Hoạt động học thuật

Chuỗi workshop phương pháp học đại học dành cho sinh viên năm 1 - buổi 3

02/11/2021

Nhằm hình thành cho sinh viên năm I những kiến thức và kỹ năng cơ bản việc tìm kiếm và xử lý tài liệu - một kỹ năng quan trọng trong việc tự học ở Đại học của sinh viên, Khoa Quan hệ Quốc tế tổ chức buổi Workshop thứ ba với chủ đề “Phương pháp tìm kiếm và xử lý tư liệu” - Đây là buổi chia sẻ nằm trong chuỗi Workshop Phương pháp học Đại học dành cho sinh viên năm I Khoa Quan hệ Quốc tế. Sự kiện đã diễn ra vào lúc 18g30 ngày 23/10/2021 bằng hình thức trực tuyến qua nền tảng Zoom.

 

Sự kiện có sự tham gia của BCN. KQHQT, sự hướng dẫn trực tiếp của TS. Trần Thanh Huyền, Trưởng Khoa, Khoa Quan hệ Quốc tế và các bạn sinh viên năm I của Khoa Quan hệ Quốc tế năm học 2021-2022. Nội dung chính của buổi tập huấn tập trung vào việc hướng dẫn sinh viên phương pháp tìm kiếm và xử lý những thông tin trong quá trình học tập. Chủ đề này không chỉ giúp sinh viên học tập tốt mà còn cần thiết đối với những bạn đang chuẩn bị tham gia vào nghiên cứu khoa học sinh viên. Vì vậy, bên cạnh khóa 2021, buổi workshop còn có sự tham dự của các bạn Khóa K19 và 20.

Đầu tiên, TS. Trần Thanh Huyền đã đặt câu hỏi cho các bạn sinh viên rằng: “Làm thế nào để tự học hiệu quả?”. Sau khi nhận được một số ý kiến từ các bạn sinh viên, cô Huyền đã đưa ra những ý chính như: xây dựng mục tiêu học tập rõ ràng, hình thành thói quen học bài thường xuyên, học từ sách, từ những điều cơ bản nhất và trong số đó, là cách tìm kiếm tư liệu trong quá trình tự học đóng vai trò quan trọng.

 

Để biết được những cách tìm tài liệu, sinh viên cần nắm những dạng bài tập nào mà mình sẽ làm ở đại học. Cô Huyền đã giới thiệu một số dạng như: tiểu luận, luận văn, bài báo khoa học, đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên. Từ việc nêu lên những dạng bài chính mà sinh viên thực hiện trong trong quá trình học Đại học, cô Huyền nhấn mạnh những yêu cầu sinh viên cần chú ý như lượng từ, nội dung, phương pháp thực hiện, đọc tài liệu, xử lý thông tin. Ngoài ra, cô Huyền cũng đã giới thiệu cho các sinh viên những phần chủ yếu trong một bài nghiên cứu: lý do chọn đề tài, lịch sử nghiên cứu vấn đề, phương pháp nghiên cứu.

 

Bằng việc dùng phần mềm menti, TS. Trần Thanh Huyền đã thu thập ý kiến của sinh viên về câu hỏi “Các bạn thường tìm kiếm tư liệu học tập từ đâu và bằng cách nào?”. Các nguồn thông tin mà các bạn thường sử dụng là từ sách, giáo trình, bài báo, website chuyên ngành, bài phân tích của các học giả,... Qua đó, cô Huyền nhấn mạnh rằng bước tìm kiếm tài liệu cần được thực hiện theo những điểm lưu ý sau:

- Xác định thuật ngữ và từ khóa của nội dung mà sinh viên đang tìm tài liệu (bằng việc trả lời các câu hỏi như Ai? Cái gì? Khi nào? Ở đâu)

- Xác định mối liên hệ giữa từ khóa và thuật ngữ tìm kiếm.

- Tiến hành tìm kiếm với sự giúp đỡ của các công cụ, thuật toán.

- Xác định nguồn thông tin và đánh giá những tài liệu mà mình tìm được.


Đặc biệt, Cô Huyền nhắc nhở sinh viên phải quan tâm đến tính mới trong quá trình tìm kiếm các đầu sách, tư liệu. Cô cũng lý giải thế nào là một nguồn tài liệu có hàm lượng khoa học cho sinh viên. Khi tìm kiếm, nghiên cứu, các bạn sinh viên phải chú ý vạch ra những mốc thời gian rõ ràng cho từng bước, xác định đâu là điểm dừng để không lãng phí thời gian, tạo được sự chặt chẽ, liền mạch trong quá trình học tập.

Có một vấn đề được sinh viên quan tâm đó là cách xác định nguồn thông tin khi làm bài. Cụ thể, cô Huyền giới thiệu phương pháp tìm kiếm tài liệu thông qua những thuật toán như AND, OR, NOT để Google có thể hiểu và đưa ra những kết quả phù hợp với mục đích tìm kiếm của sinh viên. Đồng thời, các bạn nên quan tâm và tìm hiểu về chức năng tìm kiếm thông tin nâng cao của Google, hay Google Scholar trong việc hỗ trợ các bạn trong việc tìm kiếm tài liệu có hàm lượng khoa học cao. Một số nguồn thông tin được cô Huyền chia sẻ như: sách, báo điện tử, cơ sở dữ liệu điện tử, luận văn điện tử, khóa học trực tuyến, các vật liệu nghe nhìn, video được giảng viên yêu cầu. Để đánh giá được thông tin từ tài liệu được tìm kiếm, sinh viên nên tập trung đọc để hiểu được bối cảnh hoặc kiến thức nền mà tài liệu đề cập tới, đối chiếu với mục đích tìm tài liệu của mình để chọn lọc tài liệu phù hợp.

Cuối cùng, khi nào thì nên dừng lại quá trình tìm kiếm tài liệu? Sau khi sinh viên đã tìm ra những tài liệu phù hợp với từ khóa mình đã đưa ra, tra cứu Google Scholar để thấy những ai đã trích dẫn nguồn tài liệu đó và khi sinh viên bắt đầu vào quá trình nghiên cứu của mình. Đó là những thời điểm mà các bạn nên dừng quá trình tìm kiếm của mình, tập trung vào bước xử lý tư liệu.

 

Thông qua buổi chia sẻ hôm nay, điều quan trọng nhất là các bạn sinh viên nên áp dụng những kiến thức đã được cô Huyền chia sẻ, luyện tập có kế hoạch để hình thành thói quen cũng như nâng cao kỹ năng tìm kiếm tài liệu của mình.

Tin bài + Hình ảnh: Khoa Quan hệ Quốc tế

 

 

 

 
TIN LIÊN QUAN