Nhằm cung cấp thông tin, kiến thức cho các bài viết tham dự Sân chơi học thuật “Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh với Biển Đông”, vào lúc 16g15 ngày 24/11/2020, tại phòng 8.05, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM phối hợp cùng Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) dưới sự bảo trợ của Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) tại Việt Nam đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Cường quốc biển từ lịch sử đến hiện đại” (Sea Powers in History) do ThS. Nguyễn Thế Phương – Giảng viên, Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Tp.HCM trình bày.
Buổi nói chuyện có sự tham gia của sinh viên các khóa của Khoa Quan hệ Quốc tế (UEF); các bạn sinh viên đến từ Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM; Khoa Quốc tế học, Đại học Sư phạm TPHCM; Ngành Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng.
Mở đầu, ThS. Nguyễn Thế Phương đã khái quát những đặc điểm cơ bản của một cường quốc biển. Cường quốc biển được hiểu là quốc gia có sức mạnh vượt trội về biển. Sức mạnh biển có thể được định nghĩa là sức mạnh tổng hợp của một quốc gia để bảo vệ lợi ích biển của quốc gia đó, để sử dụng biển vào các mục tiêu chính trị, kinh tế và quân sự trong thời bình và thời chiến, bao gồm hải quân, khoa học biển, công nghiệp biển và thương mại biển. Nói cách khác, cường quốc hải quân là điều kiện cần nhưng chưa phải là đủ để một quốc gia trở thành cường quốc biển.
ThS. Nguyễn Thế Phương chia sẻ: Nhà tư tưởng lớn về biển có ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược phát triển biển của nhiều quốc gia là Alfred Thayer Mahan (1840-1991) Ông mở đường đột phá tư duy về sức mạnh quốc gia khi cho rằng sức mạnh trên biển mới giúp các nước trở thành cường quốc chứ không phải sức mạnh trên đất liền. Alfred Mahan chỉ ra sáu điều kiện để một quốc gia có thể trở thành cường quốc biển, đó là: (1) Có vị trí địa lý thuận lợi; (2) Có bờ biển có thể sử dụng được, nhiều tài nguyên thiên nhiên và khí hậu thuận lợi; (3) Có lãnh thổ đủ rộng; (4) Có dân số đủ đông để tự vệ; (5) Có xã hội hướng ra biển và thương mại đường biển; (6) Có một chính phủ đủ năng lực để làm chủ biển.
Cuối cùng, ThS. Nguyễn Thế Phương tổng kết: Đặc biệt, trong thời đại ngày nay khi các thị trường trên toàn cầu cùng với thương mại và hợp tác quốc tế ngày càng phát triển, biển và đại dương trở thành con đường tối ưu nhất để qua đó các nước tương tác với nhau. Thông qua con đường biển và đại dương, những nước muốn xác lập vị thế và ảnh hưởng của mình sẽ có thể củng cố được vai trò đang lên ở các thị trường toàn cầu và trong việc phát triển các nguồn lực tự nhiên. Như vậy, từ góc nhìn lịch sử, Trung Quốc theo đuổi mục tiêu tăng cường sức mạnh biển và trở thành cường quốc biển bởi lẽ Trung Quốc là một cường quốc đang trỗi dậy, đã đạt được sức mạnh kinh tế nhất định và đang mưu cầu địa vị cường quốc thế giới.
Buổi nói chuyện “Cường quốc biển từ lịch sử đến hiện đại” (Sea Powers in History) do ThS. Nguyễn Thế Phương chia sẻ, thuộc chuỗi sự kiện của Sân chơi học thuật "Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh với Biển Đông" do Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) phối hợp cùng Quỹ Nghiên cứu Biển Đông (FESS) tổ chức được bảo trợ bởi Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) tại Việt Nam.
Vòng Chung kết của Sân chơi học thuật diễn ra vào ngày 26/11/2020, tại Phòng họp Democracy, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM.
Tin bài: Minh Quang.
Hình ảnh: Team News&Report