngoại giao Việt Nam và Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TPHCM. Diễn giả của Buổi Báo cáo là Anh Vũ Xuân Khang, Nghiên cứu sinh, Chuyên ngành An ninh Quốc tế, tại Đại học Boston, bang Massachusetts, Hoa Kỳ qua phần dẫn dắt, giới thiệu của ThS. Nguyễn Thế Phương, Giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế.

Nội dung của buổi nói chuyện xoay quanh việc lý giải lý do tại sao Bắc Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân; mục tiêu cơ bản của việc sử dụng vũ khí hạt nhân; cách gia tăng sức mạnh của vũ khí hạt nhân cũng như giới thiệu những điểm khái quát về quá trình chạy đua vũ trang giữa hai miền của Bán đảo Triều Tiên. Theo diễn giả, có 03 lý do chính để giải thích tại sao Bắc Triều Tiên lại theo đuổi con đường vũ khí hạt nhân: (1) giúp cân bằng cán cân sức mạnh trên Bán đảo Triều Tiên; (2) duy trì độc lập tự chủ đối với các cường quốc; (3) xây dựng tính chính danh cho chính quyền hậu Kim Nhật Thành. Tại phần nào, anh Khang đã sử dụng những hình ảnh và biểu đồ mô tả sự tương quan về kinh tế và quân sự giữa Nam-Bắc Triều Tiên để truyền tải kiến thức đến các bạn sinh viên một cách trực quan nhất. Nhiều khái niệm quan trọng cũng đã được anh Khang chia sẻ và phân tích cho các bạn sinh viên như: chủ nghĩa Juche (chủ nghĩa chủ thể), tâm lý nhược tiểu, chủ nghĩa bá quyền, học thuyết tịnh tiến.



Tiếp đến, Anh Khang đã nhấn mạnh đến những mục tiêu của vũ khí hạt nhân, cụ thể: cản trở sự xâm lược từ bên ngoài, tạo áp lực lên liên quan Mỹ Hàn và nhằm thống nhất Bán đảo Triều Tiên. Vừa qua, hôm 19/10, Bình Nhưỡng đã thực hiện vụ thử tên lửa thứ tư kể từ đầu tháng 9, sau một thời gian im ắng. Điều này đã tiếp tục dấy lên quan ngại rằng việc trở lại các hoạt động quân sự như vậy diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực sẽ khiến cho các kênh đối thoại rơi vào bế tắc. Hiện nay leo thang chạy đua vũ trang trên bán đảo Triều Tiên đang diễn ra nhanh chóng. Trên phương diện kiểm soát phổ biến vũ khí, tình hình đã xấu đi rõ rệt những tháng qua ở trong vùng. Seoul trên thực tế không khoanh tay nhìn Bình Nhưỡng liên tiếp bắn tên lửa. Hàn Quốc hôm 19/10, đã khai mạc một cuộc triển lãm vũ khí lớn nhất trong lịch sử. Trước đó một tuần Bình Nhưỡng cũng có hoạt động trưng bày đủ loại tên lửa hạng nặng hiện đại.


Bên cạnh đó, cách gia tăng sức mạnh của vũ khí hạt nhân là phần được anh Khang tiếp tục giới thiệu đến các bạn sinh viên. Có ba cách để thực hiện điều này, đó là tăng số lượng đầu đạn và tên lửa, tăng khả năng sống sót của tên lửa khi bắn và giảm thời gian chuẩn bị phóng. Ở phần này, anh Khang cũng đã sử dụng nhiều hình ảnh để mô tả và phân tích những ưu điểm và hạn chế trong việc gia tăng sức mạnh cho vũ khí hạt nhân. Thông qua đó, anh Vũ Xuân Khang đã chỉ ra một số biểu hiện cho việc chạy đua vũ trang giữa hai miền Triều Tiên. Hàn Quốc thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), trở thành quốc gia đầu tiên không sở hữu vũ khí hạt nhân song vẫn phát triển hệ thống này. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tham dự buổi thử nghiệm diễn ra cùng lúc với thời điểm Triều Tiên công bố các vụ phóng tên lửa đạn đạo đầu tiên của nước này kể từ tháng 3/2021.



Phần thứ hai của buổi báo cáo là phần trả lời câu hỏi của các bạn sinh viên. Nhiều vấn đề được các bạn sinh viên đặt cho diễn giả như nguồn tài nào để nghiên cứu về vấn đề khủng hoảng Triều Tiên, những khó khăn trong quá trình diễn giả theo đuổi hướng nghiên cứu này cũng như quá trình leo thang của căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đặt trong bối cảnh của dịch bệnh COVID-19.




Kết thúc Buổi Báo cáo, sinh viên Khoa Quan hệ Quốc tế UEF đã có thêm nhiều kiến thức cơ bản và hướng tiếp cận đối với khủng hoảng Triều Tiên trong thời gian tới. Góp phần giúp những bạn sinh viên có quan tâm đến chủ đề này nắm được tình hình căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên.
 Tin bài+Hình ảnh: Khoa Quan hệ Quốc tế
TIN LIÊN QUAN